Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Thày tôi ( tt và hết)

Tôi làm đơn đi thi trường công lập, nhưng tôi không biết trường đó ở đâu. Bây giờ nghĩ lại thật buồn cười. Tôi đi thi vào trường đó bởi đó là điều cần thiết cho “đời tôi” ( theo lời mẹ tôi và bác Quang nói). Thế thôi! 


Nơi tôi thi là trường Nữ tiểu học, ngay bùng binh chợ Thủ Đức. Chị tôi đi học trường Đức Minh tả cái chỗ thi cho tôi biết. Ngày đi thi tôi đi với mấy bạn, cùng xóm. Thi hai buổi vì nhà xa nên buổi trưa tôi ở lại cùng các bạn thi tiếp môn sử địa và môn Việt Văn. Tôi nhớ hoài cái đề thi " Em nghĩ gì khi thấy hai người, một người cho tiền người ăn xin, còn người kia không cho?” Trời ơi ! Tôi chưa học làm tập làm văn cái kiểu đề này bao giờ. Có thể là vì tôi học kiểu “nhảy cóc” nên tôi không biết nhập đề ra sao. Mấy môn học thuộc bài tôi có thể “ngốn” được theo sách. Còn tập làm văn tôi chỉ biết “tả” mà thôi. Trời ạ! Nhưng môn Việt Văn là môn chính không làm được thì coi như “tiêu rồi”.

Tôi ngồi chắc chừng cả nửa tiếng đồng hồ để tính cách đối phó chứ không phải làm bài. Chị tôi dặn rằng:”Đây là thi tuyển, nên nghĩ gì, không cần biết đúng sai cứ viết vào. Đừng có để giấy trắng nha!” Thầy- Bác tôi cũng dặn vậy. Thôi thì mình không để giấy trắng là được . Có một chuyện mà cả mẹ, chị, và thầy - bác - các bạn không ai nói cho tôi nghe "phách” là cái gì? Cầm tờ giấy làm bài tôi thấy câu “ Đây là phách thí sinh không được viết vào” tôi cũng mất vài giây hay vài phút tự hỏi” Phách là cái gì?”. 
Ngày coi kết quả, tôi mắc giặt đồ. Các bạn trong xóm rủ nhau ra ngã tư xa lộ coi, khi đi ngang có rủ, tôi chỉ nói coi dùm tao với nha. Mấy ngày sau không có đứa nào “chính thức” cho tôi biết “chuyện gì đã xẩy ra”. Và tôi cũng tự biết là “rớt hết ráo rồi”. Gần hai tháng sau, một hôm có một đứa hàng xóm qua rủ tôi đi coi lại, vì có người tên giống nó lắm mà lại đậu nên nó muốn coi lại. Tôi bèn xin mẹ đi ra cái trường công lập đó coi cho biết và cũng là để “khẳng định “ mình đã rớt để còn tính chuyện tương lai.

Lần đầu tiên ra tới trường vào giữa mùa mưa, cỏ lên xanh um, còn bảng vàng thì hoen ố vì mưa gió. Nó chỉ chỗ cái tên giống của nó cho tôi xem, tôi cũng gật gù ”Ừ! Giống thiệt!” Còn tên tôi đâu? Tôi chả biết nó ở đâu? Tôi phải nhờ bạn tìm phụ. Trời tên tôi đây sao! Tôi chả cần nghĩ đến có đậu hay không chỉ cần tìm ra được cái tên là mừng rồi. Tên tôi không lộn với ai hết, cả ngày tháng năm sinh. Cả cái nơi sanh lẫn số báo danh. Rõ ràng như ban ngày đây (dù mờ hết rồi). Nhưng sao cái chữ “ đậu” nó lại ở ngay chỗ tên tôi? Tôi lấy tay dò theo từng chữ để coi có lộn hàng khôngnhưng thật sự là đúng hàng. 

 Hai đứa dò đi dò lại, sao kỳ vậy ? Sao lại là đậu mà không là rớt! Hai đứa nói qua nói lại thì ngay lúc đó thầy phó phòng giáo vụ (sau này tôi mới biết) bước ra hỏi sự tình? Rồi la lên:”Trời ơi! Chuyện của mình phải tự lo chứ sao lại nhờ người khác coi ! Em vào đây! Em vào đây! Thầy ghi ra một số việc cần làm ngay, rồi nói” Em phải làm cấp tốc trong ba ngày vì ngày mốt là hạn chót rồi nghe chưa? Về nhà kêu người lớn làm cho nhanh! Tôi chỉ biết dạ dạ liên hồi, rồi cầm “bảo bối” ra về.

Khi hai đứa lững thững trên con đường đất đỏ, phủ đầy những bông điệp vàng thì trời bắt đầu mưa. Bạn tôi cứ lầm lũi bước đi trong mưa suốt đường về dù xa hơn bốn cây số. Tôi cũng cố đi mà không dám nói nửa lời, vì tôi biết trong những giọt mưa đang chảy trên mặt bạn, có lẫn những giọt nước mắt của bạn trong đó. Về tới nhà tôi ướt loi ngoi, tôi giải trình lý do “đi bộ dù có tiền đi xe” cho mẹ nghe, bà nhìn tôi mỉm cười đầy thông cảm. 

Giờ đây, mỗi khi gia đình tôi nói về chuyện học hành thường nhắc đến chuyện “mèo mù vớ cá rán “của tôi và thầy giáo Quang,  Người đã “can đảm” nhận đưa đứa học trò ngốc nghếch này qua sông. 

 Từ khi “sang sông” tới giờ tôi vẫn không quên được kỷ niệm này. Mà tôi cũng chưa một lần đến gặp thầy để nói lời cám ơn. Đôi khi tôi nghĩ đó là chuyện bình thường trong cuộc sống. Nhưng sâu từ nơi tâm khảm của mình, tôi vẫn ray rứt mỗi khi nhớ đến kỷ niệm này. 

Một lần gặp người hàng xóm cũ , tôi được biết thầy đã qua đời từ lâu. Thầy ơi! Những dòng chữ muộn màng này xin được gửi tới Thầy như một lời tri ơn, người đã giúp con ra được dòng sông lớn của cuộc đời. 
Sài Gòn 27/11/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét