Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Bánh sinh nhật từ đâu mà có nhỉ?

Trong văn hóa phương Tây, bánh sinh nhật là món tráng miệng được dùng trong bữa tiệc sinh nhật. Bánh thường được trang trí với tên của người chủ bữa tiệc sinh nhật có kèm theo lời chúc mừng. Ngoài ra, người ta còn cắm trên bánh một số ngọn nến bằng số tuổi hiện tại của người tổ chức sinh nhật để cầu mong nó mang lại may mắn. Bánh sinh nhật thường là loại bánh xốp mềm và hương vị được ưa thích nhất là sô cô la.


Nguồn gốc của chiếc bánh sinh nhật bắt đầu từ thời cổ đại. Chiếc bánh khi đó rất khác với ngày nay. Người ta cũng cho rằng từ “cake” (chiếc bánh) xuất hiện từ thế kỷ 13 và xuất phát từ từ “kaka” theo tiếng Na Uy cổ.
 
Thời Hy Lạp cổ đại, người ta làm bánh ngọt hoặc bánh mỳ hình tròn để đưa tới đền thờ thần Artemis – thần Mặt Trăng. Từ đó phong tục làm bánh sinh nhật ra đời. Tuy nhiên một số học giả lại tin rằng truyền thống làm bánh sinh nhật bắt nguồn từ nước Đức thời Trung Cổ. Khi đó chiếc bánh mỳ ngọt được làm mô phỏng hình dáng đức chúa hài đồng quấn trong tã để mừng ngày sinh của Chúa. Về sau người ta bắt đầu làm bánh mừng sinh nhật các em bé gọi là Kinderfest. Người Đức cũng làm một loại bánh đặc biệt khác gồm nhiều tầng gọi là Geburtstagorten.

Ban đầu bánh có mật ong và hạt, quả khô hình dáng giống chiếc bánh mỳ. Theo các nhà nghiên cứu ẩm thực, chính những người Hy Lạp cổ đại là những người đầu tiên tạo ra kĩ thuật làm bánh.
Vào khoảng thế kỷ 17, châu Âu đã đạt được thành tựu đặc biệt trong kĩ thuật làm bánh. Họ làm ra loại bánh có dạng tròn và phủ kem. Điều này chủ yếu là nhờ sự phát triển trong công nghệ chế tạo lò nướng, khuôn chế biến thực phẩm và đường tinh luyện. Khuôn bánh được làm làm bằng gỗ hoặc kim loại, đặt trên chảo phẳng để định dạng bánh.

Lớp kem phủ trên bánh ban đầu được làm từ hỗn hợp đun sôi gồm đường, lòng trắng trứng và hương vị. Sau đó kem được đổ lên trên bánh và rồi bánh lại được đặt vào lò nướng. Sau khi lấy ra, lớp kem nguội đi nhanh chóng tạo thành một lớp phủ như lớp băng cứng, bóng loáng. Bánh xốp và lớp kem ngon là món ăn rất được ưa chuộng vào thời Victoria.

Đến giữa thế kỷ 19 thì nó trở thành loại bánh mà chúng ta biết ngày nay. Hương vị, dáng vẻ của bánh được cải tiến nhờ sử dụng bột mỳ trắng tinh luyện và việc dùng bột nướng thay cho bột ủ men.

Sao bánh sinh nhật lại có hình tròn nhỉ?

 
 

Trước đây bánh sinh nhật thường có dạng hình tròn, thậm chí ngày nay bánh sinh nhật chủ yếu cũng là hình tròn. Các học giả cho rằng đây là do tín ngưỡng tôn giáo và do kĩ thuật làm bánh làm nên hình dạng như thế. Những người Hy Lạp gắn hình dáng tròn của bánh với nữ thần Mặt Trăng – Artemis. Họ thậm chí còn thắp nến lên bánh để làm cho nó sáng lung linh như mặt trăng.

Lại có ý kiến cho rằng từ thời cổ đại người ta làm bánh hình tròn để biểu trưng cho vòng quay thời gian qua các năm. Những chiếc bánh hình tròn được ưa thích vì chúng đại diện cho vòng tuần hoàn của tự nhiên mà cụ thể nhất là nó mang hình dáng của mặt trời và mặt trăng.

Lý do về kĩ thuật là bởi những chiếc bánh chúng ta biết tới ngày nay xuất phát từ bánh mỳ. Vào thời cổ đại bánh được làm bằng tay. Theo đó chúng được nặn theo hình dáng những quả bóng tròn và được nướng trong lò hoặc trong những chiếc chảo đáy nông. Đến lúc bánh chín thì chúng có hình dạng tròn như chúng ta vẫn thấy. Ngày nay người ta có thể làm những chiếc bánh với thật nhiều hình dáng và kích thước khác nhau.
 
Sao lại thắp nến trên chiếc bánh sinh nhật đáng yêu nhỉ?


 

Truyền thống này cũng được cho là xuất phát từ thời Hy Lạp cổ. Khi đó người ta thắp nến trên bánh làm cho nó sáng lung linh như mặt trăng để đưa đến đền thờ Artemis. Một số học giả lại tin rằng khói từ ngọn nến sẽ mang những điều ước của họ lên với các vị thần trên trời. Những người khác cho rằng truyền thống này bắt nguồn từ nước Đức. Ở đó người ta có truyền thống cắm một ngọn nến to ở giữa chiếc bánh để biểu tượng cho “ánh sáng cuộc đời”.

Ở nước Anh vào thời Trung Cổ người ta cũng thường cho những vật mang tính biểu tượng như đồng xu, nhẫn, và cái đê (dùng khi khâu vá) vào trong bột làm bánh. Họ tin rằng những ai tìm thấy đồng xu thì sẽ giàu có còn những người không may tìm thấy cái đê thì sẽ không thể kết hôn được. Người tìm thấy chiếc nhẫn tức là được tiên đoán trước sẽ sắp sửa kết hôn. Thậm chí đến ngày nay người ta vẫn còn theo phong tục này và họ để những vật trang trí nhỏ, đồng xu giả, những chiếc kẹo nhỏ trong bánh.
 
Nếu chiếc bánh bị rơi khi đang nướng thì có nghĩa đó là điềm xấu và báo hiệu trước một năm tồi tệ cho người chủ bữa tiệc sinh nhật.
 
Ngày nay, chủ nhân của bữa tiệc sinh nhật sẽ thầm ước một điều trước khi thổi tắt nến với niềm tin rằng thổi tắt hết nến trong một hơi có nghĩa là điều ước sẽ thành hiện thực và họ sẽ có một năm may mắn. Một vài nơi người ta còn quệt lên tên của người ở trên bánh trước khi cắt bánh để cầu mong may mắn.


Người Việt Nam từ xa xưa không có truyền thống kỷ niệm ngày sinh mà chỉ nhớ ngày giỗ theo lịch âm Qua một thời kỳ dài chiến tranh và cuộc sống du nhập cái mới, đại đa số người Việt cũng đã kỷ niệm ngày sinh theo nhiều cách mà phổ biến nhất cũng là bánh sinh nhật.

Bánh sinh nhật theo dòng trào lưu du nhập văn hóa phương tây vào Việt Nam ở  thế kỷ 19 với thương hiệu nổi tiếng nhất làViral từ năm 1950 và nơi phát triển chính là thành phố Sài Gòn

Cho đến bây giờ, ở đầu thế kỷ 21 người Việt Nam cũng đã quen với bánh sinh nhật và nó đã được coi là một loại bánh bình thường và không đến nỗi quá đặc biệt. Bánh sinh nhật giờ đây không còn quá đắt đỏ cũng như được dùng không chỉ trong dịp sinh nhật. Ta có thể dễ dàng tìm thấy cửa hàng bán bánh sinh nhật hay bánh gatô ở bất kỳ nơi nào trên tất cả các địa bàn dân sinh trên Việt Nam và việc tự làm bánh không còn  là một điều xa lạ với người Việt.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét