Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Công dụng của giấm 3

“Trợ thủ” giặt giũ
 


 
Sử dụng giấm ăn để giặt ư? Dùng một loại axít để giữ màu quần áo ư? Đây hoàn toàn là sự thật, vì giấm chính là một phụ gia tuyệt vời (và cũng rất rẻ tiền nữa) cho việc giặt giũ của bạn, giúp bạn giữ quần áo bền đẹp hơn. Bạn cũng đừng lo lắng về việc mùi giấm sẽ lưu lại quần áo vì sau khi xả sạch và phơi nắng, quần áo của bạn sẽ tinh tươm thơm tho. 
Ngăn xơ vải bám vào quần áo khi giặt máy: Bạn hòa ½ chén giấm vào nước giặt cuối để làm giảm tĩnh điện trong quá trình giặt và ngăn các xơ vải bám vào bề mặt quần áo khi vắt và sấy khô. 
Làm quần áo cũ trông mới hơn: Ngâm quần áo cũ / bẩn vào dung dịch nước giấm. Cho ½ chén giấm vào nồi nước lớn rồi đem đun sôi, sau đó dội vào chậu ngâm và tiếp tục ngâm qua đêm. Sáng hôm sau, bạn sẽ thấy quần áo của bạn mới và sáng màu thấy rõ. 
Khử mùi mồ hôi trên quần áo: Không chỉ giúp làm mới và mang lại màu sắc tươi sáng hơn cho quần áo cũ / bẩn, việc giặt quần áo với giấm còn giúp khử mùi mồ hôi (đặc biệt là đồ tập thể thao của các quý ông cũng như quần áo đầy mùi mồ hôi của các chàng trai mới lớn). 
Giữ màu quần áo tươi và bền hơn: Giấm đặc biệt có tác dụng đối với màu nhuộm của quần áo. Bạn hẳn đã được khuyên nên giặt quần áo màu đen với nước pha giấm trong những lần giặt đầu để màu không bị bạc; ngoài ra, với đồ kẻ và họa tiết màu, giấm cũng giúp màu không bị loang và phai. Đối với áo len, bạn hòa giấm vào nước giặt cuối và ngâm trong những lần giặt đầu sẽ giúp giữ màu áo rất bền và không hại sợi len. 
Khử mùi ẩm mốc của vải vóc: Dùng bình xịt giấm để trung hòa và khử mùi hôi của rèm cửa, vải vóc, thảm và cả giày. 
Làm mới đồ da: Dùng khăn tẩm giấm cất để lau túi xách và giày da cũ sẽ đem lại vẻ sáng bóng cho đồ da cũ đồng thời ẩn đi các khiếm khuyết. 
 “Trợ thủ” bếp núc
 
 
 (Ảnh: GettyImages)
 


Giấm để tạo vị chua cho thức ăn, tất nhiên rồi, ngoài ra còn gì nữa?
 
Làm mềm thịt và diệt khuẩn: Ướp thịt với giấm giúp loại bỏ vi khuẩn bám trên thịt, giúp thịt mềm và thấm gia vị hơn. Hãy ướp thịt với khoảng ¼ chén (khoảng 60ml) giấm cho mỗi kilogram thịt cùng với gia vị tẩm ướp của riêng bạn, để thấm trong khoảng từ 20 phút đến 24 giờ tùy độ mềm và vị đậm mà bạn muốn trước khi đem ra nấu.
 
Giữ phô-mai không bị mốc: Gói miếng phô-mai trong một cái khăn vải sạch tẩm giấm, đậy trong hộp kín hơi sau đó bỏ vào tủ lạnh để tránh bị mốc.
 
Giữ trứng không bị nứt khi luộc: Hòa 2 thìa giấm vào nước luộc trứng sẽ giải quyết được hiện tượng nứt vỏ trứng trong quá trình luộc, và trứng cũng dễ bóc vỏ hơn.
 
Rửa sạch và loại bỏ dư lượng hóa chất trên rau củ quả: Hòa 2 thìa canh giấm trắng vào 1 lít nước để ngâm rau quả trước khi rửa sạch lại với nước. Giấm giúp loại bỏ hóa chất bảo quản và dư lượng thuốc trừ sâu tốt hơn nhiều so với nước lã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét