Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Bí quyết uống rượu mà không say

Muốn uống rượu không say thì bạn đừng quên vừa ăn vừa uống. Nên uống từ từ để cơ thể có thời gian chuyển hóa lượng cồn...

Nhiều chị em mất vui, có khi mất ngủ vì những tai họa xuất phát từ rượu. Nhưng không lẽ từ chối uống rượu ngay cả trong đám cưới của mình?
Vậy có cách nào uống rượu không say?
Trước khi nhập tiệc rượu, bạn nên dùng chút thức ăn nhiều dầu mỡ. Cách này giúp bề mặt dạ dày và ruột được tráng một lớp dầu, nhằm giảm lượng cồn hấp thu vào máu qua niêm mạc của hai bộ phận này.
Ngoài ra, bạn có thể ăn lòng trắng trứng gà hoặc trứng vịt. Chất albumin của lòng trắng trứng sẽ làm kết tủa cồn trong rượu, giảm lượng cồn hấp thu vào máu, do đó giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu. Mặt khác, albumin còn bảo vệ niêm mạc dạ dày trước tác động kích thích, xung huyết, loét... của lượng cồn có trong rượu.
Nước chanh đường hay những lát chanh thái mỏng hoặc một vài trái cây có vị chua của a-xít lactic, a-xít acetic (như cam, chanh, quýt...)... có thể trung hòa đáng kể lượng cồn có trong rượu, giúp làm giảm nguy cơ say hoặc ngộ độc rượu.

Trong khi uống rượu, bạn cần chú ý điều gì?
Muốn uống rượu không say thì bạn đừng quên vừa ăn vừa uống. Nên uống từ từ để cơ thể có thời gian chuyển hóa lượng cồn đã uống vào. Trong một giờ, cơ thể chỉ phân giải được 1/10 xị rượu 45 độ (25ml), lượng cồn không bị phân giải tồn đọng do uống quá nhanh sẽ tràn vào máu, dễ gây ngộ độc.


Rượu vang là loại rượu thích hợp nhất với phụ nữ (Ảnh minh họa)
Bạn nên dùng những loại thức ăn như củ cải trắng, rau cải trắng, rau cần, những món ăn chế biến từ đậu xanh, các món nhiều dầu, mỡ, các loại trái cây như cam, chanh, quýt, dâu tây... trong khi uống rượu. Những món ăn đó sẽ giúp trung hòa, giảm lượng cồn hấp thụ hoặc phân giải cồn trong rượu, giúp bạn vẫn có thể cụng ly mà không quá say.
Bạn đừng bao giờ uống rượu với các loại nước ngọt có gas, vì phản ứng tạo bọt khí sẽ làm tăng tốc độ cồn ngấm vào máu. Chỉ nên uống một loại và tốt nhất nên chọn rượu vang, loại thường dành cho phụ nữ.
Trong khi uống rượu, nếu bạn có cảm giác buồn nôn, hãy vào toilet và nôn hết mọi thứ. Tránh kìm nén hoặc dùng thuốc chống nôn, vì như vậy, bạn đã vô tình giữ lại những chất độc mà cơ thể đang cố gắng vận dụng cơ chế tự bảo vệ để đào thải ra ngoài. Sau khi nôn, bạn có thể bổ sung nước, điện giải và năng lượng bằng một ly nước ép trái cây hoặc nước chanh đường.
Bên cạnh đó, bạn có thể dùng một bát cháo loãng. Cháo dễ tiêu hóa, khiến bạn không có cảm giác nặng bụng. Các loại nước ép giúp giải rượu và tình trạng ngộ độc hiệu quả
Trong trường hợp đã thực hiện các cách trên nhưng vẫn say, bạn phải làm gì?
Bạn có thể tự giải quyết hoặc nhờ người nhà giúp đỡ để thoát khỏi cảm giác mệt mỏi, khó chịu, thậm chí say xỉn, ngộ độc... bằng những cách sau:
Uống ngay một ly nước mía ép hoặc nước củ cải trắng giã nát, vắt lấy nước, thêm chút đường cho dễ uống. Ăn chừng 15-30g các sản phẩm chế biến từ đậu xanh hoặc giã 5-10g đậu xanh, pha đường uống để gây nôn, tống mọi chất trong dạ dày ra ngoài.
Có thể dùng chút ít rau cần, rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước uống từ từ. Nước ép này không những giải rượu nhanh mà còn giảm cảm giác nặng đầu, đau đầu khi say xỉn. Pha nước chanh với bột sắn dây hoặc sắc 10g hoa hay củ sắn dây để uống.
Ngoài ra, bạn có thể hãm 5g hoa sắn dây, 5g trà búp, 10g đậu xanh với nước sôi, uống vài lần trong ngày cũng giúp gan đào thải độc tố của rượu.

Trà gừng có công dụng giải rượu rất tốt (Ảnh minh họa)
Nhiều người còn dùng nước sắc của những lát gừng cộng thêm chút mật ong, giúp cho mạch máu lưu thông tốt và làm tăng khả năng giải rượu.
Bạn có thể bổ sung cho cơ thể một số vi khoáng như ka-li, can-xi bị mất do nôn ói bằng các loại nước đậu đen sắc, nước ép cà chua chín, nước ép bưởi...
Cà phê đậm đặc với chất caffeine, trà xanh với chất a-xít tanic là những hóa chất phân giải rượu khá hiệu quả.
Bạn cũng có thể áp dụng những bài thuốc Nam dưới đây:
Sao thơm 30g vỏ quýt khô, tán vụn. Lấy hai quả mơ chua, bỏ hạt, thái vụn, sắc với 360ml nước và vỏ quýt trên lửa nhỏ. Sau 30 phút lọc bỏ bã, lấy nước uống cùng chút nước gừng tươi hay nước trà.
Sấy khô 50g vỏ chanh, 50g vỏ quýt, 25g hoa sắn dây, 25g hoa đậu xanh, 10g nhân sâm, 10g nhục đậu khấu, 30g muối ăn, nghiền tất cả thành bột, đựng trong bình kín. Khi say rượu, bạn pha 6-7g bột trên với nước, uống mỗi ngày ba lần.
Tuy nhiên, trong trường hợp mê sâu, rối loạn hô hấp và tim mạch... người nhà cần chuyển gấp bệnh nhân đến bệnh viện.

Theo Sống khỏe mỗi ngày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét