Đông y lẫn Tây y đều xem mè đen là thuốc quý. Ảnh: C.T.V
Đông Tây đều khen
Mè đen còn gọi là hồ ma, du tử miêu, vừng đen, tên khoa học là
Sesamum indicum L., thuộc họ vừng (Pedaliaceae). Mè đen được xem là
thực phẩm bổ dưỡng cổ truyền. Sách Danh y biệt lục xếp mè là loại thực
phẩm thượng hạng. Lý Thời Trân trong Bản thảo cương mục có dẫn lời cổ
nhân: “Thời cổ coi mè là tiên dược, ngày nay ít dùng, đâu biết rằng
dùng lâu dài rất có ích? Lưu Nguyễn nhập thiên thai, gặp tiên nữ, thấy
họ ăn cơm với mè đen, có khi ăn mè thay cho cơm, vậy mè chính là thức ăn
của thần tiên vậy”. Trong Thần tiên truyện có truyền thuyết Lỗ Nhĩ
Sinh hơn 80 tuổi, chỉ ăn bánh mè mà vẫn trẻ khoẻ, ngày đi hơn 300 dặm
mà người nhanh như hươu nai.
Theo y học hiện đại, mè đen chứa nhiều axít béo chưa no (45 – 55%)
như sesamin, sesamon, sesamolin, sesamol, axít oleic, axít linoleic,
axít palmitic, axít arachic, lecitin, glycerol, vitamin E, PP, axít
folic, axít amin và nhiều chất khoáng như đồng, canxi, nhiều sắt,
phospho... nên có nhiều tác dụng: dầu mè bôi lên niêm mạc có tác dụng
giảm kích thích, chống viêm. Giảm lượng cholesterol trong máu, phòng trị
xơ cứng động mạch, phòng ngừa cao huyết áp ở người lớn tuổi. Dầu mè
đen giúp nhuận tràng, thông đại tiện, chữa táo bón nhất là ở người già.
Phòng chống suy dinh dưỡng do thành phần có nhiều chất dinh dưỡng nên
thích hợp cho người già yếu suy nhược, trẻ em suy dinh dưỡng (phối hợp
các loại đậu). Bổ khí huyết, làm mịn da, đen tóc giúp trẻ lâu nhờ chứa
nhiều sắt và vitamin E, PP.
Cách dùng
Mè đen đãi sạch, rang sơ, tán bột, mỗi ngày ăn 15 – 20g, có thể ăn với cơm, xôi đậu hoặc hoà nước chín rồi uống.
Sản phụ thiếu máu, thiếu sữa: mè đen sao qua, giã nhỏ cho thêm ít
muối ăn hàng ngày cho lợi sữa. Ăn chung với cơm hoặc nấu cháo nếp.
Táo bón ở người già và trẻ em: mè đen sao tán bột 1 – 2 muỗng canh,
trứng gà một quả đổ nước sôi trộn đều, thêm ít mật ong rồi uống.
Chữa tóc bạc sớm: mè đen, táo nhục đồng lượng, sấy khô tán bột, vò
thành viên nhỏ mỗi lần uống khoảng 20 viên, ngày hai lần, sáng và tối.
Bỏng nước sôi nhẹ: lấy mè đen giã nát đắp lên chỗ bỏng sẽ thấy mát ngay, hoặc thoa một lớp mỏng dầu mè ngay lên vết bỏng...
Chú ý, do tính nhuận trường của mè nên người bụng yếu hay bị tiêu chảy không nên dùng.
Theo XL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét