Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Củ nén: Món ăn vị thuốc

Nén vừa là loại rau vừa là gia vị như hành, tỏi nhưng vị nén rất nồng và đậm. Nén có thể làm món chiên, xào, kho, hấp hoặc nấu chè, nấu cháo. 
Củ nén: Món ăn vị thuốc
Củ nén thuộc họ hành còn được gọi là hành hoa, hành tăm. Theo tài liệu cổ truyền, nén có vị cay, ngọt, tính ôn có tác dụng bổ thận, làm ấm lưng, chữa đái són, mộng tinh, tiểu nhiều lần. 

Nén thường trồng vào tháng 6 âm lịch, ăn lá cho hết tháng 3, muốn lấy củ thì để cây sống cho đến khi lá tàn đào lấy củ. Bà con thường lấy củ nén nấu chè để trị cảm nắng khi tiết trời oi bức, khí hậu thay đổi. Củ nén được rửa sạch, cho nước vào nấu sôi khoảng nửa giờ, sau đó cho đường với một lượng vừa đủ. Đường đen có tác dụng giải cảm tốt hơn. Đặc biệt và thông dụng hơn cả là cháo nén nấu cá lóc, bài thuốc mà ông bà xưa để lại, dùng cho việc giải cảm rất tốt. 

Ngoài ra, có thể dùng củ nén ngâm rượu giúp trị cảm nắng rất hiệu quả. Cách làm khá đơn giản: chọn khoảng 2 kg củ nén già rửa sạch, treo chỗ mát cho khô rồi đem sấy lại, xong đổ vào cái nia, đặt dưới đất gọi là hạ thổ. Khi nén nguội cho vào chai, đổ rượu ngon vào ngâm chừng 3 tháng đem ra dùng được.


 Củ nén có lẽ là món quà mà thiên nhiên ưu ái dành cho người Quảng. Bởi, không chỉ được sử dụng như một gia vị ngon cho nhiều món ăn, củ nén còn là bài thuốc dân gian hiệu nghiệm trong bếp mỗi nhà.
Ảnh minh họa:Innternet
Củ nén cùng họ với hành, tỏi nhưng có mùi thanh và cay hơn, chứa nhiều tinh dầu. Đây là loại củ có nhiều ở vùng Quảng Nam, thích hợp với nơi đất cát.
Món ăn của người Quảng vốn đậm gia vị và cũng như hành hay tỏi, củ nén góp phần tạo nên sự đậm đà đó, đồng thời còn là một bài thuốc hay. Người bị sổ mũi, nhức đầu hay ho khan thì dùng nén ngâm trong nước sôi để xông. Người khó chịu trong người, có dấu hiệu cảm mạo thì ăn nén vào, mồ hôi toát ra, người khỏe hẳn.
Qua nghiên cứu, người ta thấy trong củ nén có các hợp chất lưu huỳnh như metylpen - tyldisulfid, pentylhydrodisulfid và nhiều silic. Do đó, củ nén có tính kháng sinh, có tác dụng kiện vị, trợ tiêu hóa, sát trùng đường hô hấp, tiêu hóa, chống sình bụng, cảm cúm, ho, viêm họng. 
Dù là bài thuốc, nhưng khi kết hợp với món ăn, củ nén không hề làm cho món ăn “khó nuốt” mà ngược lại còn giúp món ăn có mùi vị hấp dẫn riêng. Ví như món cháo nén. Nếu dùng tỏi, cháo sẽ có mùi hăng, khó chịu, mất đi vẻ thanh vốn có của món cháo. Nếu dùng hành thì đúng điệu, nhưng không tạo được vị ngọt. Còn với nén, chính độ cay thanh vừa phải cùng vị ngọt tiết ra giúp món cháo vừa thơm, vừa ấm. Ăn tới đâu, thấm tới đó, không quá cay để hít hà mà the the vừa phải, mùi cháo cũng rất bắt. 
Nén dùng nấu cháo đã đành, nấu chè cũng ngon lạ. Nấu chè nén ăn để trị bệnh thì dùng đường đen, thường là chưng chứ không nấu. Khi đường quyện với nén là có thể dùng và nên dùng nóng khi mùi nén còn hăng, cay. Ăn vào chừng độ một muỗng là cơ thể bắt đầu dễ chịu, sang hôm sau là hết cảm.
Củ nén có thể dùng ướp món này, món kia hay cho vào kho cá. Tuy nhiên, dù dùng để làm gì, cũng không nên băm củ nén quá nhuyễn, chỉ đập giập là được, để lúc ăn, người ta còn có thể nhẩn nha thưởng thức loại gia vị này một cách trọn vẹn. 
Củ nén dùng làm gia vị ướp thịt bò nướng thì không gì bằng. Thịt bò phi lê thái mỏng, ướp với sả băm, ớt bột, dầu mè và các gia vị cho vừa ăn. Cho thật nhiều củ nén đập giập vào, khoảng bằng một phần ba lượng thịt bò, như vậy khi nướng mùi củ nén mới dậy mùi. Bọc thịt bò bằng lá chuối và đem nướng, thịt chín sẽ thơm và ngọt vô cùng. Với món cá, nếu ướp nén rồi đem kho thì vị sẽ đậm đà và “bắt cơm” hơn rất nhiều.

Theo PNO - TNO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét