Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Măng tây làm thuốc


Măng tây có thể nhiều người chưa biết. Đây là cây có nguồn gốc từ Châu Âu thuộc vùng Địa Trung Hải, du nhậpvào nước ta vào đầu thế kỷ XX.


Cây măng tây (Asparagus officinalis), danh pháp khoa học Asparagales thuộc họ Thiên Môn đông là một bộ trong lớp thực vật một lá mầm, bao gồm một số họ không thân gỗ. Măng tây là loại sống lâu năm, mọc thành khóm, có rất nhiều rễ nên có sức chống chịu cao nhất là chịu rét. Thân cây cứng, mọc thẳng và cao khoảng 1 – 1,5m. Cành mảnh như sợi chỉ có màu xanh lục. Hoa măng tây nhỏ đơn tính có màu vàng lục
 
Quả măng tây mọng hình cầu, đỏ thẫm. Cành mảnh đẹp nên được sử dụng làm cành trang trí cắm xen kẽ vào lọ hoa hoặc cài trên ve áo càng tô thêm vẻ hài hòa, duyên dáng. Măng tây ở nước ta được trồng nhiều ở Yên Viên, thành phố Hà Nội hay ở huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh... làm rau ăn, đặc biệt được sử dụng để chế biến các món ăn trong các ngày lễ, tết. Nhưng năng suất thấp không có lợi cho thu nhập nên được chuyển hướng làm cây cảnh thì giá trị được cao hơn.
 
Là loại cây phát sinh từ rễ, hễ vào xuân là mùa măng tây mọc và cho thu hái khi cây cao khoảng từ 10 – 15cm. Măng tây được coi như một loại rau cao cấp trong các loại rau, trên thị trường thế giới rất được ưa chuộng. Người ta cũng đã phân tích thành phần dinh dưỡng có trong măng tây như proteine 2,2%, chất béo 0,2%, carbohydrate 3,2%, cùng nhiều vitamine A, vitamine B1, vitamine B2, vitamine C, vitamine PP và một ít vitamine E, các khoáng chất như Ca... Tại Âu Châu măng tây còn được đóng hộp để xuất khẩu như các loại rau khác.
 
Đặc biệt hơn măng tây lại còn giàu dược tính, chính vậy ở Hy Lạp và La Mã từ trước Công nguyên người cổ xưa đã biết sử dụng măng tây làm thuốc trị bệnh. Chẳng hạn làm thuốc lợi tiểu người ta lấy măng tây tươi nấu thành canh ăn hoặc sắc lấy nước đặc để uống. Khi ta ăn măng tây lúc tiểu tiện nước tiểu có mùi đặc biệt, nên người ta thường sử dụng măng tây cho người thận yếu, đau bàng quang hay suy gan mật. Tại Pháp đã bào chế từ mầm non cây măng tây, rễ rau cây cần tây, rễ cây mùi tây và rễ cây cam thảo thành một loại biệt dược là Sirop descinq raciness được đưa vào dược điển và lưu hành rộng rãi. Thuốc có tác dụng lợi tiểu, khai vị và gây trung tiện.
Ngoài ra người ta còn thấy toàn bộ cây măng tây đều chứa chất xơ, nhờ vậy mà rất cần thiết cho tiêu hóa đặc biệt là chống táo bón. Măng tây còn là loại thực phẩm rất có lợi cho những người lao động trí óc vì có khả năng làm tăng cường sức dẻo dai trong khi làm việc. Đáng lưu ý hơn cả, trong cây măng tây chứa một hợp chất có nitơ là tinh thể màu trắng với một hàm lượng đáng kể mà rất cần thiết cho sự xây dựng và phân chia tế bào, đó chính là asparagin, một chất được sử dụng trong trị liệu chứng phù tim và bệnh goutte.

Măng tây đa lợi ích

Phụ nữ đang thời kỳ mang thai nên dùng măng tây thường xuyên vì chất acid folic trong măng tây rất tốt cho sự phát triển của bé. Khi bé đã chào đời, măng tây cũng giúp các bà mẹ có nguồn sữa dồi dào.

Ở phụ nữ đang trong độ tuổi trưởng thành, măng tây giúp kinh nguyệt điều hòa, khí huyết lưu thông.

Với lượng khoáng chất: kali, canxi, magne …dồi dào, măng tây là liều thuốc giải độc tốt cho cơ thể, đồng thời giúp ngăn ngừa những bệnh liên quan đến tiêu hóa như: đau dạ dày, sỏi thận, ung thư bàng quang, đau ruột kết.

Bên cạnh đó, có một dược tính của món ăn này đã được người cổ đại phát hiện và khám phá: măng tây được coi là liều thuốc thiên nhiên rất hữu hiệu cho đời sống tình dục. Theo nghiên cứu của những nhà khoa học Nhật Bản, đọt măng tây sẽ khiến "bản lĩnh của cánh mày râu" được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, rễ măng tây đun sôi cùng sữa sẽ chữa bệnh loãng tinh trùng ở nam giới, giúp tăng khả năng thụ thai cho các cặp vợ chồng.

Chọn lựa và chế biến

Các bà nội trợ lưu ý, để món ăn được ngon, nên chọn mua măng tây tươi. Măng tây cần chọn cọng nhỏ, ngắn, mập mạp. Khi mua về, rửa măng tây sạch, để ráo nước, bào vỏ, bỏ bớt phần cứng của cuống măng, cắt làm đôi hoặc chẻ mỏng. Nếu dùng măng đóng hộp cũng nên cắt đôi để khi chế biến, gia vị sẽ thấm đều vào măng, tạo độ đậm đà cho món ăn.

Măng tây có vị ngọt, ngon, khi được chế biến có mùi thơm, rất mềm. Có thể chế biến măng thành nhiều món ăn, tùy theo khẩu vị và sở thích của mỗi người như: măng tây trộn salad, măng tây xào giòn, măng tây xào thịt bò sốt mù tạt, lườn gà cuộn măng tây, gỏi măng tây, mực trộn măng tây …

Tại TP Hồ Chí Minh, măng tây đã được bán rộng rãi trong các siêu thị và các chợ lớn. Tuy giá cả cao hơn những thực phẩm thông thường, nhưng với lợi ích của nó, măng tây đang dần trở thành món ăn ưa thích của nhiều gia đình.

Theo Phunu - Báo Nông nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét