Lươn có thể chế biến thành nhiều món
ăn hấp dẫn như miến lươn, súp lươn, lươn nướng... Lươn nấu với cá, rau nhút và
một số rau gia vị thành món lẩu canh chua, là món ăn - vị thuốc rất phổ
biến.
Lươn có nhiều ở vùng đồng bằng và
miền núi, sống trong bùn ở ao hồ, ruộng nước, mương rạch. Thức ăn của chúng là
giun, ốc, cua, tôm, tép, cá con, ấu trùng... Toàn thân con lươn được dùng trong
y học cổ truyền với tên thuốc là hoàng thiện, thiện ngư.
Trong 100g thịt lươn có chứa: 18,8mg
protid (chất đạm); 0,9mg lipid (chất béo); 38mg canxi; 150mg P (phốt pho);
1,6mg sắt. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng và vitamin A tương đối nhiều, có
thể tăng cường quá trình trao đổi chất, tăng khả năng tính dục, nên ăn lươn có
thể “tráng dương sinh tinh.” Ngoài ra, lươn còn có nhiều các vitamin B1, B2, B6
và D.
Theo đông y, thịt lươn vị ngọt, tính
ôn, có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt; thích hợp với các chứng
lao lực, ho hen, tiêu khát, kiết lỵ, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, thận
hư đau lưng, liệt thần kinh mặt. Thịt lươn còn là vị thuốc tốt với người thể
trạng nhiệt, người thiếu máu, gầy còm mệt mỏi; trẻ em gầy yếu, xanh xao, phụ nữ
sau sinh cơ thể hư nhược, khí huyết không điều hòa.
Y học hiện đại chứng minh rằng lươn
vàng còn có thể trị được bệnh tiểu đường và làm tăng cường trí nhớ, là thức ăn
bồi bổ rất tốt cho người có lượng đường trong máu cao và người lao động trí óc.
Khi chế biến lươn, đầu tiên phải làm sạch nhớt, sạch ruột.
Xin giới thiệu một số món ăn làm từ lươn:
1. Lươn nấu hoàng kỳ, đại táo
Lươn: 250g, thịt heo nạc: 100g,
hoàng kỳ: 15g, đại táo: 10 quả, gia vị các loại. Lươn làm sạch, bỏ nội tạng,
cắt khúc. Thịt heo rửa sạch, cắt miếng nhỏ. Hai thứ ướp gia vị. Cho tất cả vào
nồi đất, nấu chung cho chín, bỏ bã thuốc, ăn khi còn nóng.
Tác dụng: đại bổ khí huyết, bổ thận dương. Rất tốt cho người bị thận
dương hư. Người suy nhược cơ thể, mệt mỏi thiếu sức, tim đập nhanh, hơi thở
ngắn, đầu choáng, mắt hoa.
2. Lươn nấu hoa hiên
Lươn: 250g, thịt heo nạc: 150g, hoa hiên (kim châm): 50g, gia vị các loại. Lươn rửa sạch bỏ ruột, cắt khúc, Thịt heo cắt miếng nhỏ. Hoa hiên rửa sạch, để ráo. Tất cả cho vào tô sành, thêm lượng nước vừa đủ, chưng cách thủy chín, nêm muối và gia vị vừa ăn. Ăn khi còn nóng.
Tác dụng: bổ thận dương. Dùng trong trường hợp khí huyết hư tổn, gân cốt yếu, thận dương hư, liệt dương, chân yếu vô lực.
3. Lươn nấu sâm, quy
Thịt lươn: 300g, đương quy, đảng sâm, gừng tươi mỗi thứ 15g, hành tây: 25g, muối ăn vừa đủ. Lươn rửa sạch, thịt thái sợi, đương quy và đảng sâm cho vào túi vải, bỏ vào nồi cùng thịt lươn, đổ nước nấu sôi, hớt bỏ váng bọt, để nhỏ lửa đun khoảng một giờ nữa. Vớt bỏ túi thuốc, thêm bột nêm, gia vị theo ý thích. Dùng khi còn nóng, vào lúc đói bụng.
Tác dụng: bổ thận, bổ khí huyết, cơ thể suy nhược, thiếu máu, xanh xao, mệt mỏi.
4. Lươn nấu gân bò
Lươn: 1 con to, đảng sâm: 25g, đương quy :15g, gân bò (mềm): 30g. Lươn bỏ ruột rửa sạch, cắt khúc. Cho lươn, đẳng sâm, đương quy, gân bò vào nồi đất, thêm lượng nước thích hợp, đun lên cho đến khi chín.
Tác dụng: bổ thận dương, bổ khí huyết, có ích cho người già khí huyết hư nhược, gân cốt rã rời, mỏi mệt, vô lực, bồi bổ cho sản phụ sau sinh, người bị suy nhược sinh dục.
5. Lươn nấu sữa
Lươn làm sạch với tro bếp hoặc dấm, cắt khúc rồi khứa nhẹ lên lưng lươn để khi nấu chín sẽ đẹp. Gọt vỏ khoai tây, rửa sạch, cắt miếng vuông. Đun nóng bơ, cho lươn vào xào sơ.
Bắc chảo lên bếp, trút nước dùng gà, khoai tây vào nấu mềm. Tiếp tục cho lươn vào hầm. Lươn rất mau chín, nấu khoảng 5 phút là được. Nêm gia vị, cho sữa vào nấu thêm 2 phút nữa (không nên nấu lâu quá, sữa sẽ nổi bọt). Múc lươn ra tô, rắc rau mùi lên trên.
Tác dụng: bổ thận dương, bổ khí huyết, rất tốt cho người bị rối loạn cương dương thể thận dương hư, cơ thể suy nhược.
6. Lươn nướng vĩ
Làm sạch nhớt lươn với chút tro bếp hoặc giấm, rửa sạch lại, cắt miếng vừa ăn. Cho nước tương, mạch nha, hành tím, tỏi, (bằm nhuyễn) mè, hạt nêm, dầu ăn trộn đều. Ướp lươn với hỗn hợp vừa trộn, để khoảng 10 phút cho ngấm đều gia vị. Quạt than thật hồng, xếp lươn lên vỉ, nướng chín vàng đều hai mặt. Thỉnh thoảng trong khi nướng nhớ quét nước ướp để miếng thịt lươn thơm ngon và mềm hơn. Cà chua, dưa leo thái thành khoanh mỏng, xếp vào dĩa cùng xà lách, cho lươn lên trên. Món này thường dùng với tương ớt.
Tác dụng: bổ thận dương, mạnh gân cốt, giúp tinh thần thư thái.
7. Súp lươn rau củ
Lươn: 300g, 5 tai nấm đông
cô, khoai tây: 200g , bông cải xanh, trắng: 100g, 50g cà rốt.Tỏi băm,
dầu ăn, hạt nêm, đường, tiêu, 1 thìa súp bột năng.
Làm sạch lươn, cắt khúc. Ướp với
tiêu, bột nêm. Gọt vỏ khoai tây, thái vuông. Gọt vỏ cà rốt, thái hạt lựu nhỏ.
Ngâm mềm nấm đông cô. Thái nhỏ bông cải xanh, trắng.
Đun nóng dầu ăn, phi thơm tỏi, cho
lươn vào xào, cho nước dùng vào đun sôi. Tiếp tục cho cà rốt, bông cải, khoai
tây, nấm vào. Nêm vừa ăn. Bột năng hòa tan với nửa chén nước, cho từ
từ vào để súp có độ sánh.
Tác dụng: bổ thận dương, bổ khí huyết, nhuận trường, an thần.
Theo
Lương y Đinh Công BảyHình ảnh nguồn từ internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét