Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Cách giữ hoa tươi lâu trong ngày Tết

Không khí ngày xuân trong ngôi nhà bạn sẽ thêm sinh động và ấm cúng với sự hiện diện của những lọ hoa tươi rực rỡ. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc, hoa sẽ mau tàn. Làm sao để giữ hoa tươi lâu?

alt
Bí quyết 1: Chọn mua hoa tươi
Muốn có bình hoa đẹp, nở đều và tươi lâu, trước hết phải mua hoa còn tươi. Chọn những bông hoa đủ cành lá. Cành xanh cứng, không bị giập. Lá không héo úa. Hoa có màu tươi sáng, cánh hoa khỏe, không nở toét. Ngoài ra, nên xem kỹ vết cắt, nếu vết cũ thâm đen là hoa đã được cắt lâu.

Bí quyết 2: Ngâm hoa vào nước
Hoa để bên ngoài càng lâu càng mau héo, vì vậy nếu mua hoa ở nơi xa nhà, nên dùng khăn ẩm bọc hoa lại. Ngoài ra, khi về nhà, nếu quá bận rộn, chưa cắm hoa vào bình chưng ngay thì nên đổ nước ấm vào xô hoặc thau, cho thêm viên thuốc Aspirin rồi ngâm hoa vào đó để hoa có thể tươi lâu.
Bí quyết 3: Cắt tỉa hoa
Trước khi cắm hoa vào bình, nên cắt bỏ hết những lá héo, giập nát và cả những lá ở dưới sẽ ngập trong nước, để tránh lá bị phân hủy làm nước bị nhiễm khuẩn, gây mùi hôi và làm hoa mau héo. Ngoài ra, khi cắt bớt cành để trang trí, nên để cành hoa trong nước ấm, dùng dao thật bén cắt bớt cành, nhớ là cắt xéo để tăng diện tích tiếp xúc với nước, hoa sẽ hút được nhiều nước hơn và tươi lâu hơn.
Bí quyết 4: Lọ cắm sạch
Nên rửa bình hoa thật sạch trước khi cắm hoặc khi thay nước, cọ rửa kỹ bên trong để bình không còn nhớt hoặc xà bông vì xà bông làm thay đổi nồng độ pH của nước, làm hoa mau hư. Hòa thêm các chất bảo quản vào nước cắm cũng là cách giúp hoa tươi lâu hơn.

alt
Bí quyết 5: Dùng chất bảo quản
Có nhiều chất bảo quản giúp hoa được tươi lâu, chọn lựa tùy theo sự thuận tiện của bạn. Mỗi khi thay nước nhớ cho chất bảo quản mới vào.
- Thuốc Aspirin: Nghiền mịn một viên thuốc Aspirin rồi cho vào nước cắm.
- Đường: Cho một-hai muỗng đường vào nước cắm hoặc có thể thay thế đường bằng 1/4 tách nước giải khát có gas.
- Giấm táo hoặc chanh: Hòa hai muỗng canh giấm táo hoặc nước cốt chanh với một lít nước.
- Rượu trắng: Nhỏ vài giọt rượu trắng cùng với một muỗng cà phê đường cho một bình cắm.
- Thuốc tẩy: Pha một muỗng cà phê nước thuốc tẩy vào nước cắm.
Bí quyết 6: Cắm hoa
Tùy theo bình lớn hoặc nhỏ mà cắm nhiều hay ít hoa. Cắm từng cành một, không để nhiều cành chèn nhau, làm gãy giập và nhớ chừa chỗ trống cho hoa có không khí để “thở”.
Cắm hoa Tết, nên chọn kiểu cầu kỳ hơn so với ngày thường, bình hoa cũng lớn hơn để tạo cảnh quan tươi đẹp và rực rỡ. Nên chọn những loại hoa có sắc màu tươi sáng như vàng, đỏ… phù hợp với không khí ngày Tết. Tuy nhiên, cũng tránh cắm quá nhiều loại hoa khác màu trong cùng một bình, dễ rối mắt.
Bí quyết 7: Chưng hoa nơi thích hợp
Chưng hoa ở nơi thoáng mát nhưng kín gió để hoa không bị mất nước. Ngoài ra, cần tránh chưng hoa gần những nơi quá nóng như ti vi, các thiết bị điện khác và đặc biệt cần tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào làm hoa nhanh héo úa.
Bí quyết 8: Chăm sóc hoa
Mỗi sáng sớm, chịu khó thay nước bình cắm. Buổi tối thì mang ra ngoài sân để hoa hứng những giọt sương mai tinh khiết và thêm sức sống. Mỗi lần thay nước, nên cắt cành để hoa hút nước tốt hơn. Khi trong bình có bông hoa nào héo úa, nên lấy ra ngay, nếu không dễ làm những bông hoa khác bị lây.
Bí quyết 9: Giữ hoa nở theo ý muốn
Nếu muốn hoa nở nhanh cho kịp chưng trong ngày Tết, đem ngâm hoa với nước ấm trong khoảng vài phút, nước ấm sẽ kích thích hoa mau nở. Ngoài ra, nên thay nước mỗi ngày hai lần hoặc vẩy nước lên cánh hoa, giúp hoa mau nở. Trường hợp hoa bị héo, có thể ngâm trong nước lạnh vài giờ, hoa sẽ tươi trở lại.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét