Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Bánh Cà chua xanh

Bánh cà chua xanh mượt mà và ngon miệng như loại rhum cake. Xin hãy ủng hộ "cà chua" vì bà con nông dân Dalat nha các bạn!



Nguyên liệu

4 cup cà chua xanh băm nhỏ
1M muối
1/2 cup bơ
2 cup đường trắng
2 trái trứng
2 cup bột đa dụng
1m bột quế
1m bột hạt nhục đậu khấu
1/2 cup bơ
1 m bột nổi
1/4m muối
1/2 cup nho khô
1/2 cup mảnh hạt óc chó

Cách làm

Bỏ 1M muối vào thố cà chua xóc đều với, để 10 phút. Sau đó cho qua cái rá và xả nước cho sạch, để thật ráo.
Bật lò nướng ở 350'F hay 175'C. Thoa dầu vào khuôn 9x13 inch.
Đánh tơi chung bơ và đường cho tơi, rồi cho trứng vào đánh bông lên cho tới khi như kem.
Rây bột mì + bột quế, + bột nổi + bột nhục đậu khấu + 1/4m muối vào cùng với nhau. Cho thêm các loại hạt khô vào trộn lên. Cho kem vào trộn đều. Lúc này bột đã đặc, nặng tay.
Cho cà chua xanh vào trộn tiếp cho thật đều. Cho hỗn hợp vào khuôn đã chuẩn bị sẵn.

Nướng từ 40 - 45 phút, rồi  thử bằng que xiên nếu que không còn dính bột là bánh được rồi. Mời các bạn thưởng thức bánh Cà Chua Xanh!

Bichnga soạn theo allrecipes




Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Một số cách dùng "đui" bắt bông kem - 1

Trước tiên chúng ta làm quen với "đui " tròn nhỏ, thường được dùng để viết chữ và những họa tiết nhỏ, mảnh mai . Bây giờ chúng ta cùng theo "tay" cô Liz nha!


Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Canh tàu hũ non

Cơm trưa có tô canh tàu hũ non vừa đầy đủ chất lượng vừa ngon miệng ! Món canh này cũng rất dễ nấu, "liền ông " cũng có thể trổ tài đây các bạn!


Nguyên liệu

1 miếng tàu hũ non
1 - 2 trái cà chua chín
1 nhúm tôm khô
hành ngò 
bột nêm rong biển, muối
dầu ăn, nước mắm, đường, tiêu

Cách làm

Tàu hũ non rửa qua nước ấm cho khỏi chua, cuộn vào giấy cho thấm bớt nước, xắt  quân cờ, ướp với chút bột nêm cho thấm.
Tôm khô rửa sạch, ngâm cho nở mềm.
Cà chua xắt miếng cỡ quân cờ. 
Hành lá + ngò xắt nhỏ. Đầu hành xắt để riêng.
Cho 1/2M dầu ăn vào chảo phi đầu hành cho thơm, cho cà chua đảo sơ qua, cho tôm vào đảo đều với 1/2 M nước mắm, rồi cho 1 tô nước vào nấu. 
Khi sôi vớt bọt, thêm bột nêm, muối, đường vào nêm lại cho vừa miệng. Cho tàu hũ non vào nấu cho sôi lại. Để chừng 1 phút, tắt bếp, múc ra tô. Cho hành ngò lên trên cùng chút tiêu cho thơm.
Đơn giản, bình dân, dễ nấu nhưng rất ngon mà có đủ cả 3 loại protein, glucid và lipid cùng các loại khoáng chất, vitamin đấy nha!

Mời các bạn thưởng thức món này vừa bồi bổ sức khỏe, tiết kiệm và nhất là tham gia chương trình "Đồng hành cùng nông dân dalat" Việt Nam.

Bichnga

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Nấm đỏ

Một cách trang trí bắt mắt hơn đó là những chiếc nấm đỏ cà chua, nổi bật trên dĩa đồ nguội trên bàn ăn, điểm xuyến mấy chiếc bông củ cải đỏ thật xinh.


Hai khúc dưa leo làm đế, tỉa đài dích dách xen kẽ, ngâm nước lạnh tạo dáng cho đẹp. Dưới chân nấm xếp thêm ít hoa văn bằng 3 lát dưa leo liền vào nhau.
Hai miếng cà chua thật đỏ, bóng, dùng tăm gắn "mũ" nấm vào "chân" nấm dưa leo. Dùng sốt mayonaise chấm lên "mũ" nấm cho thêm phần sinh động.
Chọn vài củ cải đỏ, tròn, nhỏ, cắt ngang tỉa hoa, gắn hạt bắp vàng làm nhụy. 
Điểm xen kẽ ít nhánh thì là cho thêm phần duyên dáng. 

Bichnga soạn theo youtube

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Mỗi tuần 1 khúc tình ca _ Dòng sông xanh

Mình bắt đầu yêu bài Dòng Sông Xanh qua giọng ca thánh thót của Thái Thanh ở những thập niên 70 và năm nay bà đã ngoài 70. Bài "Dòng  sông xanh" hay " The Blue Danube" được nhạc người Áo Johann Strauss II soạn vào năm 1866. Sau khi viết xong nhạc theo điệu nhạc waltz - van ông đã thêm vào ca từ trong thơ của Joseph Wey theo âm hưởng thánh ca.  

Một thời gian sau, ông viết thêm nhạc và thay đổi lời. Và bài hát này đã nổi tiếng ngay trong thời gian này cũng như đến ngày nay. Mặc dù ông viết bằng tiếng Áo - Donau so blau, nhưng cái tên bằng tiếng Anh - The Blue Danube lại phổ biến hơn.

Rồi Franz von Gernerth đã trình bày bản nhạc này dưới dạng hòa tấu cũng rất thành công. Ngày 01 tháng 7 năm 1867 bản nhạc này đã được hòa tấu đầu tiên tại New York, và 21 tháng 9 tại London. Mời các bạn thưởng thức bản hòa tấu nhạc phẩm Dòng sông xanh.


Thập niên 60 của 1900, nhạc sĩ Phạm Duy đã dịch qua lời Việt. Mời các bạn thưởng thức tác phẩm này qua giọng ca bất hủ của nữ ca sĩ Thái Thanh!



Và đây là giọng hát trẻ trung mới lên cũng không kém phần ngọt ngào truyền cảm của ca sĩ Ngọc Hạ. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười phải không các bạn?



 Mời các bạn cùng trải nghiệm một tuyệt tác âm nhạc của thế giới và đã làm say mê bao người Việt chúng ta !

Bichnga

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Bồi bổ thận - quá đơn giản

Bồi bổ thận - quá đơn giản

Dấu hiệu cảnh báo thận của bạn đang hoạt động không tốt là xuất hiện bọng quanh mắt, khó khăn khi đi tiểu (đi tiểu không đều, đau khi đi tiểu…). Tình trạng thận bị suy còn gây ra những cơn đau vô cùng. Chính vì vậy, việc duy trì cho thận khỏe mạnh là điều hết sức cần thiết. Dưới đây là những loại thực phẩm bồi bổ giúp thận khỏe và hoạt động tốt.

Thận là cơ quan đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động sống của con người. Thận gồm có hai quả hình dáng giống như hạt đậu, to bằng nắm tay, nằm ở phía lưng.

Cứ khoảng 30 phút một lần, toàn bộ lượng máu của cơ thể lại được lọc hết qua thận để loại bỏ các chất thải độc hại đối với cơ thể, giữ lại các dưỡng chất cần thiết. Thận duy trì sự cân bằng của nước, đảm bảo mức độ ổn định của các khoáng chất cần thiết như canxi, sản xuất hormon như erythropoietin, enzym và vitamin, giúp điều hòa huyết áp và số lượng hồng cầu...

Nếu thận yếu sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về thận nguy hiểm sau như ung thư thận, thận đa nang, lao thận, suy thận, sỏi thận... Theo số liệu thống kê mới đây của ngành y tế thì trên cả nước có tới 80.000 người mắc bệnh suy thận mạn tính. 

Vì vậy, việc bảo vệ cũng như là cung cấp, lựa chọn các thực phẩm tốt cho thận là điều hoàn toàn cần thiết. Dưới đây là 10 loại thực phẩm tốt cho thận:

Tỏi
1 củ tỏi trung bình chứa 1 mg natri, 12 ng kali, 4 mg phốt pho. 
Đây là một trong những loại gia vị mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe vì chúng có khả năng phòng ngừa và chữa trị nhiều căn bệnh khác nhau. Tỏi giúp ngăn ngừa sự hình thành các mảng bám trên răng, hạ thấp mức cholesterol trong cơ thể và hạn chế sự viêm nhiễm.
Với hàm lượng natri, kali và phốt pho thấp, tỏi là thực phẩm không thể thiếu trong khẩu phần ăn hàng ngày của những người mắc bệnh thận. Chúng được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau: ăn sống, ngâm chua, được băm nhuyễn hoặc nghiền thành bột để dùng làm nguyên liệu hay gia vị cho nhiều món ăn.

Táo xanh
Tất nhiên chúng ta nên ăn táo cả vỏ bởi nó rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Đồng thời, táo có tính mát, lợi tiểu, giảm cholesterol, ngăn ngừa táo bón và ung thư nhờ vào lượng chất xơ dồi dào và các hợp chất chống viêm.
Táo có thể ăn, ép lấy nước hoặc chế biến thành các món bánh đều rất tốt cho người bệnh thận vì nó không chứa natri. 
Bí ngô
Những kết quả nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, bí ngô không chỉ là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là bài thuốc hiệu quả đối với bệnh nhân tiểu đường, suy thận và giúp cơ thể phục hồi tuyến tụy. Bí ngô chứa nhiều tinh bột nhưng chỉ số đường huyết (GI) của nó rất thấp, do đó nó làm giảm lượng đường trong máu giúp quá trình lọc máu ở cầu thận được dễ dàng hơn, tránh nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thành mãn tính.


Các loại cá béo (cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá thu…) thường chứa nhiều omega-3 – có tác dụng chống viêm nên có thể làm giảm các vấn đề về thận.
 Cá cũng là một nguồn protein tốt nên bạn đừng bỏ qua món ăn bổ dưỡng này nhé. 
Hồng xiêm
Loại quả rất quen thuộc và được nhiều người ở mọi lứa tuổi ưa thích. Hồng xiêm có chứa hàm lượng sodium rất thấp (chất này có hầu hết trong các loại hoa quả và muối), nó giúp điều hòa thể dịch cũng như các hoạt động trao đổi chất. Tuy nhiên, hàm lượng sodium cao sẽ ảnh hưởng đến thận, huyết áp và tim mạch.
Do hàm lượng sodium thấp và vị ngọt của đường tự nhiên nên bệnh nhân huyết áp và thận có thể ăn thường xuyên để giảm nguy cơ và các biến chứng bệnh nguy hiểm.
Hồng xiêm có chứa hàm lượng sodium rất thấp tốt cho thận 
Ớt chuông đỏ
½ chén ớt chuông đỏ chứa khoảng 1 mg natri, 88 mg kali, 10 mg phốt pho
Lượng kali trong ớt chuông đỏ khá ít nhưng loại rau có mùi vị khá thơm ngon này lại là nguồn cung cấp vitamin C và A cực kỳ dồi dào bên cạnh các vitamin B6, a-xít folic và chất xơ. Ớt chuông đỏ tốt cho cơ thể vì chúng chứa nhiều lycopene - chất chống ô-xy hóa giúp phòng chống một số căn bệnh ung thư. 
Bạn có thể dùng ớt chuông đỏ bằng cách ăn sống, cho vào món rau trộn hoặc dùng làm nguyên liệu cho các món rau xào… 

Bắp cải

Bắp cải là một nguồn tuyệt vời của chất phytochemical. 
Bắp cải là một nguồn tuyệt vời của chất phytochemical có thể tiêu trừ các gốc tự do, giảm thiệt hại cho cơ thể, đặc biệt là làn da, đồng thời có thể lọc máu rất tốt.
Chính nhờ những tác dụng này mà bắp cải còn giúp làm giảm nhẹ nhiệm vụ lọc máu cho thận. Đó là lý do tại sao những có vấn đề về thận nên ăn nhiều bắp cải.
Dâu tây
Trong dâu tây có chứa hai loại phenol (còn được gọi là a-xít carbolic) là anthocyanins và ellagitanins. Anthocyananins mang lại cho dâu tây màu đỏ đặc trưng và là chất chống ô-xy hóa hiệu nghiệm giúp bảo vệ các cấu trúc tế bào của cơ thể và ngăn ngừa những tổn hại của việc ô-xy hóa.
Dâu tây còn là thực phẩm cung cấp rất nhiều vitamin C và man-gan, bên cạnh lượng chất xơ dồi dào. Đây đều là những thành phần giúp bảo vệ tim, chống ung thư và viêm nhiễm.



5 trái dây tây tươi với kích cỡ trung bình sẽ cung cấp 1 mg natri, 120 kali và 13 mg phốt pho. 

Lòng trắng trứng
Nếu bạn có vấn đề về thận, bạn cần protein với một ít phốt pho. Lòng trắng trứng sẽ cung cấp đầy đủ 2 dưỡng chất cần thiết này cho bạn. Lòng trắng trứng chứa protein lành mạnh và ít phốt pho hơn các thực phẩm khác. Hãy nhớ rằng những người có vấn đề về thận nên tránh lòng đỏ trứng.
Súp lơ
Cách đơn giản nhất để chuẩn bị món ăn từ súp lơ là để đun sôi và thêm ít muối tiêu nếu bạn thích. Rau củ nói chung tốt cho cơ thể trong việc đào thải các chất độc hại, súp lơ lại càng tốt hơn.

Súp lơ rất giàu là indoles, glucosinolate và thioxyanat có tác dụng loại bỏ các chất thải và độc hại ra khỏi cơ thể bạn nhanh hơn. 

  Với những bệnh nhân suy thận mạn để có chế độ dinh dưỡng hợp lý đảm bảo phát triển khỏe mạnh cả về thể lực và trí lực cần phải có những hiểu biết cơ bản về nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, giá trị dinh dưỡng của các nhóm thức ăn… để từ đó biết cách lựa chọn và ăn phù hợp với nhu cầu trong từng điều kiện. 

 Chế độ dinh dưỡng thận trọng giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và kéo dài thời gian làm việc của thận hơn. Vận động thường xuyên rất cần thiết cho người có bệnh thận mãn tính vì giúp tăng sức khoẻ, nghị lực sống, giảm huyết áp, cải thiện giấc ngủ, kiểm soát cân nặng, giảm nồng độ mỡ máu.







Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Gỏi rau muống chiên giòn

Với phong trào rau củ quả chiên, món Gỏi rau muống chiên giòn sẽ giúp chúng ta ăn được nhiều rau và thực phẩm thêm phong phú phải không các bạn?



Nguyên liệu
100g rau muống
1/2 trái xoài keo
1 con khô cá sặc
1/2 củ hành tây
1 nhúm rau răm :
1 trái ớt sừng xắt sợi 
5 củ hành tím bào mỏng 
Tỏi băm
Ớt băm
Nước mắm, đường, dầu ăn
Bột ngọt
Bột chiên giòn hải sản


Cách làm

Khô cá sặc nướng hoặc chiên xé lấy nạc cá, bỏ xương. Ướp hành tím bào với 1m đường. Xoài keo bào sợi. Rau muống ngắt nhánh nhỏ.
Pha bột chiên giòn Hải Sản với nước theo tỷ lệ trên bao bì.

Pha hỗn hợp trộn gỏi: 2M nước mắm, 3M đường, 1/2m bột ngọt và 1M ớt băm.
Đun nóng dầu, nhúng rau muống qua hỗn hợp bột chiên giòn hải Sản, đem chiên giòn. Vớt ra để ráo dầu.


Trộn đều xoài keo, khô cá sặc, hành tím bào, ớt sừng, rau răm với nước mắm trộn gỏi.
 Xếp những sợi xoài dài thành hình vòng tròn như cái rế.
Cho rau muống chiên giòn ra giữa dĩa, gắp xoài và khô sặc lên trên.

Theo Monngonmoingay 


*Hỗn hợp trộn gỏi không cho chanh để cân bằng vị của xoài keo.
*Ướp đường vào hành tím để giảm độ hăng.
* nên lựa loại rau muống cọng dầy, và lá thật xanh thì "bánh" rau muống sẽ giòn và đẹp mắt.

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Phở xào chua ngọt

Mấy bữa nay trở trời biếng ăn quá!  Mình lên net thấy món Bánh phở xào hấp dẫn nên bắt tay vào làm. Món này "lạ miệng" nên mình xơi hết một dĩa luôn nha! Tuy nhiên mình có xài thêm ít rau xà - lách nên ngon lắm! Lúc nào rảnh làm thử nha các bạn!



Nguyên liệu
200g bánh phở khô
150g tôm sú 
150g Mực lá
50g hẹ lá 
1 củ hành tây
30g hành lá
2 trái ớt sừng cắt sợi
1M tỏi băm
100g đậu phộng rang, giã bể
50g nước me 
Dầu ăn, dầu điều, tương ớt, tiêu, nước mắm, đường
Hạt nêm, nước tương 

 Cách làm

Tôm sú bóc vỏ, chừa đuôi. Mực khứa vảy rồng. Tôm, mực ướp vào 1m tiêu, 1m hạt nêm, để thấm 15 phút. Hành tây cắt múi cau. Hẹ, hành lá cắt khúc 5cm.
Bánh phở ngâm mềm.

Pha xốt xào: Khuấy đều 50g nước me, 2M đường, 1M nước mắm, 1M dầu điều, 1M tương ớt và 1/2M hạt nêm. Xào phở: Làm nóng dầu, phi thơm tỏi, cho ớt, tôm và mực vào xào nhanh tay, trút ra đĩa. 
Tiếp tục xào hành tây, hẹ, bánh phở, cho xốt vào đảo đều, thêm ớt cắt sợi, hành lá, đậu phộng và tôm mực vào đảo đều, tắt lửa.
Cho phở ra đĩa, rắc ít đậu phộng lên trên. Chấm kèm nước tương và ớt cắt lát. 



Theo Monngonmoingay

*Dùng bánh phở khô, ngâm mềm khi xào sẽ không dính vào nhau.
*Xào nhanh tay, đủ nóng để tôm mực giữ vị ngọt.
*Các bạn có thể cho thêm ít giá, mấy lát cà chua xào vừa tới cũng rất hấp dẫn.



Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Tỉa hoa hồng bằng củ cải đỏ và dưa leo

Với 1-2 củ cải đỏ và một trái dưa leo, chúng ta sẽ tỉa ra được hai bông hồng trang trí cho những dĩa trái cây hay dĩa đồ nguội thật xinh nè các bạn!



- Dùng dao mỏng cắt từng lát cải thật mỏng rồi ngâm qua nước lạnh.
- Cắt 2 khúc dưa leo ở 2 đầu trái khoảng 7 cm, bằng những khứa dích dắc, sâu sát vào lõi. Sau đó lấy hết ruột dưa ra, tách phần thịt ra làm hai, bẻ nhẹ cánh bên ngoài cho cong ra. Ngâm vào ước lạnh cho những cánh đài cong và cứng. Cắt nhẹ 1 lát phía đáy cho đế hoa đứng vững.


- Vớt những lát củ cải lên cho ráo, xếp khoảng 7-8 cánh hoa nhỏ to xen kẽ lại với nhau thành 1 chuỗi, rồi từ từ cuốn lại. Sau đó cho vào giữa khúc dưa leo, chỉnh sửa lại cho đẹp.

Thế là ta có 2 bông hồng rìa xinh xắn rồi nhé!

Bichnga soạn theo

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Mỗi tuần 1 khúc tình ca - Em đã thấy Mùa Xuấn chưa

Từ nay, mỗi tuần mình sẽ post một bản tình ca mà mình yêu thích. Bạn nào đồng cảm xin mời thưởng thức cùng mình! 

Mở đầu là nhạc phẩm Em đã thấy mùa xuân chưa qua giọng ca Quang Dũng. Mời các bạn cùng nghe!


Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Salad cà chua bi củ cải đỏ

Mình thấy món salad này vừa đẹp lại vừa ngon , nên giới thiệu với các bạn! Tuy nhiên nếu nguyên liệu (pho mai viên) thiếu chúng ta thay loại khác cho phù hợp hoàn cảnh nhá!



Nguyên liệu

3 - 5 củ cải đỏ
100g cà chua bi
chục viên pho mai
2M dầu olive
2 cọng hành lá
 ít cọng cần tây hay rau bina non
Chút muối loại khô 
Chút tiêu

Cách làm. 

Bào mỏng củ cải đỏ, cắt cà chua ra làm hai, hành lá và cần xắt khúc 4 cm. Tất cả bỏ vào một cái thố cùng với pho mai viên và trộn đều lên. Xịt dầu olive, nêm thêm chút muối tiêu cho vừa ăn.

Dễ làm quá phải không các bạn? Không có pho mai viên lấy pho mai đầu bò cắt miếng nhỏ trộn vào cũng ngon. Nhớ bỏ ít muối nha các bạn!

Bichnga soạn theo Foodnetwork

* Bạn nên "xịt " dầu chứ đừng rưới được lan khắp thố salad và hạn chế việc trộn dầu khi có nguyên liệu pho mai.

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Trị ho bằng tỏi

Thời tiết giao mùa sẽ dễ khiến bạn có nguy cơ cao bị cảm cúm, ho, sốt. Thay vì dùng thuốc, bạn có thể áp dụng một số cách đơn giản để mau hết bệnh.


Trị ho bằng tỏi 1  
Tỏi vừa là gia vị vừa là thuốc trị ho hữu hiệu - Ảnh: Shutterstock
Theo tờ The Times of India dẫn nguồn từ các chuyên gia sức khỏe, tỏi không thể thiếu trong các liệu pháp dân gian chữa ho. Sau bữa ăn sáng, bạn hãy nuốt một tép tỏi sống. Đừng nhai mà nên nuốt hẳn. Cách này có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch, giúp cơ thể bạn sẵn sàng đương đầu với sự thất thường của thời tiết. 

Hoặc bạn có thể đun nóng dầu mè cho đến khi dầu bốc khói thì bỏ vào ít tép tỏi. Đổ dầu mè này vào chai và thoa vài giọt lên ngực cũng như lòng bàn chân khi bạn bị ho hoặc cảm lạnh. Cơn ho cũng như nghẹt mũi sẽ nhanh chóng tan biến. 

Một cách chữa ho hữu hiệu khác là nướng một tép tỏi và ăn cùng mật ong trước khi đi ngủ. 

Hệ miễn dịch của bạn cũng được cải thiện đáng kể khi thêm tỏi vào các món ăn.

Theo Saigonamthuc

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Bánh táo chiên

Nếu khi nào bạn muốn có  một món bánh trái cây, ăn vừa giòn, vừa chua chua, ngọt ngọt để đãi khách xin hãy chọn món Bánh táo đầu tiên. Loại táo tây, màu xanh, to, cứng cho chúng ta những miếng bánh vừa đẹp mắt vừa bổ dưỡng. Mời các bạn cùng xem!



Nguyên liệu

1 cup bột mì đa dụng
3 M đường cát
1/4 cup đường bột
1/6 m muối
1 cup bia
10 cup dầu ăn
2 trái táo xanh khoảng 900g

Cách làm
Gọt vỏ táo, bỏ lõi, cắt miếng theo chiều trái táo thành từng lát, dầy chừng 1/4 in. Ngâm qua nước muối 5 phút cho khỏi thâm. Vớt những miếng táo lên giấy thấm cho ráo.
Trộn bột + đường cát + muối lại với nhau. Sau đó cho bia vào khuấy cho tan đều.
Để dầu nóng già. Nhúng từng miếng táo vào bột cho áo đều rồi cho qua chảo chiên. Chiên khoảng 5-6 miếng  trong 1,5 phút rồi trở bánh. Khi đã vàng cả 2 mặt  bánh, vớt bánh ra giấy thấm dầu. 
Chờ bánh nguội cho ra dĩa, rây đường bột lên trên.
Bánh táo ngon đáo để!Mời các bạn thưởng thức!

Bichnga soạn theo Foodnetwork




Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Chín phương pháp dưỡng sinh cổ Phương Đông

Chín phương pháp dưỡng sinh cổ Phương Đông


 Ăn uống hợp lý có thể điều hòa khí huyết, cân bằng âm dương trong cơ thể kéo dài tuổi thọ. Muốn chữa bệnh trước hết cần bổ tỳ vị.

1. Dưỡng sinh tĩnh
Dưỡng sinh tĩnh thần chiếm vị trí rất quan trọng trong dưỡng sinh truyền thống. Người xưa cho rằng, thần là thống trị của sự sống, giữ cho thần khí tĩnh lặng, tâm lý cân bằng mới có thể nuôi nguyên khí.
Thiền chính là đỉnh cao của dưỡng sinh tĩnh. Ngũ tạng hòa yên góp phần phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Ngược lại, nóng giận hại gan, vui buồn quá hại tâm, suy tư hại tỳ, ưu buồn hại phổi, hoảng sợ hại thận…


2. Dưỡng sinh động
Người xưa cho rằng, nước suối thường xuyên chảy thì sạch, người thường xuyên vận động thì khỏe. Cổ nhân đã tìm tòi và hình thành các cách dưỡng sinh động như xoa bóp, thái cực quyền, dịch cân kinh…nhiều động tác võ thuật mô phỏng hành động của các loài cầm thú. 
Nếu ít vận động thì cơ nhão, bệu, khí huyết ứ trệ dễ sinh bệnh, nhưng vận động quá sức, lao động quá vất vả sẽ dẫn đến “ lao thương”. Nhìn lâu thì hại huyết, đứng lâu hại xương, nói nhiều hại khí, nằm lâu hại khí, ngồi nhiều hại cơ, đi nhiều hại gân …

3. Dưỡng sinh ẩm thực
Ăn uống hợp lý có thể điều hòa khí huyết, cân bằng âm dương trong cơ thể kéo dài tuổi thọ. Muốn chữa bệnh trước hết cần bổ tỳ vị. Khí tiên thiên là do cha mẹ truyền cho, khí hậu thiên là lấy từ thức ăn bên ngoài, hai loại khí này bổ trợ cho nhau và  thống nhất trong cơ thể. Nhiều loại thức ăn cũng là vị thuốc. Thức ăn phải được nhai kĩ vừa giảm thiểu bệnh đường ruột vừa tăng hấp thu dinh dưỡng.
Tuy nhiên, không nên ăn quá no, quá nhiều chất béo bổ. Thức ăn không tiêu hóa được biến thành độc tố. Thỉnh thoảng ăn một bữa cháo hoặc rau quả cho nhẹ người. m thực cần vệ sinh, đa dạng , thức ăn có “ ngũ cốc, ngũ quả, ngũ sắc, ngũ vị”…để cơ thể đủ dưỡng chất và lục phủ ngũ tạng không bị mất cân bằng, sinh bệnh.

4. Dưỡng sinh tẩm bổ
Khi cơ thể suy nhược, hư lao  hoặc mới ốm dậy thì việc tẩm bổ rất cần. Người xưa coi trọng việc bồi bổ bằng các bài thuốc Đông y bổ ngũ tạng, bổi khí huyết,… Tẩm bổ giúp cơ thể hồi phục, tăng khả năng chống lại bệnh tật, trường thọ. Tuy nhiên, tẩm bổ cần vừa phải, cần Lương y xác định đúng thể trạng để bồi bổ thích hợp. Ngoài ra, còn phải thích hợp với 4 mùa, ví dụ, mùa xuân bổ gan, hè bổ tâm, thu bổ phổi, đông bổ thận…

5. Dưỡng sinh kinh lạc
Hệ thống kinh lạc chạy khắp cơ thể tuy mắt thường không nhìn thấy. Kinh lạc giúp sự vận chuyển khí huyết giữa các tạng phủ và tổ chức của cơ thể diễn ra bình thường, thông suốt. Với quan điểm : “thông bất thống” (khí thông thì không đau). Thông kinh lạc là cách đơn giản nhất để kích thích cơ thể phòng và chống  các bệnh tật.  Người xưa dùng thuật châm cứu, xoa bóp, tẩm quất, giác hơi, vỗ đập…rất hiệu quả. Đặc biệt, hàng ngày nên day ấn ba huyệt quan trọng là Nội quan, Hợp cốc và Túc tam lý. Hợp cốc ở giữa ngón cái và ngón trỏ, chữa cảm sốt, các bệnh ngũ quan. Nội quan ở cổ tay, tốt cho tim và giấc ngủ. Túc tam lý ở chân là huyệt bổ toàn thân, đặc biệt hỗ trợ bộ máy tiêu hóa.

6. Dưỡng sinh củng cố khí huyết
Người xưa cho rằng, khí huyết là phần tinh hoa trong các chất dinh dưỡng, là nền tảng vật chất cho sự sống, ngũ tạng lục phủ được khí huyết nuôi dưỡng mới duy trì được chức năng bình thường. Cả nam lẫn nữ , nếu dục vọng quá độ, khí huyết hao mòn, răng rụng, tóc bạc, chóng lão suy. Không nên sinh hoạt tình dục sớm, biết kìm chế dục vọng giúp khí huyết được hưng vượng, cơ thể sung sức dài lâu.

7. Dưỡng sinh theo mùa
 Một năm có 4 mùa, 8 tiết khí, các loài động thực vật cũng nương theo quy luật của đất trời mà sinh trưởng, bảo tồn. Xuân sinh , hạ trưởng, thu thu, đông tàng ( mùa xuân sinh sôi, hạ trưởng thành, thu thu liễm, đông tàng giữ). Người xưa đã đúc kết những kinh nghiệm từ ăn, uống, mặc, ở, ngủ nghỉ, đi lại, phòng dịch bệnh…theo mùa trong năm.
Thời tiết nóng quá hoặc lạnh quá đều cần kiêng kị chuyện phòng the. Mùa hè nên ăn thanh đạm, ăn cháo để bù nước, mùa đông ăn thêm gia vị có tính ấm như gừng tươi. Đêm đông ngâm chân nước ấm trước khi đi ngủ còn tốt hơn uống thuốc bổ.
Điều tiết sinh hoạt theo môi trường từng mùa, giúp cơ thể thích ứng với các thay đổi và còn nâng cao được thể trạng.

8.Dưỡng sinh tu thân
Muốn khỏe mạnh trường thọ, cần bắt đầu từ tu thân. Tâm  hồn hướng thượng, sống ngay thẳng, lành mạnh. Cần biết sửa mình để hoàn thiện nhân cách. Thêm bạn, bớt thù, lấy đức báo oán, ít tham vọng cá nhân làm con người thanh thản. Thường ngày nói lời hay, làm việc thiện, cõi lòng rộng mở, con người điềm đạm thư thái, tâm trạng ổn định thì khí huyết ổn định rất tốt cho sức khỏe.
Người xưa nói :  “Nhân giả thọ” ( người nhân đức thường sống lâu)

9. Dưỡng sinh giải độc
Độc có nội độc và ngoại độc. Nếu tâm lý thất thường, thất tình lục dục đặc biệt là sân hận làm cho cơ thể phát sinh độc tố, thậm chí lâu ngày còn kết u bướu trong  nội tạng.
Ngoại độc là do phong tà xâm nhập, thức ăn nước uống, không khí bị ô nhiễm theo miệng mũi vào cơ thể. Vì vậy, cần tránh giận dữ, hận thù, u uất, căng thẳng tự mình thiêu đốt mình. Thực hiện vệ sinh ăn, ở , khi cần có thể dùng các thứ thuốc như: nhuận tràng, thanh nhiệt giải độc,… các liệu pháp dân gian như chích nhể, cạo gió, xông lá thơm…Uống đủ nước , uống trà xanh, ăn đậu xanh, …cũng có những tác dụng giải độc nhất định.   


Theo daophatngaynay.com

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Học các quốc gia ‘lùn’ cách nuôi con cao

Học các quốc gia ‘lùn’ cách nuôi con cao



Cha mẹ Hàn Quốc, Nhật Bản không có chiều cao lý tưởng nhưng lại có những phương pháp rất thú vị để cải thiện chiều cao cho thế hệ sau.

Học các quốc gia ‘lùn’ cách nuôi con cao
ảnh minh họa
Nghiên cứu khoa học cho thấy, chiều cao của con người chỉ có 60% phụ thuộc vào gen và 40% còn lại tập thể dục, chế độ ăn uống và dinh dưỡng. Theo thống kê mới nhất về chiều cao của người dân các quốc gia trên thế giới, chiều cao trung bình của đàn ông Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là 173,3 cm, 170,7 cm và 1,64cm. Các chỉ số về chiều cao cho thấy người Việt Nam thấp nhất khu vực. So với các nước lân cận, chiều cao người Việt Nam có khoảng cách khá xa.
Hàn Quốc, Nhật Bản đều không phải là những nước mà người dân có chiều cao lý tưởng, tuy nhiên họ đều có những phương pháp rất thú vị nhằm cải thiện chiều cao cho thế hệ sau. Cùng xem cha mẹ Hàn, Nhật, Sing đã nuôi con như thế nào để tăng chiều cao cho trẻ:

Hàn Quốc: Chương trình “mỗi đứa trẻ mỗi năm cao thêm 5cm”
Chính phủ Hàn Quốc rất coi trọng sự phát triển thể chất của trẻ em. Từ 10 năm trước, chính phủ đã phát động chương trình “mỗi đứa trẻ mỗi năm cao thêm 5cm”. Cụ thể mỗi bà mẹ sau khi sinh con đều sẽ được tham gia học bổ sung kiến thức về sự phát triển và tăng trưởng của trẻ nhỏ theo sự hướng dẫn của các sỹ nhi khoa.
Các chuyên gia dinh dưỡng, chỉnh hình, y học và tâm lý trẻ em ở Hàn Quốc đã khuyên các bà mẹ như sau:
Đi ngủ trước 10h tối, ban đêm không cho bú
Trẻ em phát triển và tiết hormone tăng trưởng chiều cao trong khi ngủ, đạt đỉnh nhiều hormone nhất vào khoảng 1-4 tiếng sau khi ngủ. Do đó, thời gian đi ngủ tốt nhất của trẻ nên là trước 22 giờ.
Ban đêm cũng không nên đánh thức con để chu bú bởi nó sẽ làm phiền giấc ngủ của trẻ. Sau sinh 4 tháng, chậm nhất trước 8 tháng, mẹ cần thiết nên bỏ hẳn cữ đêm cho con. Ngoài ra, nếu bé ngủ và thức dậy trong khoảng thời gian cố định, hình thành chu kỳ giấc ngủ ổn định, thời gian tiết hormone tăng trưởng cũng sẽ được mở rộng.
Giữ đúng tư thế ngay từ thời thơ ấu
Giáo sư người Hàn chỉ ra rằng nếu trẻ có tư thế ngồi, đi, nằm không đúng… sẽ có tác động xấu đối với việc tăng trưởng, gây ra sự phát triển xương bất thường. Mẹ cần luôn luôn quan sát và chỉnh đốn tư thế của trẻ ngay từ khi còn bé.
Ngồi ghế tốt hơn ngồi xổm, ngồi bệt
Ngồi xổm hay bệt trên sàn nhà và chơi sẽ gây cản trở việc tuần hoàn máu chân, xương chân cũng bị cong ra phía ngoài, không tốt cho trẻ. Tư thế tốt nhất cho bé là nên ngồi ghế, ghế có thanh dựa lưng càng tốt, tư thế này có lợi cho việc giữ cột sống thẳng.
Tránh mặc quần áo bó
Đối với trẻ em, quần áo quá chật sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, đặc biệt là ở mắt cá chân đi tất chặt sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ lưu thông máu chân, không có lợi cho em bé phát triển chiều cao .
Cười mỗi ngày
Mỗi trạng thái tinh thần khác nhau của trẻ em cũng sự tiết hormone tăng trưởng khác nhau. Khi trẻ hạnh phúc cơ thể sẽ tiết ra lượng hormone tăng trưởng nhiều hơn 10%. Vì vậy, các chuyên gia Hàn Quốc khuyên bà mẹ nên cố gắng giúp con luôn cảm thấy thoải mái vui vẻ.

Nhật Bản: Mỗi đứa trẻ sẽ có một bữa sáng ăn cá


Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản, từ năm 1960 đến năm 1975, thanh thiếu niên Nhật Bản chiều cao tăng 2,8 cm (nam giới) và 2,5 cm (nữ). Các học giả phương Tây gọi đây là "phép lạ của sự phát triển thể chất của con người."
Để đạt được thành tựu này, chính phủ nhật bản đã tiến hành cải cách chế độ ăn uống của trẻ em từ mẫu giáo đến trung học trong hơn nửa thế kỷ. Trong đó, người Nhật chú ý nhiều nhất đến bữa sáng.
Cha mẹ Nhật luôn cố gắng đảm bảo các con ít nhất một tuần đều có một buổi sáng được ăn cá tuyết. Trong cá tuyết có chứa protein như globulin, albumin, và một loạt các axit amin giúp tăng trưởng và phát triển chiều cao của trẻ. Tại Nhật Bản, nhiều gia đình ăn sáng với rất nhiều món phong phú như: một quả trứng sống, một miếng cá tuyết, hai con tôm, hai miếng rong biển, dưa chua nhỏ, nửa bát súp, gạo….
Ngoài ra mỗi buổi sáng, khoảng 10 giờ, toàn bộ trẻ em Nhật Bản từ mẫu giáo đến trung học đều sẽ uống một cốc sữa tươi. Lượng sữa trẻ uống sẽ khác nhau theo từng độ tuổi, từ 200 ml đến 400 ml.

Theo XL

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Thịt chân giò kho củ cải

Trời se se lạnh món Thịt chân giò kho củ cải rất thích hợp với chén cơm nóng hổi. Củ cải trắng - sâm mùa đông - được sử dụng thật hài hòa với món này. Mời các bạn thưởng thức!




Nguyên liệu:
Thịt giò heo: 300g
Củ cải trắng: 200g
Nước ngọt xá xị: 1 chén
Ớt hiểm: 2 trái
Gừng nhỏ: 1 củ
Hành tím băm
Hành lá
Tiêu, dầu ăn
Hạt nêm
Ăn kèm: bắp cải muối xổi

Cách làm

Thịt giò heo cắt miếng mỏng, ướp 1M hành tím băm, 1M hạt nêm, ít tiêu, để cho thấm.
Củ cải trắng gọt vỏ, chẻ đôi, cắt miếng dày 1cm. Ớt sừng đập dập. Gừng cắt lát, đập dập. Hành lá cắt khúc.
Phi thơm gừng đập dập, cho thịt vào xào săn, thêm củ cải vào đảo đều, cho nước ngọt xá xị vào đun sôi. Giảm nhỏ lửa, mở nắp cho ớt hiểm vào, kho đến khi nước cạn một nửa thì tắt bếp.

Món này ăn với cơm trắng thật tuyệt vời! Các bạn thử xem! 

Theo Monngonmoingay

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Cách làm bánh "Hello Kitty" - kiểu 2

Một kiểu " mèo Kitty" khác cũng rất đơn giản để trang trí cho chiếc bánh "tuổi mèo" nữa đây các bạn! 


Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Canh đu đủ lá lốt

Canh đu đủ lá lốt

Giới thiệu với các bạn một món canh chay nhưng rất thanh mát và bổ dưỡng. Đu đủ chín mềm ngon ngọt, lại thoang thoảng mùi thơm lá lốt kích thích vị ngác và khứu giác giúp chúng ta có một bữa ăn "mát lòng - mát dạ".



Nguyên liệu
Đu đủ hườm : 300g
Lá lốt : 50g
Nấm bào ngư :150g
Đậu hũ non
Poa-rô : 1 khúc
Đường, muối, dầu ăn
2 m bột nêm

 Cách làm 

Đu đủ gọt vỏ, rửa sạch sấn miếng vừa ăn dày 1x5cm. 
Lá lốt rửa sạch, cắt sợi. Nấm bào ngư rửa sạch cắt đôi. Đậu hũ cắt miếng vuông. Poa-rô cắt lát.
Phi thơm poa-rô cho nấm vào xào, nêm 1/2m hạt nêm , 1/3m đường, cho 1.2 lít nước vào, nấu sôi. 
Cho đu đủ vào nấu, nêm 1.5M hạt nêm từ Nấm Hương và Hạt Sen, 1/4m muối, 
Đu đủ chín, tắt lửa, cho lá lốt vào. Dùng với cơm trắng. 

 
Theo Monngonmoingay
 

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

9 tác dụng chữa bệnh bất ngờ từ cây sả

9 tác dụng chữa bệnh bất ngờ từ cây sả

Cây sả là loại cỏ sống lâu năm, mọc thành bụi cao 0,8 đến 1m. Lá hẹp dài giống lá lúa, hai mặt lá giáp nhám, khi bóc vỏ ra có mùi thơm của chanh. Thân rễ trắng hoặc hơi tím. Sả được trông khắp cả nước, trong các gia đình.


Công dụng của cây sả
1. Ngăn ngừa ung thư 
Một số nghiên cứu cho thấy mỗi 100 g sả chứa đến 24,205 microgam beta-carotene - những chất chống  oxy hóa mạnh mẽ có thể giúp ngăn ngừa ung thư.

2. Giúp tiêu hóa tốt 
Trà từ cây sả và tinh dầu sả (có thể uống 3-4 giọt với nước đun sôi để nguội) có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa kém, ăn chậm tiêu, đầy bụng, buồn nôn, nôn mửa, hay kích thích trung tiện, đau dạ dày, nóng trong, co thắt ruột, tiêu chảy. 

 Tinh dầu sả cũng giúp giảm thiểu các vấn đề về khí trong cơ thể vì có khả năng thư giãn các cơ dạ dày. Nó không chỉ giúp loại bỏ khí từ ruột, mà còn ngăn ngừa sự đầy hơi. Kích thích tiêu hóa, khử hôi miệng, tiêu đờm. Uống 3-6 giọt tinh dầu chữa đau bụng đầy hơi. Chú ý táo bón mà có sốt không dùng cây sả, không dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi, không sắc lâu.
Sả là loại cây thảo sống dai, cao khoảng 1m, mọc thành bụi (tên khoa học là Cymbopogon Citratus (L.) Pers), thuộc họ lúa (Poaceae).

3. Chữa đau bụng, rối loạn tiêu hóa
Cây sả tươi 30 – 50 gam đun sôi, hòa thêm đường đủ ngọt, uống nóng 2- 3 lần trong ngày. Dùng chữa chứng bội thực, đau bụng đi tả, nôn ọe, cảm sốt, ngộ độc rượu. Liều dùng mỗi ngày từ 6 – 12 gam.

4. Chữa đau bụng tiêu chảy do lạnh
Củ sả 12g, vỏ quít khô 12g, búp ổi 12g, củ gấu 20g, gừng tươi 3 lát. Đổ 2 bát nước sắc còn 1 bát uống nóng (trẻ em thì chia uống làm 2-3 lần). Nếu không đỡ thì thêm 15g tía tô, rất hiệu nghiệm. (Theo nhân dân, Văn hóa nghệ thuật ăn uống).
5. Giải độc 
Ăn sả cũng có tác dụng giải độc cơ thể bằng cách tăng cường số lượng và tần xuất đi tiểu (thông tiểu tiện). Điều này giúp cho gan, đường tiêu hóa, tuyến tụy, thận và bàng quang được sạch sẽ và khỏe mạnh bằng cách hỗ trợ cơ thể để loại bỏ các chất độc hại không mong muốn và acid uric. 
Đặc biệt sả giải độc rượu rất nhanh, bạn có thể dùng 1 bó sả giã nát, thên nước lọc, gạn lấy 1 chén. Người say rượu nặng uống vào sẽ nhanh chóng tỉnh và đỡ mệt, đỡ nhức đầu.

6. Có lợi cho hệ thần kinh
Tinh dầu sả được sử dụng để tăng cường và cải thiện các chức năng của hệ thần kinh. Thông kinh lạc. Nó hỗ trợ trong điều trị một số rối loạn của hệ thần kinh như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, co giật, căng thẳng, chóng mặt, run rẩy chân tay, động kinh (Trẻ em kinh phong) ...

7. Giảm huyết áp 
Bổ sung các tinh chất có trong sả sẽ có hiệu quả trong việc giảm huyết áp. Nó làm tăng tuần hoàn máu và giúp giảm bớt tất cả các vấn đề của huyết áp. Uống một ly nước trái cây có sả có thể làm giảm huyết áp đáng kể.

8. Giảm đau
Tinh chất sả cá thể làm giảm đau tất cả các loại viêm và các cơn đau nhức. Vì vậy, nếu bạn có đau răng, đau cơ, đau khớp hay đau ở các bộ phận khác hãy uống trà sả vì chắc chắn nó sẽ hữu ích cho bạn.
9. Làm đẹp da 
Chất sả là một nguyên liệu không thể thiếu trong ngành công nghiệp mỹ phẩm vì nó có rất nhiều lợi ích cho da. Tinh dầu sả cải thiện chất lượng da như giảm mụn trứng cá và mụn nhọt. Nó cũng có tác dụng làm săn chắc các cơ và các mô trong cơ thể.
Bên cạnh đó, cây sả còn có tác dụng xua đuổi được ruồi, muỗi, côn trùng, khử hết mùi xú uế, những nơi bị ô nhiễm môi trường độc hại, sát trùng. Tinh dầu sả còn được dùng làm thuốc diệt trừ muỗi. 
Một số bài thuốc từ cây sả
1. Giải cảm: Lá sả cùng với một số loại lá như kinh giới, tía tô, trắc bách diệp, bạc hà, chanh, ngải cứu, lá tre, lá ổi (mỗi nồi dùng 5 loại lá) ... đun sôi, dùng để sông giải cảm rất hiệu nghiệm.
2. Chữa cảm cúm trúng hàn: Ngày dùng 15 đến 30 gam củ hoặc lá tươi để nấu nước xông. 
3. Trị nhức đầu: Lá sả, lá tía tô, lá kinh giới, lá ngải cứu, thêm 3-4 củ tỏi, (thiếu một thứ cũng không được), nấu nước xông. Hoặc lá sả, lá tre, lá bưởi, (hoặc lá chanh), lá tía tô, lá ổi, nấu nước xông, trước khi sông nên múc sẵn một chén để riêng, xông xong uống rồi đắp chăn mằm một lúc sẽ đỡ (bài thuốc gia truyền).
4. Chữa chàm mặt: Rễ sả giã nhỏ, xát vào chỗ bị chà.

5. Trị mụn nhọt: Nấu nước lá sả tắm hàng ngày.

Theo GDVN

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Bánh bông lan "Tháng 10"

Món bánh bông lan bí đỏ nhân quả óc chó dành cho mùa Halloween năm nay rất ngon! Mời các bạn trải nghiệm" cùng mình!




Nguyên liệu

100g bí đỏ hấp chín, tán nhuyễn
50g bơ lạt
80g đường trắng
chút muối
1 trái trứng gà
40g mảnh hạt óc chó rang
120g bột mì đa dụng
1m bột nổi (baking soda)
50ml sữa tươi không đường

Cách làm

Rây bột mì + bột nổi cho đều và  tơi xốp.
Dùng lồng khuấy cho tơi bơ với chút xíu muối trong một thố lớn, kế là cho đường vào trộn tiếp cho đều ( chia 2 lần để dễ trộn). Cho trứng đã đánh tan vào (chia làm 3 lần) trộn tiếp cho quyện vào nhau.

Đến lượt cho bí đỏ và mảnh hạt óc chó vào, trộn tiếp.  Bây giờ hỗn hợp đã bắt đầu nặng tay, ta cho tiếp bột vào (cho 3 lần) trộn cho đều. Lúc này chúng ta nên dùng một cái muỗng to dẹt như cái sạn để trộn cho dễ.

Và ở lần bột cuối cùng chúng ta cho sữa vào trước để dễ trộn hơn.

Xếp khuôn giấy ra khay rồi múc hỗn hợp này vào (khoảng 6 cái to). Lò mở sẵn cho nóng ở 390'F hay 200'C nướng khoảng 20 phút là được. Trước khi lấy bánh ra hãy dùng que xiên bánh, nếu que không còn dính bột sống là được.
Bánh chín rồi đây!

Xếp bánh ra vỉ để cho nguội, bánh "dậy " mùi bơ thơm phưng phức nha! Thường thức thôi!

Bichnga soạn theo CwD

* Các bạn nên dùng bí đỏ Nhật, vỏ xanh, ruột đỏ, xốp và ngọt.
* Các bạn cũng có thể thay thế hạt óc chó bằng hạt điều, chocolate chip, các loại trái cây khô hay để mấy lát chuối lên bề mặt bánh trước khi nướng tùy thích.


Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Kinh nghiệm dùng phác đồ phản chiếu hệ bạch huyết

Mình đã "mày mò" với phương pháp này mấy năm nay và thấy rất hiệu quả. Bạn nào thấy cần áp dụng thử sẽ thấy ngay. Dụng cụ chính là mấy ngón tay "mềm mại" của chúng ta và  chút dầu cù là thôi à! Khi nào thấy "ể mình", người gây gây như muốn sốt" là ra tay ngay nhé mấy bạn! Hiệu quả lắm đấy!

Kinh nghiệm dùng phác đồ phản chiếu hệ bạch huyết


             Phác đồ phản chiếu hệ bạch huyết của thầy B.Q.Châu đã mở ra cho môn DC-ĐKLP một khả năng mới thật tuyệt vời: hổ trợ diệt khuẩn cùng với kháng sinh tăng tốc lui bệnh. Như đã kể lại trường hợp tôi dùng phác đồ này trong bài “ Hành phương Bắc”. Nếu thực hiện liên tục cứ 2 giờ một lần thì bệnh lui trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Bản thân tôi chỉ từ khoảng  9 giờ sáng đến 5 giờ chiều là hết sốt, hết ê ẩm cơ thể.
             Phác đồ này có tác dụng triển khai hệ bạch huyết tối đa về chất cũng như về lượng. Hệ bạch huyết là hệ thống sản sinh ra các bạch huyết cầu mang nhiệm vụ tiêu diệt các sinh vật lạ xâm nhập cơ thể trái phép - không có giấy phép nhập cảnh (visage.)…..hihihi. Hiện tại chỉ có siêu vi HIV làm được “nhập cảnh giả” nên hệ bạch huyết không nhận ra.
   
            Mới đây, một cháu bé 6 tuổi bị viêm toàn bộ hệ hô hấp cấp, ho rũ rượi và sốt cao, bàn chân nóng (dấu hiệu của sốt do nhiễm trùng). Tôi đã dùng bộ huyệt này cũng từ khoảng 9 giờ sáng đến quá trưa là hết sốt (4 lần điều trị). Ho giãm nhiều (vì còn viêm, ở đây là viêm chức năng kèm theo bị nhiễm trùng cơ hội). Giai đoạn sau chỉ dùng Tiêu Viêm thông thường và phản chiếu hệ hô hấp. Bệnh khỏi mà không hề sốt lại lần nào.
            Lại mới đây lúc khoảng 20 giờ ngày 4-6-2011 một học viên ở Hà Nội gọi điện hỏi ý kiến tôi về bệnh của bà xã anh: viêm thận cấp. Triệu chứng chính: sốt cao, tiểu tiện ra máu (nước tiểu đỏ), đau vùng lưng bụng, bàn chân lạnh. Tôi hướng dẫn anh: hơ Bổ Trung bàn chân để cân bằng Âm Dương, day cào bộ Phản Chiếu Hệ Bạch Huyết + các phản chiếu thận ở mặt, xoa bóp loa tai (đồng ứng thận). Xế chiều hôm sau, anh lại gọi báo cáo là bệnh giãm nhưng không lui……….hóa ra anh chỉ làm một lần tối 4-6 và một lần sáng 5-5…..và hóa ra tôi quên dặn anh cần trị liên tục cách 2 giờ một lần bằng phản chiếu hệ bạch huyết. Sáng thứ hai 6-6-2011, anh gọi điện báo rằng
-          Vợ tôi khỏi bệnh rồi thầy ạ.
-          Sao anh biết là khỏi ?
-          Vì hết sốt, hết đau lưng bụng, người khỏe ….đã sinh hoạt bình thường….
-          Nước tiểu còn đỏ không?
-          Nước tiểu trong trắng bình thường ạ….cám ơn thầy nhé.
            Làm thế nào mà lui sốt nhanh như vậy ? Sốt cao là hiện tượng khi cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh. Tác nhân gây bệnh bị diệt thì cơ thể không còn phản ứng chống chọi nên hết sốt.
Tại sao phải làm cách nhau 2 giờ ? Ta đã biết các vi sinh vật (kể cả vi nấm, là các loại nấm nhỏ chỉ thấy được bằng kính hiển vi) có vòng đời rất ngắn, Trước khi về bên kia thế giới một con vi trùng hay siêu vi trùng đã có cháu nội ngoại đầy đàn. Đặc tinh của chúng là đã chui ra khỏi trứng thì dễ chết, nhưng khi còn trong trứng thì lại rất khó diệt vì chúng có một lớp vỏ chịu nhiệt rất cao và chống lại được sự hủy hoại của hóa chất. Các bạch cầu,hóa dược…. không làm gì được các trứng này. Như vậy muốn diệt hoàn toàn ta phải tấn công liên tục, hể con nào vừa chui ra khỏi trứng là diệt ngay, không cho chúng kịp “dậy thì”….không kịp “phát dục”…..không kịp “lập gia đình”…… không kịp sinh con đẻ cháu……. hihihi
……. Tây y bắt dùng kháng sinh liên tục 5-7 ngày cũng vì lí do này.
            Nhưng tôi có một kinh nghiệm riêng: ngoài quẹt,cào phản chiếu 6 vùng bạch huyết như thầy Châu phổ biến, tôi cào thêm vùng mí tóc trán từ huyệt 278 bên này qua huyệt 278 bên kia. Cơn sốt lui rất nhanh.

Theo Diện Chẩn Việt - Lương y : Tạ minh

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Cá nục kho măng

Nhà còn nhiều măng nên mình lại tìm cách "xài' măng cho vơi bớt. Một món kho cho măng nữa đây các bạn!



Nguyên liệu

300g cá nục
1 nắm măng
1m hành tím băm
muối, tiêu, đường, nước mắm, ớt, dầu ăn

Cách làm

Cá làm sạch, cắt làm hai khúc, ướp với 1m hành tím băm + ớt băm + 1/2m muối + 1/2 M nước măm + 1M đường + chút tiêu để 15 phút cho thấm.
Cho 2 m đường + 2m dầu ăn vào nồi bắc lên bếp nấu cho đến khi đường chuyển qua màu vàng nâu, cho 1/2 M nước mắm vào khuấy đều rồi tắt bếp.
Xả đông măng, vắt ráo nước. Xếp 1 lớp vào nồi nước màu, kế là cá nục. Cuối cùng là lớp măng, và 1 trái ớt đập dập, đậy nắp lại. Bắc lên bếp nấu khi nước cá sôi, cho nước lạnh vào nấu cho sôi lại, hớt bọt, bớt lửa.

Khi nước còn xâm xấp, nêm lại cho vừa ăn, rắc thêm tiêu. Thế là được nồi cá nục kho măng rồi các bạn!

Bichnga