Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Thuốc tốt trong tầm tay

CHLB Đức không chỉ nổi tiếng nhờ có xe BMW, Mercedes, Porsch… Nước Đức đã từ nhiều chục năm còn được các nước láng giềng tặng cho biệt danh là “dược phòng của châu Âu”. Vì là nơi thường trú của các đại gia về dược phẩm hóa chất tổng hợp với bề dày lịch sử qua nhiều thể kỷ như Bayer, Stada, Ratiopharm…, với doanh thu bạc tỉ euro trên khắp năm châu nhờ thương hiệu “made in Germany” giữ được uy tín với người tiêu dùng. 
 


Nước Đức rõ ràng thừa thuốc đặc hiệu. Nhưng ít ai ngờ là 70% các loại dược phẩm đang lưu hành ở nước này là thành phẩm với hoạt chất thiên nhiên trong số đó hơn phân nửa là thuốc với thành phần dẫn xuất từ gia vị! Lý do vì, theo thống kê của các hãng bảo hiểm y tế bên đó, không dưới 80% người dân ưa chuộng, thậm chí đòi hỏi được điều trị bằng liệu pháp an toàn, thay vì phải đánh đổi bằng phản ứng phụ khó lường của thuốc hóa chất!Ở Đức, nơi mạng lưới y tế liện tục nhiều thập niên đã được Tổ chức Y tế thế giới chấm điểm như mô hình tiến bộ hàng đầu thế giới, chắc chắn không thiếu bác sĩ chuyên khoa. Điểm đáng nói là tuy thừa phương tiện chẩn đoán và điều trị hiện đại, cho đến nay không thầy thuốc nào bên đó phủ nhận phương pháp điều trị bằng dược thảo từ hàng trăm năm của nữ tu Hildegard von Bingen. Nhiều bác sĩ chuyên khoa bên đó thậm chí hãnh diện khi áp dụng các bài thuốc cổ truyền của Bingen. 


Thế thì vị nữ tu này làm thuốc bằng nguyên liệu nào? Không gì khác hơn là các gia vị rất thông thường trong vườn của nhà tu được phối hợp hài hòa để thành bài thuốc điều trị từ chứng thông thường như cảm mạo cho đến bệnh mãn tính như thấp khớp. Hildegard von Bingen đã đi vào lịch sử y học và thật sâu vào lòng người bệnh nhờ thành quả không thể chối cãi của việc dùng gia vị làm thuốc. Dưới lăng kính của khoa học thực nghiệm, thầy thuốc khắp nơi nay đều rõ về hiệu năng đa dạng của gia vị, từ tác dụng thông mạch của tỏi, kháng viêm của củ hành, làm lành vết loét của nghệ, hưng phấn thần kinh của gừng…, đủ để thầy thuốc chữa được nhiều bệnh nếu đừng quên “nói hành, nói tỏi, văn nghệ, văn gừng”. Đáng tiếc vì kiến thức cập nhật của thầy thuốc về gia vị đã từ lâu gói ghém trong món ăn nước Việt. Đâu còn hương vị độc đáo nếu phở thiếu quế, bánh xèo thiếu nghệ, nem thiếu tỏi, cháo thiếu gừng, bún bò thiếu ớt… Càng đáng tiếc hơn nữa nếu món ăn nước ta không được dùng để ăn cho khỏe, nếu món ăn xứ mình không được quảng bá để khách nước ngoài vừa ăn vừa phục.

Có một điều chắc chắn: thuốc từ hoạt chất trong gia vị dù có khéo cách mấy vẫn không bì được với món ăn ở một điểm. Đó là không có thuốc nào ngon, thuốc nào thơm, thuốc nào dùng rồi vương vấn khó quên như món ăn. Uống thuốc khỏi bệnh tuy hay nhưng vẫn chưa khéo.Tinh tế hơn nhiều khi biến món ăn ngon thành thuốc tốt, khi chuyển mỗi bữa ăn thành sức bật để kháng bệnh. Kinh nghiệm dùng món ăn như bài thuốc không thiếu trong kho tàng gia chánh xứ mình. Chỉ khó ở điểm đãi cát lọc vàng. Nghệ thuật hơn nhiều khi chiếc thìa của người đầu bếp không chỉ để khuấy đều món ăn mà đồng thời đưa lên miệng thực khách món quý hơn vàng: Sức khỏe!

Theo DoanhnhanSaigon

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét