Kinh Lớn (nghĩa là con kênh to lớn) dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành
Gia Định, do Nguyễn Ánh cho đào năm 1790. Con kênh bắt đầu từ bến Bạch
Đằng chạy thẳng đến trước cổng UBND TP HCM hiện nay.
Thời Pháp thuộc, người Pháp cũng gọi Kinh Lớn với tên tương tự trong
tiếng Pháp là "grand". Người Việt đôi khi còn gọi Kinh Lớn là Kinh Chợ
Vải vì nơi đây hoạt động buôn bán vải vóc khá nhộn nhịp.
Năm 1861, nghị định quy định giới hạn và ấn định địa phận thành phố Sài
Gòn được ban hành, Kinh Lớn được đổi tên thành kênh Charner theo tên đô
đốc Charner - người ban hành quy định giới hạn địa phận thành phố này.
Đường Nguyễn Huệ từng là con kênh, sau đó bị lấp và trở thành đường hoa, rồi phố đi bộ đầu tiên của cả nước.
Thi công phố đi bộ Nguyễn Huệ tháng 2/2015. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Hai bên bờ kênh là đường Charner và Rigault de Genouilly
Năm 1861, nghị định quy định giới hạn và ấn định địa phận thành
phố Sài Gòn được ban hành, cùng với việc đổi tên Kinh Lớn thành Charner,
hai bên bờ kênh được đặt tên là đường Charner và Rigault de Genouilly.
Dòng kênh đào những năm 1870 tại vị trí phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày nay. Ảnh tư liệu
|
Theo biên khảo Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người của tác giả Nguyễn Đức Hiệp, tờ báo Le Monde Illustré
năm 1864 đã mô tả khu chợ cạnh sông Sài Gòn và Kinh Lớn là "nằm trên
một khu rộng lớn, gần bờ sông Sài Gòn và được kết nối với khu vực sông
Me Kong bởi một con kinh".
"Thành phố Sài Gòn, mà chúng ta đã nói thường xuyên có dân số vào
khoảng 180.000, trong đó có 10.000 người Hoa. Chợ Sài Gòn lớn đáng kể và
các thương gia ở chợ thường xuyên cung cấp thực phẩm đầy đủ các loại
nhất...
Các mặt hàng chính mà người ta tìm thấy ở chợ Sài Gòn bao gồm ngũ
cốc, rau quả đủ các loại, gạo, đường, dứa, hạt tiêu, dừa và đủ tất cả
các loại trái cây của vùng nhiệt đới", tờ báo viết.
Kênh Charner được lấp năm 1887
Dự định lấp kênh Charner đã gây tranh cãi từ năm 1860 sau khi Pháp
chiếm Sài Gòn. Lý do là vấn đề vệ sinh và y tế, khi nhiều người cho rằng
con kênh là ổ nhiễm khuẩn ở cửa ngõ thành phố. Nhóm đối lập là những
thương nhân buôn bán hai bên dòng kênh, sống nhờ hàng hóa di chuyển bằng
ghe thuyền.
Mãi đến năm 1887, con kênh mới thực sự được lấp và sáp nhập con đường ở
hai bờ thành đại lộ Charner. Đại lộ nối liền một đầu là Dinh Đốc Lý
(nay là trụ sở UBND TP HCM) và đầu kia là bờ sông Sài Gòn (bến Bạch
Đằng).
Xe điện chạy máy hơi nước trên đại lộ Charner. Ảnh tư liệu
|
Theo biên khảo Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người,
các cửa hàng thương mại vẫn phát triển khi sau khi lấp kênh nhưng dần
dần, người Pháp và người Việt bắt đầu cạnh tranh với người Hoa, Ấn.
Đại lộ Charner là nơi tổ chức nhiều hoạt động lớn ở Sài Gòn khi đó, như
lễ quốc khánh của Pháp và các lễ hội rước rồng của người Hoa.
Sau nhiều biến thiên lịch sử, năm 1956, đại lộ Charner được đổi tên
thành Nguyễn Huệ - một trong những con đường đẹp nhất của "Hòn Ngọc Viễn
Đông".
Năm 1960, mỗi khi xuân về, đường Nguyễn Huệ xuất hiện chợ hoa. Theo tàu
thuyền miền Tây, hoa từ khắp nơi về tập kết ở bến Bạch Đằng, trên bờ và
trải dài trên đại lộ.
Trước năm 1975, nơi đây tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn và là tụ điểm ăn chơi của giới thượng lưu cùng binh lính Mỹ.
Đường Nguyễn Huệ trước năm 1975. Ảnh tư liệu
|
Giữa thập niên 90, con đường này vẫn là chợ hoa xuân chính của người dân thành phố.
Đúng, đường hoa Nguyễn Huệ ra mắt dịp Tết Giáp Thân 2004
Đường hoa Nguyễn Huệ ra mắt lúc 16h ngày 20/1/2004 (tức 29 Tết Giáp
Thân) và kéo dài đến mùng 2. Tập trung về đây là 50 chậu mai quý và các
loại hoa như vạn thọ, cúc. Ngoài ra, còn có những cảnh quan thôn quê dân
dã như hồ sen, cầu nhỏ, tre trúc, quang gánh.
Mỗi năm, đường hoa có một chủ đề mới để tái hiện văn hóa dân gian qua
nếp sống làng quê với ao sen và vó câu, dòng kênh và cầu khỉ, đường làng
và xe thổ mộ, những gánh hàng hoa mang phong cách Nam Bộ.
Đường hoa Nguyễn Huệ dịp tết Mậu Tý 2008. Ảnh tư liệu
|
Tết Ất Mùi 2015, do khu vực đường Nguyễn Huệ đang thi công xây
dựng tuyến Metro và phố đi bộ, đường hoa được dời về đường Hàm Nghi.
Tháng 4/2015, TP HCM khánh thành công trình quảng trường đi bộ Nguyễn
Huệ có tổng kinh phí 430 tỷ đồng, được đưa vào vận hành với chiều dài
670 m, rộng 64 m. Toàn bộ trục đường từ trụ sở UBND thành phố đến Bến
Bạch Đằng được lát đá granite với 2 đài phun nước và hệ thống cây xanh.
Đường hoa Nguyễn Huệ tết Đinh Dậu 2017. Ảnh: Quỳnh Trần
|
Bên dưới quảng trường có hệ thống ngầm gồm trung tâm theo dõi, trung
tâm điều khiển nhạc nước, ánh sáng, hệ thống nhà vệ sinh hiện đại… Mỗi
ngày có hàng nghìn lượt người đến tham quan, vui chơi, chụp ảnh tại phố
đi bộ Nguyễn Huệ.
Tiếp đó, ngày 17/5/2015, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh
thành, tạo điểm nhấn cho toàn bộ công trình quảng trường đi bộ Nguyễn
Huệ.
Theo VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét