Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Cải trời xào thịt nạc dăm

Trời mưa cải trời mọc nhiều. Nhưng cũng tùy đây, vì ngày càng có nhiều nhà, cao ốc mọc lên ven Sài Gòn, giành hết chỗ của cải trời mất rồi! Hôm nay ra chợ, cô Hiệp có được một rổ cải trời, mấy chị em chia nhau ăn cho sạch.


Nguyên liệu:

400g cải trời
100g thịt nạc dăm
tỏi băm
gia vị: muối , bột ngọt , đường
dầu ăn

Cách làm

Cải trời lặt bỏ gốc, thân cứng. Ngâm rửa sạch.
Thịt nạc xắt lát mỏng, ướp với chút tỏi băm nhuyễn, muối, đường , bột ngọt.
Chờ chảo nóng cho chút dầu, cho tỏi chờ se mặt bỏ thịt vào xào cháy xém cạnh.
Cho rau vào xào nhanh tay, nêm lại cho vừa ăn.
Một dĩa rau xào xanh um và rất sạch sẽ đấy nha!

Bichnga

Cải trời

  Cải trời, Cải ma, Kim đầu tuyến, Cỏ hôi - Blumea lacera (Burm.f.) DC. (B. glandulosa DC.), thuộc họ Cúc - Asteraceae. 



                                                                                         
Mô tả: Cây thảo cao 0,40-1m, nhánh và lá có lông hơi dính (Trĩiu), thơm. Lá mọc so le, mép khía răng. Cụm hoa màu vàng ở ngọn, có nhánh dài, có lông dính; hoa đầu có bao chung gồm 5-6 hàng lá bắc, phía ngoài là hoa cái, phía trong là hoa lưỡng tính; hoa nhỏ 4-5mm. Quả bế dài 1mm, có 10 lằn và ở ngọn có lông mào trắng, dễ rụng.  
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Blumeae Lacerae. 

Nơi sống và thu hái: Loài của vùng Ấn Độ - Malaixia, mọc hoang, hoang thường ở vườn, ruộng, bãi trống, gặp nhiều từ Thừa Thiên - Huế trở vào đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khi dùng làm thuốc, nhổ cả cây vào mùa khô, đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô trong râm. 
 
Thành phần hóa học: Cây chứa 0,085% tinh dầu màu vàng mà trong thành phần có 66% cineol, 10% fenchon và khoảng 6% citral. 

Tính vị, tác dụng: Cải trời có vị đắng, mùi thơm, tính bình, có tác dụng thanh can hoả, giải độc tiêu viêm, tán uất, tiêu hòn cục, cầm máu, sát trùng. Ở Ấn Độ, người ta cho là cây đắng, hạ sốt; dịch lá trừ giun, thu liễm, hạ nhiệt, kích thích và lợi tiểu; rễ trừ tả. 
 
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá Cải trời có mùi thơm, thường được thu hái làm rau luộc ăn hoặc nấu canh với tép, với cá. Ở Java, người ta cũng dùng chồi non nấu canh ăn. Người ta dùng toàn cây làm thuốc trị tràng nhạc, nhọt lở, cầm máu vết thương, trị băng huyết, chảy máu cam. Cũng dùng trị tức ngực, yếu phổi, ho có đờm, táo bón, Mất ngủ, đái vàng và nóng. 

Ở Ấn Độ, người ta dùng lá để trị đau bụng và để lọc sạch nước uống. Ở Malaixia, người ta dùng cây để xua đuổi sâu bọ nhờ tinh dầu thơm. Còn ở Ấn Độ, người ta dùng cây để trục giun. Ở một số nơi, người ta dùng cây giã ra vứt xuống nước để làm thuốc duốc cá. 

Liều dùng : hàng ngày 10-30g, dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với Bồ công anh, Kim ngân hoa, lá Sen, cành Tầm duột, Ngũ gia bì, Cam thảo. Cũng có thể nấu thành cao sệt, uống lâu ngày, mỗi ngày độ 2 thìa canh pha với nước; dùng ngoài làm cao dán. 

Ghi chú: Một loài khác cũng được gọi là Cải trời, Cải ma, Cải dại, Bọ xít - Blumea subcapitata DC. cũng được dùng làm thuốc giải độc, chữa mụn nhọt và cầm máu vết thương.




Cải trời có mùi hăng hăng, cái mùi của lá thuốc nam, vị hơi đắng nhưng hậu lại ngọt. Bởi cái mùi đặc biệt, vị đặc biệt đó mà chắc chỉ những người quen ăn các thể loại rau mọc dại mới phải lòng được. Nói là luộc, nhưng với cải trời ta chỉ nên trụng sơ, để khi thưởng thức còn đủ giòn và thơm. Ngoài món luộc còn có thể nấu canh chua, nấu canh tép, nấu với cá trê… toàn những món nói tên đã nghe ngan ngát mùi rơm rạ quê nhà.

Phía Tây nắng vãn chiều rồi
Bậu không lo liệu vác nồi nấu cơm
Xuống ao mà xúc tép tôm
Ra vườn bứt đọt ngò om, cải trời

Những câu ca dao mà nội hay đọc như thấm vào tận da thịt thời tuổi nhỏ. Về quê vào mùa cải trời là một may mắn cho những ai muốn tìm lại ký ức xưa. Chái bếp ngày nào nấu bằng lá khô mù mịt khói, nên món rau cải trời xưa mẹ nấu hình như thơm hơn, vì trong hương vị rau nồng nồng còn có mùi khói bếp. Chén đá và đũa tre không làm cho bữa cơm trở nên nghèo nàn, vì món ăn bao giờ cũng tuyệt vời từ cọng rau tươi non mới hái….

Rau cải trời – thứ rau tưởng bình dị nhưng đủ sức gợi cho người xa quê đang dần quên hết chuyện mùa nào thức nấy một cảm xúc khác lạ. Thứ cảm xúc đầy tự hào vì biết mình còn có một miền quê.

ST

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Bánh canh gạo lức


Bánh canh gạo lức cũng là một lựa chọn tốt cho gia đình trong những bữa điểm tâm hay bữa ăn chính.Vừa thay đổi khẩu vị vừa làm tăng thêm nhiều dưỡng chất cho người thân. Các bạn hãy thử nhá!

Nguyên liệu

300g bột gạo lức
100g bột năng
100g tôm tươi
150g thịt cua
200g giò sống
1kg xương ống
1 củ hành tây, 
tiêu, muối, dầu điều, 
hành răm
hành tím

Cách làm

Xương ống rửa lại bằng muối cho sạch, trụng qua nước sôi rồi cho vào hầm lấy 2,5 lít nước dùng cùng với củ hành tây xắt ra làm bốn .
Trộn bột gạo lức + bột năng + 1 chút muối + 2 chén nước sôi nhồi cho đều. 
Chia khối bột ra làm 4 rồi dùng ống cán, cán ra cho mỏng chừng 2 mm, chiều ngang 10-12 cm rồi dùng dao cắt sợi.
Tôm tươi lột vỏ quết nhuyễn..
Trộn cua + giò sống + tôm với 1/2 m đường +1/2 m hạt nêm +1/2 m tiêu + 1m dầu mè + 1m  dầu điều.
Đun sôi nước dùng lên, dùng muỗng múc dùng muỗng chả cho vào nồi nước dùng luộc. Khi nôi nước dùng sôi, chả nổi lên mặt là đã chín. 
Hành lá và rau răm xắt nhuyễn. 
Cho bánh canh vào nồi nước dùng nấu sôi khoảng 5phút nữa. Đồng thời cho vào nồi nước dùng 2 m bột nêm. 
Trước khi nhắc nồi bánh canh xuống pha một chén nước gia vị gồm: 1 m nước mắm + 1 m tiêu +1 m hành tím băm. Múc một vá nước lèo pha với chén mắm này cho đều rồi trút vào nồi bánh canh cho hương vị thêm đậm đà.

Theo cô Thiếu Anh

* Nếu không xay được bột gạo lức, dùng bột gạo lức Bích Chi cũng ngon lắm. (Mình không có ý quảng cáo cho BC đâu , nhưng không nói không ngủ được. lol)

Gạo lức

Gạo lứt, gạo lức, gạo rằn hay gạo lật là loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo. Đây là loại gạo rất giàu dinh dưỡng đặc biệt là các sinh tố và nguyên tố vi lượng.



Thành phần của gạo lứt gồm chất tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ cùng các vitamin như B1, B2, B3, B6; các axit như pantothenic (vitamin B5), paraaminobenzoic (PABA), folic (vitamin M), phytic; các nguyên tố vi lượng như canxi, sắt, magiê, selen, glutathion (GSH), kali và natri.
Trường hợp gạo trắng qua quá trình xay, giã, 67% vitamin B3, 80% vitamin B1, 90% vitamin B6, một nửa lượng mangan và hầu hết chất xơ bị mất đi. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhận thấy, một lon gạo lứt khi nấu thành cơm chứa 84 mg magiê, trong khi đó ở gạo trắng chỉ có 19 mg. Lớp cám của gạo lứt cũng chứa một chất dầu đặc biệt có tác dụng điều hòa huyết áp, làm giảm cholesterol xấu, giúp ngăn ngừa qua các bệnh tim mạch.

Lức tẻ

Gạo lứt có thể nấu thành cơm bằng cách ngâm gạo với nước khoảng 15-20 phút cho mềm và nấu như cơm nấu gạo trắng. Khi hạt cơm chín thường không nở như gạo trắng, ăn hơi ráp nhưng nếu ăn quen sẽ thấy hương vị ngon ngọt đặc biệt. Càng ngày người ta càng nhận thấy rằng gạo lứt (lức) có giá trị dinh dưỡng và phòng chống bệnh tật rất độc đáo.
Như mọi người đều biết, ngoài vỏ ra, hạt thóc còn có ba phần chính là lớp cám gạo , phôi và nội nhũ. Nội nhũ chiếm phần lớn và chủ yếu là glucid có giá trị chính là cung cấp năng lượng. Lớp cám và phôi tuy chỉ chiếm 10% hạt nhưng lại chiếm tới 65% các chất có giá trị nhất về mặt dinh dưỡng.
Giáo sư tiến sỹ Hiroshi Kayahara (giáo sư Ohsawa) của viện sinh học Nhật Bản là người đã phân tích chất gạo lức và tìm ra rằng gạo lức đỏ ngâm một ngày một đêm (khoảng 22 giờ) ở nhiệt độ trong nhà sẽ bắt đầu nảy mầm và tiết ra nhiều chất enzyme cùng vitamin từ cám gạo. Gạo lức trắng không còn phôi để nảy mầm. Gạo lức đỏ sau ngâm nước rồi đem nấu thành cơm sẽ mềm hơn và có vị ngọt hơn cơm thường do các enzyme đã tiết ra chất đường và chất đạm trong hột gạo.

Có rất nhiều món ăn khác có thể sử dụng gạo lứt như nguyên liệu chính: bún làm từ gạo lứt xào với rong biển, ngưu báng, cà rốt và mơ muối; cơm cốm gạo lứt với nguyên liệu là gạo lứt, đậu đỏ, đậu xanh, cốm, nấu như cách đồ xôi và ăn kèm với vừng rang, hành khô phi thơm; cháo gạo lứt với gạo lứt, đậu đỏ, mơ muối, rong biển; cơm gạo lứt cuốn rong biển tương tự một món sushi cuộn makizushi, kết hợp với nước mơ muối và lá tía tô.
Ngoài ra hiện nay trong thời đại của thức ăn nhanh lên ngôi thì đã có những món mới như: gạo lứt rang ăn liền 

Lức nếp

Gạo nếp lứt thường được sử dụng để làm món rượu nếp cái, đặc biệt là công thức rượu nếp cái sử dụng nguyên liệu gạo lứt, kết hợp với chuối tiêu chín và lòng đỏ trứng gà.

Trong thực tế, gạo lứt có thể sử dụng để nấu cơm ăn hàng ngày, tuy nhiên cũng thường thấy những món ăn sử dụng gạo lứt thuộc nhóm thực phẩm với chức năng dùng để chữa trị một số bệnh. Theo Đông y, gạo lứt rất bổ và có tính thanh nhiệt, an thần trấn kinh, trừ phiền. Gạo lức có khả năng ngăn sự xuất tiết của dạ dày và đại tràng nên có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh đường ruột. Đông y dùng cháo gạo lứt để phòng ngừa và trừ bệnh thổ tả, kiết lỵ, cầm mồ hôi.

 Những nghiên cứu khác cho thấy gạo lứt đặc biệt tốt đối với phụ nữ, làm giảm nguy cơ ung thư và ruột kết, giảm cholesterol và tốt cho hệ tim mạch của phụ nữ sau mãn kinh. Đồng thời, với nguồn chất xơ dồi dào, gạo lứt giúp chống lại bệnh xơ vữa động mạnh, ung thư vú, thậm chí giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và bệnh tiểu đường.
Gạo lứt muối mè (muối vừng), bao gồm cơm nấu gạo lứt và vừng rang giã muối, là thực đơn trong hệ thống ẩm thực Oshawa, do bác sĩ Sakurazawa Nyoichi người Nhật sáng tạo ra sau Thế chiến 2. Gạo lứt muối mè là đồ "thực dưỡng", có thể chữa trị một số chứng bệnh nan y. như u bướu, ung thư, viêm đại tràng co thắt, tiểu đường, suy dinh dưỡng.
Gạo lứt rang rồi đun nước pha thành thức uống có tác dụng thanh lọc gan rất tốt. Nước gạo lứt rang có thể uống như đồ uống hàng ngày, cũng có thể kết hợp với canh dưỡng sinh làm từ ngưu báng, nấm shitake và củ cải trắng. 

Theo Wiki 

* Cách nấu cơm gạo lức:
1 lon gạo nấu với 2 lon nước. Khi sôi tắt lửa chờ gạo nở 15 phút, bật lửa nấu lại như nấu cơm bình thường. Cơm sẽ chín mềm thơm ngon dễ ăn. 

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Sò đá làm gỏi xoài

Món gỏi xoài trộn sò đá cũng không kém phần hấp dẫn. Mời các bạn cùng thưởng thức!

Nguyên liệu:

1 kg sò đá
1 trái xoài xanh 300g
rau răm, đậu phộng rang
Mắm chua ngọt.

Cách làm:

Sò luộc chín, tách từng con cho vào tô. Nếu ruột sò lớn, cắt làm đôi.
 Nếu tách sò sống lấy thịt thì ướpthịt sò với gia vị (muối, đường, bột ngọt, tiêu, hành tím xắt nhuyễn, mỡ…)Bắc chảo lên bếp phi mỡ (dầu) cho thơm, cho thịt sò vào xào chín, đổ ra dĩa. 
Xoài sống (xoài xanh) bằm sợi, cho vào sò trộn đều. 
Thêm đậu phộng rang giã giập, và một ít rau răm xắt nhuyễn lên. 

Một chén nước mắm chanh, tỏi ớt nữa là đủ bộ rồi.

Món nầy có thể cuốn với bánh tráng (hoặc ăn với bánh đa) rất tuyệt!

Theo Phunuonline

 *Nếu không có xoài xanh dùng bắp chuối bào cũng ngon lắm đấy!

8 loại rau ngăn ngừa 8 loại ung thư

Với một số loại ung thư phổ biến đều có một thực phẩm gánh vác nhiệm vụ phòng bệnh quan trọng.
Chế độ ăn uống và ung thư cũng có mối quan hệ chặt chẽ. Ăn uống không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây ung thư, ngược lại, ăn uống đúng cách có thể đem lại hiệu quả chống ung thư. 


Ung thư phổi
Thực phẩm hàng đầu: Rau bina
Lý do: Rau bina có chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa thiệt hại bởi gốc tự do gây ra. Ăn một bát rau bina mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ ung thư phổi ít nhất là 50%. Ngoài ra, cà chua, cà rốt, bí đỏ, lê và táo cũng có thể ngăn chặn sự xuất hiện loại ung thư này.
Ung thư vú
Thực phẩm hàng đầu: Rong biển
Lý do: Rong biển không chỉ giàu vitamin E và chất xơ, mà còn phong phú về hàm lượng i-ốt. Các nhà khoa học tin rằng thiếu hụt i-ốt là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư vú, do đó, ăn rong biển có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú. Lý do phụ nữ Nhật Bản có tỷ lệ mắc ung thư vú thấp hơn so với phụ nữ ở các quốc gia khác có thể liên quan đến việc tiêu thụ rong biển. Trong khi đó, khoai lang, cà chua, đậu cũng là những thực phẩm có thể ngăn ngừa ung thư vú.
Ung thư ruột
Thực phẩm hàng đầu: Cây sả
Lý do: Cây sả, cần tây là những thực phẩm giàu chất xơ, khi vào trong ruột có thể đẩy nhanh tốc độ làm sạch các thức ăn thừa trong ruột, giảm các chất độc hại và thúc đẩy bài tiết cực kỳ hiệu quả, phòng chống ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, tiêu thụ tỏi thường xuyên cũng giúp bạn giảm 30% nguy cơ ung thư ruột kết. Bên cạnh đó, khoai lang, cải bắp, lúa mì lại là những thực phẩm cực kỳ quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.
Ung thư tuyến tụy
Thực phẩm hàng đầu: Súp lơ
Lý do: Hội Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ gần đây đã chỉ ra rằng ăn súp lơ và các thực phẩm họ cải khác có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu cho thấy, củ cải cũng đóng góp vào việc gia tăng sức đề kháng của bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy.
Ung thư da
Thực phẩm hàng đầu: Măng tây
Lý do: Măng tây là trong những loại rau đầu bảng giàu vitamin, axit nucleic và các thành phần khác có tác dụng nhất định trong phòng chống ung thư hạch, ung thư bàng quang, ung thư da.
Ung thư cổ tử cung (UTCTC)
Thực phẩm hàng đầu: Đậu nành
Lý do: Đậu phụ, sữa đậu nành được làm bằng đậu nành (đậu tương), có chứa isoflavone, lignin được coi là có tác dụng chống oxy hóa, có thể ức chế sự phát triển của UTCTC, giảm phân chia tế bào ung thư, đồng thời có ngăn chặn sự di căn của khối u hiệu quả. Ngoài ra, cà chua cũng là thực phẩm phòng ngừa UTCTC tốt.
Ung thư dạ dày
Thực phẩm hàng đầu: Tỏi
Lý do: Những người hay ăn tỏi sống có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày là rất thấp, bởi vì tỏi có thể làm giảm đáng kể hàm lượng nitrit trong dạ dày - một trong những nguy cơ làm gia tăng ung thư dạ dày. Những người thường xuyên ăn hành cũng có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày thấp hơn 25% so với nhóm người còn lại. Ngoài ra, ăn thức ăn ít muối, cá hun khói, cá nướng cũng là một cách tốt để ngăn chặn ung thư dạ dày.
Ung thư gan
Thực phẩm hàng đầu: Nấm
Lý do: Nấm có chứa các lớp polysaccharide giúp ức chế hoạt động của các chất gây ung thư, có thể thúc đẩy hình thành kháng thể để cơ thể tạo ra miễn dịch với khối u, ức chế tế bào ung thư tăng trưởng để có thể đề kháng với nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư hạch, ung thư ruột kết, và đặc biệt có lợi cho các bệnh nhân ung thư gan.

Nguồn tin: TTVN

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Salad khoai tây kiểu Đức


Khoai tây là một trong bảy loại thực phẩm tốt cho mùa thu. Hôm nay xin giới thiệu với quý vị một món Salad khoai tây theo kiểu Đức đơn giản, dễ làm và ít dầu mỡ.

Nguyên liệu

4 lát thịt hun khói, 1 trái trứng luộc xắt lát, 3 củ khoai tây luộc xắt miếng vừa ăn, 1/5 M đường, ½ M bột bắp, ½ m muối, 40ml giấm, 90ml nước lọc, 1M hành lá xắt nhỏ, mấy cọng ngò trang trí.

Cách làm:
Xắt 3 miếng thịt hun khói ra thành những miếng nhỏ. Còn 1 miếng để lại trang trí. Cho thịt vào chảo chiên vàng, Trộn giấm + đường + nước + bột + muối khuấy cho tan, đổ vào chảo đang chiên thị, trộn đều cho đến khi sệt lại.


Cho khoai tây vào một dĩa to rưới ½ sốt vào trộn đều, Sau đó xếp mấy lát trứng, rồi thịt hun khói lên trên. Rưới nước sốt còn lại lên.
Rắc hành lá và trang trí mấy cọng ngò cho đẹp.

Mời quý vị thưởng thức!

Theo Hervietnam
* Trong những món dùng giấm, quý vị nên lưu ý lượng giấm tùy theo loại giấm và khẩu vị để nêm nếm được vừa miệng.

Công dụng mới của dầu dừa

Dầu dừa không chỉ tốt cho mái tóc, làn da của bạn mà còn giúp bảo vệ sức khỏe tổng thể.

Chống lão hóa
Bạn có biết dầu dừa có thể giúp làm chậm ảnh hưởng của lão hóa? Với hàm lượng chất chống ô xy hóa cao, dầu dừa giúp cải thiện các vấn đề về tim mạch và lão hóa da.
 Công dụng mới của dầu dừa
Dầu dừa - Ảnh: Shutterstock
Giảm cholesterol
Một trong những công dụng ấn tượng của dầu dừa là cải thiện sức khỏe tim mạch khi giúp giảm cholesterol.

Làm tiêu hao mỡ bụng
Báo The Times of India dẫn kết quả một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ ăn 2 muỗng canh dầu dừa mỗi ngày trong 12 tuần giảm được mỡ bụng. Đây quả là tin vui cho các chị em vì mỡ bụng thường khó mất đi hơn so với mỡ ở các vùng khác trên cơ thể.

Theo TNO

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Bún bò Giò cua

Ra Huế mình đã được chủ khách sạn đãi món này. Nước dùng thật thanh tao, không "nặng" mùi và nhiều thịt thà như trong Nam. Tìm mãi mới ra clip này, và nhiều lần nấu thử rất ngon và cũng rất "Huế". Mời các bạn cùng nấu bún bò Huế. Mới nghe thấy "lách cách" thế chứ nắm được rồi làm rất mau.



Nguyên liệu:

1kg xương bò 
1/2kg bắp bò
1 kg chân giò trước
200g giò sống
100g nạc cua
2kg bún
1 lòng đỏ trứng gà
mắm ruốc, điều dầu
hành tỏi băm
ớt bột
nước mắm, tiêu, đường
rau sống: rau muống bào, giá, rau thơm, bắp chuối bào
chanh, sả , ớt tươi

Cách làm

Xương bò chặt nhỏ, trụng qua nước sôi trước khi nấu. Nước nóng cho xương vào hầm. Khoảng 1 tiếng cho tiếp bắp bò vào hầm.
Khoảng 30 phút sau mới cho giò heo chặt khúc vào.


Phi dầu điều trộn với thịt cua cho đẹp, nếu cua có gạch thì phi gạch cho thơm rồi trộn với thịt cua, cùng với 1 lòng đỏ trứng + giò sống quết lên cho đều. Rồi dùng đũa trộn cùng với hành tỏi băm, chút muối + đường + tiêu.
Lấy 1/2 M mắm ruốc hòa với 2/3 chén nước cho lắng cặn , rồi cho vào nồi nước ( 1lít) lạnh nấu sôi lên, hớt bọt để nguội cho lắng, rồi mới đổ vào nồi nước dùng để mất mùi mắm mà nồi nước dùng vẫn ngon ngọt.  
Đập sả cho vào nồi nước lèo cho thơm. Phi hành cho thơm rồi để nguội bớt đổ dầu hành vào chén ớt bột để làm màu cho bún bò. 

Lấy 1/2 chén nước dùng + 1m ớt bột ( tùy ý) + 3 m đường + 1/2 M nước mắm + tỏi băm. Phi hành tỏi cho thơm cho chén tương ớt này vào nấu lửa riu riu cho sánh lại (nhớ để nhỏ lửa).

Vớt bắp bò ra và xắt lát, rồi bỏ lại nồi nước dùng sau chả cua chín và cho màu điều. 


Múc chả cua cho từng viên vào nồi nước dùng.  Khi nước sôi lại cho nước màu ớt vào. Nếu thấy chưa vàng có thể cho thêm màu điều. Cho chén tương ớt vào và đậy nắm chờ sôi lại là xong. Nhớ hớt bọt trước khi cho màu điều ớt vào.



 Thế là xong nồi bún bò.

Bichnga soan theo cô Trương Nữ Tịnh Phương

Tỉa hoa củ cải đỏ

Màu sắc rực rỡ của củ cải đỏ cũng cho ta một ý tưởng tạo hình thành một bông hoa tuyệt đẹp. Mời các bạn theo dõi!



Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Bông súng bóp xổi

Một trong những món ăn của mùa nước nổi là Bông súng bóp xổi. Thật đơn giản dễ mà lại rất tốn cơm!



Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Nguyên liệu:

Một bó bông súng
Giấm, đường, chanh ớt rau răm
Đậu phộng rang
Bánh tráng nướng
Mắm kho

 Cách làm:

Bông súng tước bỏ vỏ ngoài, rửa sạch rồi ngắt từng khúc ngắn 4-5cm để ráo nước. 
Cho vào thau, dùng tay bóp nhẹ những cọng súng cho giập mà không bị nát.
Pha một chén giấm + vài muỗng đường, quậy cho tan đường. Đổ chén giấm vào thau bông súng, thêm một nắm rau răm xắt nhỏ vào, trộn đều với 1/2 đậu phộng giã dập.
Chấm mắm kho .Ăn kèm với bánh tráng nướng!
Món này rất ngon, tác dụng kích thích tiêu hoá, an thần, trợ tim, giải độc, rất tốt cho người ăn uống kém, ăn uống không tiêu, mất ngủ, tim đập manh, bồn chồn không yên, người bị di tinh, bạch đới, ho, viêm đường tiết niệu.

ST

Bông súng

Chi Súng (danh pháp khoa học: Nymphaea) là một chi chứa các loài thực vật thủy sinh thuộc họ Súng (Nymphaeaceae). Tên gọi thông thường của các loài trong chi này, được chia sẻ cùng với một số chi khác trong họ này, là súng. Các lá của chi Nymphaea có vết khía chữ V nối từ mép lá tới cuống lá giữa khu vực trung tâm. Chi này có khoảng 50 loài, với sự phân bổ rộng khắp thế giới.

Chi này có quan hệ họ hàng gần với chi Nuphar, chúng khác nhau ở chỗ là các cánh hoa của chi Nymphaea lớn hơn nhiều so với các lá đài của đài hoa, trong khi ở chi Nuphar thì các cánh hoa lại nhỏ hơn so với các lá đài màu vàng (4-6 lá). Quả khi chín cũng khác nhau, với quả của chi Nymphaea chìm xuống dưới mặt nước ngay sau khi hoa khép lại, trong khi quả của chi Nuphar lại ở trên mặt nước cho đến khi chín.


Người Ai Cập cổ đại sùng kính hoa súng sông Nin, hay hoa sen như họ gọi nó. Súng xanh Ai Cập (Nymphaea caerulea), nở hoa vào buổi sáng và sau đó chìm xuống dưới mặt nước vào lúc chiều tối. Súng trắng Ai Cập (Nymphaea lotus) lại nở hoa vào buổi đêm và khép lại vào buổi sáng. Các dấu tích của cả hai loại hoa này đều được tìm thấy trong lăng mộ của Ramesses II.

Các loài súng không có quan hệ họ hàng gì với các loài loa kèn (huệ tây) thuộc họ Loa kèn (Liliaceae), bộ Loa kèn (Liliales) mặc dù tên gọi bằng tiếng Anh của chúng là water-lily (huệ nước). Chúng cũng không có quan hệ họ hàng gì với các loài hoa sen thực sự thuộc chi Nelumbo, là các loài hoa được sử dụng trong ẩm thực tại khu vực châu Á cũng như là loại hoa linh thiêng của đạo Hindu và đạo Phật.

Nhiều loại hoa súng thông thường trong các khu vườn thủy sinh thực chất là các giống lai ghép.

Ờ Việt Nam, các loài cây này sống lâu năm, mọc hoang dại trong ao, mương, kênh, rạch, láng nước, bàu trũng khắp mọi khu vực của Việt Nam. Vùng Đồng Tháp Mười có nhiều bông súng nhất Việt Nam  Hiện tại, việc khai thác loài hoa này còn tự phát, chưa có quy hoạch. Tuy nhiên các loài cây này có khả năng tái sinh mạnh. Chưa thấy tài liệu nào thống kê tại Việt Nam có bao nhiêu loài súng, mặc dù có một số tài liệu nói rằng có khoảng 5 loài. Trong một số tài liệu có nhắc tới súng lam (Nymphaea stellata = Nymphaea nouchali?), súng đỏ (Nymphaea rubra), súng trắng (Nymphaea lotus = Nymphaea pubescens?) v.v


Tại các chợ ở miền tây Nam Bộ, có thể thấy bán những bó cọng bông súng mập mạp nâu nâu mang bông có màu tím nhạt, cuộn tròn, tươi rói. Bông súng cắt khúc có thể được thưởng thức bằng cách chấm mắm kho, trộn gỏi, hay ăn sống, cũng như có thể thể xào, nấu canh.

 Hay vào mùa nước nổi, cứ nước lên tới đâu thì bông súng cao tới đó. Chiều dài cọng súng tính bằng thước, phải vấn nhiều vòng mới có thể chuyên chở được. Loại súng này thì thật mềm, ngọt và thật là sạch sẽ vì không sống trong ao tù nước đọng.




Cây bông súng được dùng làm thuốc

Theo đông y, bông súng có tác dụng giúp làm dịu dục, chống co thắt, an thần, trợ tim, trợ hô hấp, tăng cường sinh lực; thường được sử dụng trong các trường hợp tình dục bị kích thích, di tinh, mộng tinh, mất ngủ, tim đập nhanh, kiết lỵ, tiêu chảy, ho, viêm bàng quang, viêm thận, tiểu buốt, tiểu són, đau lưng, mỏi gối do thận yếu.
Các bộ phận của cây bông súng còn được dùng làm thuốc thanh nhiệt, chống say nắng, cầm máu... Đặc biệt, nó còn trị hiệu quả chứng co giật ở trẻ, đau lưng mỏi gối, nam bị di tinh hoặc phụ nữ khí hư bạch đới.

Một số bài thuốc từ cây bông súng

1-Chữa nam di tinh, đái nhiều, nữ khí hư bạch đới không dứt: bài thuốc gồm củ súng sao, kim anh bỏ hạt ở trong vì có độc, lấy lớp vỏ bao ngoài, đốt cho cháy sạch lông gai, sao giòn. Các vị lượng bằng nhau, tán bột uống mỗi ngày 15-20 g với nước sắc rễ ý dĩ làm thang.( Theo Bác sĩ Quang Minh).
2-Chữa thận hư tỳ yếu, đau mỏi ngang thắt lưng: củ súng 20 g, ba kích, cẩu tích, tỳ giải (tẩm rượu sao), hà thủ ô (chế với đậu đen đồ phơi 9 lần), ngưu tất mỗi vị 12 g. Sắc uống ngày một thang.( Theo Bác sĩ Quang Minh).
3-Giải cảm nắng: củ súng nấu chè ăn.( Theo Bác sĩ Quang Minh).
4-Chữa suy nhược cơ thể, hay đổ mồ hôi trộm, di tinh: củ súng nấu chín, bóc vỏ 400 g. Củ mài nấu chín, bóc vỏ 800 g. Phơi khô tán nhỏ, mỗi lần dùng 10 g nấu thành cháo ăn hằng ngày lúc đói. Bài thuốc này còn có tác dụng bồi bổ, ích chí, mạnh tinh.( Theo Bác sĩ Quang Minh).
5-Chữa hen suyễn ở người già và trẻ em: củ súng và hạt cải củ, hai thứ lượng bằng nhau, đem đồ chín, phơi khô, tẩm nước cốt gừng, tán nhỏ thành bột, luyện với mật ong thành viên hoàn bằng hạt ngô đồng, ngày uống 50 viên với nước sôi. Bài thuốc còn có tác dụng bổ dưỡng, giảm ho, cắt cơn hen.

Theo Wiki, Raurungvietnam

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Chả giò sò đá

Món chả giò quen thuộc sẽ trở nên rất đặc biệt khi bạn chọn nguyên liệu là những con sò đá vừa rẻ mà thịt lại ngọt mềm. Hãy cùng bắt tay vào làm món ăn này nhé!



 
Nguyên liệu:

300gr thịt Sò đá
100gr Thịt heo xay
1 củ Khoai môn
1 tệp Bánh tráng
1 muỗng cafe Hành khô phi
1 muỗng canh Tương xốt chua ngọt
1 ít Ngò rí
Hạt nêm, tiêu, đường, dầu ăn


Cách làm

Bước 1: Sò đá gỡ lấy thịt, rửa sạch, bằm nhỏ. Khoai môn gọt vỏ, bào sợi. Cho tất cả các thành phần sò đá, thịt nạc xay, khoai môn, hành phi vào tô, nêm 1 muỗng cà phê hạt nêm, 2 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê tiêu, trộn đều. Ngò rí rửa sạch, bằm nhuyễn.

Bước 2: Xếp bánh tráng ra đĩa, múc từng muỗng nguyên liệu cho vào giữa, cuộn lại theo hai cách: xếp làm 3 theo hình cánh bướm hoặc xếp theo kiểu chả giò truyền thống. 
Bắc chảo, cho ngập dầu, chiên vàng giòn. 
Cho ra đĩa chấm kèm tương xốt chua ngọt.

Theo Bếp gia đình


* Không có khoai môn mình thay bằng củ sắn và cà rốt cũng ngon lắm !

Sò đá

Long Sơn quả là một vựa Hải sản tuyệt vời. Hàu - hào, sò đá ... chất đống ven đường chờ mang đi tiêu thụ. Sở dĩ, chúng được gọi là sò đá vì vỏ loại sò này rắn chắc, xù xì trông như cục đá, thường bám vào các khe đá dưới biển để sống. Nếu không phải là nhà nghề thì khó mà biết đó là đá hay là sò.


Thế là về nhà đi search con sò đá này cho có tí kiến thức và để ăn vào miệng cảm thấy phấn khởi hơn. Theo các nhà khoa học, thịt sò đá có giá trị dinh dưỡng cao (phòng bệnh tăng huyết áp, suy nhược cơ thể…),

Trong bữa ăn hôm đó tại LS, mình được thưởng thức thêm một món "hào né" ăn kèm với rau sà- lách - soong cũng tuyệt lắm. Ra về mình còn tiếc rẻ xách về một ít hải sản LS là sò đá! 

 Sò đá tuy không ngọt bằng sò huyết nhưng thịt giòn, dai, rất hấp dẫn. Giá cả và chất lượng sò đá tương đối chấp nhận được đối với “dân nhậu” . Chỉ cực cho người làm chà rửa sao cho sạch sẽ!

 Và đặc biệt là sò đá có thể chế biến thành những món ăn mang hương vị biển rất độc đáo những món phổ biến nhất là: sò đá hấp sả, sò đá làm gỏi xoài, sò đá chưng hột vịt hay chả giò....

Không biết sau khi mình mua sò đá về xơi có làm cho sò này lên giá ầm ầm không nữa ??? lol

bichnga

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Lẩu cá bóp măng chua

 

Măng mùa này rất rẻ, có 12k/kg măng mạnh tông à! Mua về nấu giò heo hay muối để nấu canh chua cá, vừa sạch sẽ vừa ngon. Mùi thơm phức của nước dùng lẩu phảng phất, quyện trong từng sớ thịt cá bóp dai và ngọt, cùng vị măng chua giòn giòn và xen lẫn vị cay của ớt rất thú vị.



Nguyên liệu:

Cá bóp: 600gr
Bún tươi: 500gr
Măng chua 300g
 kèo nèo 1 nắm
Rau muống và bắp chuối: 400gr
Me: 100gr
cà chua : 2 trái
1,5 lít nước dùng heo không có thì nấu nước me
 Ớt, ngò gai, rau ôm, tỏi băm, 2 trái chanh, nước mắm, hạt nêm, tiêu

Cách làm

Cá bóp làm rửa sạch, xắt lát dày 1,5cm. Măng chua trụng sơ, xả qua nước lạnh, để ráo. Cho me vào tô nhỏ, thêm ít nước lọc, ngào đều, lược lấy nước. Chanh vắt lấy nước cốt.

Đun nóng nồi, phi thơm tỏi, cho măng chua vào xào sơ, sau đó cho tiếp nước me, nước cốt chanh, nước dùng. Đun sôi nước lẩu, nêm vào nồi ½ muỗng cà phê hạt nêm, 3 muỗng canh nước mắm, ít tiêu. Các loại rau: rau muống, bắp chuối bào, kèo nèo rửa sạch, để ráo. Cà chua cắt miếng cau.

Đun sôi nước lẩu, cho cá bóp vào trước sau đó là các loại rau, ngò gai rau ôm xắt nhuyễn. Thưởng thức cùng bún tươi, nước mắm cay.

Mách nhỏ: Cá bóp sau khi làm sạch, xắt lát có thể đem chiên sơ để cá không tanh và không bị bể, có mùi thơm ngon.

Theo XL

Đậu Hà Lan và giá trị dinh dưỡng

Đậu Hoà Lan (tên khoa học: Pisum sativum) là loại đậu hạt tròn thuộc Chi Đậu Hà Lan, dùng làm rau ăn. Đây là loài thực vật một năm, được trồng theo vụ vào mùa có khí hậu mát mẻ tại nhiều nơi trên thế giới. Mỗi hạt đậu có khối lượng từ 0,1 đến 0,36 gram.


Hạt đậu Hoà Lan được dùng làm rau ăn ở các dạng tươi, đông lạnh, đóng hộp, hoặc khô. Trong ẩm thực Việt Nam, quả đậu Hoà Lan non còn được dùng nguyên quả cho các món xào hoặc canh.


Thành phần dinh dưỡng
(Theo nguồn www.nutritiondata.com)
Giá trị dinh dưỡng cho 100g đậu khô
Thành phần dinh dưỡng đậu Hà Lan xanh khô nguyên hạt.
Thành phần dinh dưỡng đậu Hà Lan xanh khô nguyên hạt.

.
Theo Đông y, hạt đậu Hà Lan vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ tỳ vị, lợi tiểu tiện, chỉ tả lỵ, tiêu ung độc; thường được dùng chữa các chứng ăn uống khó tiêu do thấp nhiệt úng tắc ở tỳ vị, thiếu sữa ở sản phụ, tăng huyết áp, tiểu đường... Dưới đây là một số ứng dụng cụ thể:
- Chè bổ dưỡng: Đậu Hà Lan khô 1.000 g, đường cát trắng 500 g, mật ong 100 g. Đậu rửa sạch, cho thêm 3.000 ml nước vào nấu chín nhừ; khi nguội xay thành bột mịn, lọc qua để bỏ vỏ và tạp chất. Cho bột đậu, đường và mật ong vào nồi, nấu nhỏ lửa cho đến khi đặc quánh lại, múc ra đĩa (đã bôi chút dầu hoặc mỡ), san cho phẳng, khi nguội dùng dao nhỏ cắt thành từng miếng là được.
 
Chè này là một món tráng miệng rất ngon, có tác dụng sinh tân dịch, hòa trung hạ khí (điều hòa công năng của hệ thống tiêu hóa), lợi tiểu tiện, thông sữa, tiêu thũng và chống khát.

Những phụ nữ sau khi sinh không xuống sữa có thể lấy đậu Hà Lan 250 g, chân giò lợn 1 đôi hầm nhừ, thêm gia vị để ăn. Nếu không có chân giò lợn, dùng riêng đậu Hà Lan nấu canh ăn cũng có tác dụng.

Chữa tiểu đường: Dùng đậu Hà Lan nấu thành các món khác nhau, ăn trong các bữa cơm hằng ngày. Có thể ủ hạt đậu cho mọc thành giá, giã nát, ép vắt lấy nước cốt, uống 2 lần trong ngày, mỗi lần nửa bát con (khoảng 100 ml).
Chữa tăng huyết áp: Đậu Hà Lan nấu nhừ, thêm đường đỏ vào thành món chè, ăn sau các bữa cơm hằng ngày.
Chữa chứng hoắc loạn (đột nhiên nôn và tiêu chảy liên tục), gân co rút, vùng hoành cách đầy tức khó chịu: Đậu Hà Lan 200 g, hương nhu 90 g, sắc với nước, chia thành 3 phần uống trong ngày; uống khi thuốc còn ấm.
 Chữa tiểu khó: Đậu Hà Lan 30-60 g, sắc lấy nước uống ngày 3 lần.
 Chữa ung thũng, mụn lở loét: Đậu Hà Lan sao khô, tán thành bột mịn, bôi vào những chỗ có bệnh.


Theo Wiki, nutritiondata, SứcKhỏe & Đời Sống

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Dưa cải thảo củ sen

Trời mưa lâm râm mình chỉ muốn ăn cơm nóng và khô không canh. Nhưng để bữa cơm vẫn có đủ rau cỏ thế làm "ôm" món dưa này . Làm mau, ăn liền, nóng ấm luôn đó các bạn. Món dưa này ăn với thịt ram là khỏi phải nói nha! 

Nguyên liệu

1kg cải thảo
300g củ sen
100g cà rốt
gừng, ớt, đường, giấm, tỏi, phèn chua, hành lá

Cách làm:

Cải thảo tách bẹ rửa sạch ngâm với nước muối 30 phút, vớt lên để ráo cắt chéo khoảng 5cm
Củ sen xắt lát mỏng ngâm nước phèn chua 30 phút cho trắng giòn, rồi xả lại nước lạnh cho sạch, để ráo
Cà rốt xắt chỉ, ngâm với 1m  đường trong 30 phút rồi vắt ráo.
Tỏi + gừng + ớt xay hay giã nhuyễn.
Hành lá cắt khúc 5cm
Nấu nước giấm : 1/2 chén giấm + 50g đường  + 20g muối cho tan, để nguội.

Trộn cải thảo + hành lá + củ sen + cà rốt + tỏi ớt + giấm đường để khoảng 30 phút là ăn được.
Có thể làm nhiều rồi cho vào tủ lạnh ăn dần.

Theo Monngonmoingay


Sắn dây - "Thần dược" mùa hè

Sắn dây có những bộ phận thường dùng: củ, hoa, dây, bột từ củ sắn dây gọi là cát phấn... Sau đây là những bài thuốc trị bệnh từ loại cây này.


1. Cát căn

Theo Đông y, củ sắn dây có vị ngọt, mát, tính bình, đi vào kinh tỳ, vị, phế, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, giải cơ (chứng cổ gáy bị cứng do cảm nắng, huyết áp cao). Củ sắn cạo sạch vỏ ngoài, thái mỏng theo chiều dọc, phơi khô dùng làm thuốc trị cảm nắng, khô cổ khát nước, ban sởi không mọc được.
Mỗi lần nấu từ 8-30 gr, có thể nướng vàng (hay sao vàng) rồi nấu nước uống. Củ sắn dây đem nướng vàng, rồi sắc hoặc tán bột dùng có tác dụng trị tiêu chảy khó tiêu. Ngoài ra, củ sắn dây tươi đem rửa sạch, luộc mềm, ăn sẽ tốt cho tỳ vị và mát cơ thể.

2. Cát hoa

Dùng 20-40 gr hoa sắn dây (loại khô) đem nấu nước uống, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhất là giải rượu.

3. Cát căn đằng

Dùng dây sắn đốt tồn tính (đốt chưa cháy hoàn toàn) rồi đem tán bột, uống với nước có tác dụng trị viêm họng, viêm thanh quản cấp tính.

  

4. Cát phấn

Bột củ sắn dây đem pha với nước lọc, đường, chanh trị chứng cảm nắng đau đầu, khô mũi, tiểu vàng. Bột sắn dây còn trị được kiết lỵ do ăn nhiều thức ăn cay, nóng - bằng cách hòa bột với nước cho tan đều, thêm vào một ít đường, rồi bắc lên bếp, khuấy đều tay đến khi dung dịch này đặc lại là dùng được.

Hoặc chế biến "chè bông cau" từ bột củ sắn dây, bằng cách: Đậu xanh đã cà vỡ đem ngâm trong nước cùng một ít muối trong 2 giờ. Nấu nồi nước sôi, cho đậu xanh vào nấu đến khi đậu thật mềm.
Dùng bột sắn dây đã hòa tan trong nước lạnh cho từ từ vào nồi đậu xanh, vừa cho vào vừa khuấy đều tay, rồi cho đường, hương liệu vào. Chờ sôi lại khoảng 2 phút chè trong nồi chuyển từ trắng đục sang trong. Món chè này có tác dụng thanh nhiệt, bồi bổ cơ thể.
5 - Một số ứng dụng cụ thể khác

- Chảy máu mũi suốt ngày không ngừng, tâm thần phiền muộn: Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy nước cốt, uống mỗi lần một chén con.

- Rắn cắn: Giã lá sắn dây tươi vắt lấy nước uống, bã đắp lên nơi rắn cắn.

- Vết thương chảy nhiều máu: Dùng lá sắn dây tươi giã nát, đắp vào vết thương.

- Viêm ruột, đau bụng đi ngoài giống kiết lỵ, cồn cào, buồn bực, nôn ọe do uống nhầm các thứ thuốc nóng hoặc quá mãnh liệt: Dùng bột sắn dây quấy đường uống; hoặc dùng cát căn 30 g, rau má 20 g giã nát, chế thêm nước, vắt lấy nước cốt uống trong ngày.

- Trẻ sơ sinh miệng mím chặt, sùi bọt mép, không bú được: Lấy một đoạn dây sắn dây đốt thành than, nghiền mịn, dùng khoảng 3-5 g bột hòa với sữa mẹ, nhỏ vào miệng trẻ. Làm như vậy vài lần trẻ sẽ mở miệng và bú được.

- Ngực nóng, thổ huyết không ngừng: Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy 500 ml uống.
Theo Kiến thức gia đình

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Chả hấp chay

Hôm qua lang thang trên net mình gặp món Chả chay này. Chả chay cũng thật dễ làm và dễ ăn. Dù là món chay nhưng cũng rất bổ dưỡng. Mời các bạn cùng khám phá!



Nguyên liệu:

2 miếng tàu hũ trắng
3 tai nấm hương vừa
2 tai nấm mèo vừa
4 củ năng lớn
1 khúc cà rốt
2 miếng chao trắng
1 M boa rô phi
ớt
dầu ăn
1 M màu điều dầu
1 vắt bún tàu nhỏ
2 m bột năng

Cách làm

Tán nhuyễn chao. Củ năn xắt hạt lựu nhỏ, vắt ráo nước
Luộc tàu hũ cho chín, cho ra ép bớt nước rồi tán nhuyễn
Cà rốt xắt sợi thật nhuyễn
Nấm mèo, nấm hương ngâm nở cắt nhuyễn
bún tàu cắn ngắn 1cm

Trộn 2 loại nấm với chút tiêu cho thơm.
Trộn tiếp tàu hũ chung với các loại nguyên liệu cùng với + boa rô phi + chao + 1 m bột năng + 1 m đường + 1 chút bột ngọt rồi trộn đều thật kỹ.

Thoa dầu vào chén. Ém chả vào chén cho chặt để chả được dẻ. Nước sôi, cho chả vào hấp 10 phút . 
Pha dầu điều + 1m bột năng + chút nước + màu điều khuấy đều, thoa dầu điều lên mặt chả hấp tiếp 10 phút nữa là chín.

Theo Monngonmoingay

* Sau khi luộc xong gói từng miếng tàu hũ vào giấy để một lúc là hút hết nước.





Thu nhỏ lỗ chân lông với trứng gà luộc

Lỗ chân lông lớn là "vấn nạn" khiến nhiều chị em đau đầu. Có một mẹo rất đơn giản giúp bạn thu nhỏ lỗ chân lông: dùng trứng gà luộc.


Thu nhỏ lỗ chân lông với trứng gà luộc

ảnh minh họa
Những gì bạn cần là:

1 - 2 quả trứng gà luộc chín.

Sau khi dùng nước ấm rửa sạch và lau khô mặt, lấy trứng gà đã luộc, còn nóng, bóc vỏ, lăn đều trên mặt.

Đầu tiên, lăn từ trán, dọc đều xuống chân tóc mai, lăn tròn xung quanh mắt và miệng, lăn từ gốc mũi lên cánh mũi, khóe miệng, hai bên gò má, lăn theo hướng từ trong ra ngoài.

Cứ làm như vậy cho đến khi trứng nguội hẳn, sau đó dùng khăn mát đắp lên mặt để từ 3 – 5 phút.

Bạn có thể thực hiện biện pháp này mỗi tuần 3 lần sẽ thấy lỗ chân lông se khít lại, làn da cũng nhờ thế trở nên mịn màng hơn.

Theo XL

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Súp ghẹ


Tuy không đắt bằng cua, nhưng ghẹ vẫn có vị ngon, ngọt không kém là mấy.


am thuc, tap chi am thuc, mon ngon, an ngon


Nguyên liệu
- 2 con ghẹ xanh
- 3 hay 4 búp nấm đông cô
- 2 thìa nhỏ bột năng hoặc bột ngô
- 1 lòng trắng trứng gà
- Ít rau mùi (rau ngò), muối, bột nêm và hành tím củ nhỏ.
- Dầu mè.

Cách làm
- Ghẹ mua về rửa sạch, bỏ vào nồi luộc chín, bạn nhớ đậy nắp nồi, ghẹ sẽ ra nước nên không cần đổ nước.
- Ghẹ chín gỡ lấy thịt, nước hấp ghẹ thì giữ lại để nấu súp và trứng ghẹ (nếu có).
- Nấm đông cô ngâm mềm, thái sợi nhỏ.
- Lòng trắng trứng đánh tan.
- Bột năng hòa tan với 5 thìa nhỏ nước lạnh
- Bắc nồi nhỏ lên, phi hành tím cho thơm, đổ ghẹ vào xào sơ. Sau đó cho nấm đông cô vào đảo đều.
- Đổ nước luộc ghẹ vào, nấu sôi lửa nhỏ cho nấm mềm (nếu có trứng ghẹ bạn cho vào luôn). Sau khi nấm mềm bạn có đổ tiếp ít nước lạnh, đun sôi lên.
- Đổ chén bột năng đã hòa tan với nước vào, nấu sôi, hỗn hợp sẽ hơi sền sệt. Bạn dùng môi lớn để khuấy cho hỗn hợp được hòa quyện với nhau
- Nhanh tay đổ lòng trắng đã đánh tan vào nồi súp, dùng đũa khuấy theo chiều kim đồng hồ sẽ tạo thành từng vân sợi lòng trắng đẹp và mảnh.
- Nêm nếm ít muối, bột nêm.
- Tắt bếp, rắc hạt tiêu lên bề mặt.

Cho ghẹ xanh vào nồi hấp, không cần đổ nước.
Cho ghẹ xanh vào nồi luộc chín, không cần đổ nước.
Nấm đông cô thái chỉ.
Nấm đông cô thái chỉ.
Gỡ ghẹ lấy thịt và trứng.
Gỡ ghẹ lấy thịt và trứng.
Cho hỗn hợp vào nồi đun sôi.
Cho hỗn hợp vào nồi đun sôi.
Đổ bát bộ năng hòa nước vào, khuấy đều tay theo chiều kim đồng hồ.
Đổ bát bộ năng hòa nước vào, khuấy đều tay theo chiều kim đồng hồ.
Rắc hạt tiêu lên bề mặt nồi súp.
Rắc hạt tiêu lên bề mặt nồi súp.

 - Múc ra bát, rắc rau mùi đã thái nhỏ để trên bề mặt chén, nhỏ một giọt dầu mè, trộn đều lên. Dùng nóng rất ngon và ngọt.

Theo XL