Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Bánh thơm - Bánh dứa

 Do OX đi Long An về tặng cho 3 trái thơm làm quà, nên mình lấy 2 trái ra sên nhân bánh, làm bánh thơm. Và thử lại lò nướng thủy tinh, bỏ kho lâu lắm rồi.

Nguyên liệu

Nhân thơm

2 trái thơm 

30g bơ lạt

100g - 150g đường

1M mạch nha

1M nước cốt chanh

chút xíu muối 

Vỏ bánh

250g bột mì đa dụng

 4M sữa đặc

 130g bơ lạt

1/2 trái trứng

Trứng phết mặt bánh: 1 lòng đỏ + 1M nước + 1M dầu ăn 

Cách làm

Gọt thơm, cắt miếng nhỏ, cho vào máy xay. Nhưng không xay quá nhuyễn (nhấn 2 lần, mỗi lần 5 giây)

Đổ thơm qua rây, để 30 phút cho róc bớt nước, cho vào chảo sên với đường + chút muối. Nên nếm thử xem thơm chua cỡ nào để dùng đường cho thích hợp. 

 
 Dùng lửa vừa, thường xuyên đảo đều thơm. Khi nước bắt đầu cạn, bớt lửa để riu riu. Cho mạch nha, đảo nhẹ. Cho nước cốt chanh trộn đều. Cho bơ đảo nhẹ cho tan chảy. Có bơ, khi nặn viên nhân sẽ không dính tay. Khi thấy thơm cạn nước dính dẻo, tắt bếp. Để nguội, chia nhân ra làm 40 viên.
 

Cho bơ vào thố (bơ để bên ngoài cho mềm - không chảy), dùng nỉa nghiền cho tơi bơ. 

Cho tiếp 1/2 trái trứng đã đánh vào trộn đều với sữa đặc.

Rây bột vào thố bơ làm 2 lần, trộn cho đều. Dùng phới trộn lại cho đều, rồi dùng màng plastic che lại, cho vào ngăn mát để bơ không làm chảy bột.

Sau 30 phút, lấy ra chia làm 40 phần. Nhấn nhẹ cho nhân vào rồi túm lại, vo tròn.


 

Nếu dùng lò thủy tình, thì phải nướng làm 4 lần. Cứ từ từ nướng lần này, lại làm lần khác cho đến hết.

Khuấy đều chén trứng phết mặt, phết nhẹ 1 lần, se khô phết lần 2 rồi cho vào nướng.

Làm nóng lò trước 5 phút ở 150 độ. Cho vào nướng 10 phút, phết mặt lại lần 2 cũng 2 lần, nướng lại 15 phút ở 175 độ. Bánh mini và lò nhà mình như thế nha mấy bạn. Nếu có lò lớn chỉ cần nướng 1 lần là được một mẻ. 

 
Bánh nóng hổi vừa thổi vừa ăn nè các bạn! 
Vỏ bánh dòn tan, thơm mịn. Nhân dẻo thơm chua chua ngọt ngọt. Để nguội, cho vào hũ ăn cũng được cả tuần. Tết làm cho gia đình ăn bảo đảm an toàn và rẻ nữa nha các bạn.
 

Chúc các bạn thành công
Bíchnga


Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

Cách làm dưa chua cải sen, cải sậy

 Cải chua có quanh năm, nhưng chỉ gần Tết, cải cuộn chắc , xanh mơn mởn rất ngon. Cải chua nấu nhiều món hay ăn sống với các món mặn khác cũng rất ngon mặn. Cũng có nhiều cách làm dưa, lần này chúng ta làm theo cách mới nha các bạn.

Nguyên liệu

1kg cải sen, sậy

700ml nước ấm

20g muối hột

300ml nước mía nguyên chất (khg có cam hay tắc...)


Cách làm

Cắt rời ra từng lá, bỏ bớt lá, rửa sạch, úp cho ráo nước, cắt miếng vừa ăn.

Hòa 700ml + 20g muối hột vào nước ấm cho tan (2 phần nước lạnh + 1 phần nước sôi)

Cho cải vào keo, rót nước muối vào keo. Ấn nhẹ cho đều cải xuống nước.


 

Rót tiếp nước mía vào (không cần hòa nước mía trước). 

Có thể cho thêm hành tím , ớt vào (dùng mặn).

Để bên ngoài 2 ngày dưa sẽ vàng chua rất ngon! 

Nào mời các các bạn thử cách này nhé! 

Theo Cô Tuệ Vân 

Thưa cô, con xin trả bài.


Cải muối 2 ngày bắt đầu vàng, thơm. Vị chua thanh nhẹ, nhưng còn mùi hăng của cải. Qua ngày thứ 3 thì giòn ngon, chua thanh đều. Ăn với một số món mặn rất tuyệt vời!

Con cám ơn cô rất nhiều. Chúc cô luôn thân tâm an lạc. 

Kính



Cách làm Bơ đậu phộng

 Làm sốt đậu phộng phải có bơ đậu phộng. Và bây giờ là cách làm bơ đậu phộng tại nhà nha các bạn.

Nguyên liệu

2 cup đậu phộng rang, bỏ vỏ.

2 M dầu ăn ( dầu phộng, olive ... cũng được)

2M mật ong

1/2 m muối

Cách làm

Cho đậu phộng vào máy xay 3 lần, mỗi lần 15-20 giây cho mịn, và không bị nóng máy.

Cho dầu ăn, mật ong, muối vào và xay tiếp làm 3 lần như đợt trước cho bơ mịn màng , dẻo quánh. 

Thế là ta có bơ đậu phộng rồi đó. 

Bichnga soạn theo NET (một nhà quảng cáo máy xay)



Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

Ba việc cần làm khi thời tiết thay đổi đột ngột

 Mặc dù Sài Gòn là nơi ấm áp, nhưng nhiệt độ thay đổi, chênh lệch cũng rất cao, cả chục độ. Vì là vùng đất ấm áp, nên ít khi chuẩn bị đồ mùa đông. Khi nhiệt độ thay đổi bất ngờ sẽ dễ bị cảm lạnh, sốc nhiệt, đột quỵ nhất là người có tuổi.

Bạn có biết, cơ thể như một tấm pin, phơi nắng lâu vào ban ngày sẽ giúp giữ ấm nhiều hơn về ban đêm ? Những người bị tiểu đường, bệnh tim hay cao huyết áp đều thuộc nhóm có rủi ro bị đột quỵ rất lớn.

 
 Trời lạnh ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào? - Khoa học và đời sống
3 nhóm người cần chú ý khi không khí lạnh ập đến.
 
Khi cơn lạnh ập đến, không ít người bị đột quỵ bất ngờ và phải nhập viện khẩn cấp. Khâu Hiển Học (Qiu Xianxue), một bác sĩ châm cứu ở Cao Hùng (Đài Loan) chỉ ra rằng, y học cổ truyền Trung Quốc giảng về khí và huyết, nếu khí bị ngưng trệ, máu sẽ không thể lưu thông.

Khi nhiệt độ giảm sâu và cơ thể bị nhiễm lạnh, khí bị ứ đọng và không lưu thông được, sẽ gây ra đột quỵ do đường dẫn máu bị tắc nghẽn.
Tai biến mạch máu não là một trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp, nếu không sẽ để lại nhiều mức độ tàn tật từ trung bình đến nặng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. 
Đặc biệt, những bệnh nhân mắc bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp… có kết cấu mạch máu kém đều thuộc nhóm nguy cơ cao, cần hết sức cẩn thận khi nhiệt độ giảm nhanh.
Nhưng thực tế ngày nay, nhóm tuổi mắc các bệnh như tăng đường huyết, bệnh tim và cao huyết áp ngày càng trẻ hóa, một số thanh niên thậm chí còn chưa biết bản thân họ mắc các vấn đề này.

Có thể ngăn ngừa đột quỵ vào mùa lạnh dựa trên ba yếu tố dưới đây :
Trang phục kín từ đầu đến chân, chỉ có tác dụng giữ ấm khi chúng không quá chật
Bí quyết đầu tiên là mặc quần áo phù hợp. Ông Khâu chỉ ra rằng khi đối mặt với nhiệt độ thấp và gió lạnh, bạn nên chọn quần áo không chỉ có tác dụng chống rét mà còn phải chống gió.
 
  • Đầu : Đầu là nơi trực tiếp phơi dưới ánh nắng mặt trời và gió lạnh, phải đội mũ để giữ ấm, tốt nhất là mũ lông che được tai.
  • Cổ : quàng khăn, áo cổ cao, áo chui đầu để tránh gió lạnh thổi qua cổ.
  • Thân : Nên mặc áo khoác mỏng vừa phải và chống gió, có lớp bông chắn giữa để cách ly không khí lạnh một cách hiệu quả. Nếu quần áo trên người quá chật, sẽ không tốt cho cơ thể bị nhiễm lạnh.
  • Chân tay : Khi mạch co thắt kèm theo nhiệt độ thấp, máu không thể lưu thông thuận lợi đến tứ chi, khiến tay chân bị lạnh. Vì vậy, cần đi găng tay, giày và tất để đảm bảo máu ở các chi được lưu thông thuận lợi.

Đối với cha mẹ có con nhỏ, nửa đêm thức dậy, nhấc chăn bông lên khiến gió lùa vào rất lạnh, do đó nên mặc áo ngủ cho bé.

Ăn thức ăn ấm để giúp khí huyết lưu thông và xua tan cái lạnh

Thường xuyên hấp thụ một số món ăn ấm có tác dụng bổ huyết, bổ khí, cải thiện tuần hoàn máu. Nhưng bạn đừng ăn quá no, vì sẽ khiến cơ thể bị nóng.

Thêm gừng, quế, hạt tiêu, ớt và các nguyên liệu cay khác khi nấu ăn cũng có thể giúp xua tan cảm lạnh.

Ớt cay và gừng có thể làm ấm phần lõi của cơ thể. Một số người vẫn có thể bị lạnh tứ chi sau khi ăn, nhưng ít nhất nó có thể làm ấm ngực và bụng, đồng thời giảm bớt cảm giác ớn lạnh.

Những người bị khô, loét miệng và các triệu chứng khó chịu khác, mặc dù không thích hợp với các món ăn ấm, nhưng vẫn có thể dùng một lượng nhỏ.

Tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng mặt trời vào những lúc bình thường

Tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ khởi phát và tái phát. Đặc biệt, những bệnh nhân đã từng bị tai biến thì khả năng bị lên cơn lần 2 cũng rất cao.

Ông Khâu cho biết, nếu bệnh nhân bị liệt nửa người, tuần hoàn bên liệt kém, thân nhiệt tự nhiên hạ thấp, dễ bị cứng gáy thì cần phải giữ ấm. Ngoài việc mặc áo ấm, khi trời nắng, nên ra ngoài đón nắng lâu hơn một chút.

Vào mùa đông, bạn có thể tận dụng ánh nắng (nếu có) từ 11 giờ đến 1 giờ trưa trong một giờ là tốt nhất cho cơ thể.

Khuyến cáo khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, não bộ chỉ nên tập trung nghĩ rằng bạn đang “phơi mình trong nắng”, việc suy nghĩ lung tung sẽ rất dễ gây chóng mặt. Ngoài ra, bạn cũng đừng sợ nhiệt độ giảm đột ngột sau khi phơi nắng.

Ông Khâu, người từng bị đột quỵ, cũng thường xuyên phơi nắng. Ông giải thích rằng khi da tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài, nó sẽ tích trữ năng lượng giống như một tấm pin.

Lúc màn đêm buông xuống, năng lượng mà da tiếp nhận sẽ lan tỏa ra toàn bộ cơ thể, duy trì tuần hoàn ngoại vi của cơ thể và nhiệt độ của các mô.

Ngoài ra, bạn có thể tắm nước nóng khi trời tắt nắng vào ban đêm. Tuy nhiên, người bệnh tim khi tắm không nên lập tức dội nước toàn thân, mà nên bắt đầu tắm từ thắt lưng, ngâm mình vào nước dần dần, tuần tự từ dưới lên đến ngực để tránh nguy hiểm.

Bạn cũng có thể dùng túi chườm nóng để giữ ấm cho cơ thể, hoặc máy sấy tóc để thổi trực tiếp vào các bộ phận bị nhiễm lạnh.

Bảo Vy

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

Thịt giò heo ngâm nước mắm

 Ngày tết, món thịt giò heo ngâm nước mắm rất thích hợp làm nhiều món khác như ăn kèm với dưa cải chua, kiệu chua, ... hay làm gỏi cuốn. 

Mời các bạn xem nha! 

Nguyên liệu

600g giò heo rút xương, cột chỉ.

2 chén đường, 1 chén nước mắm ngon, 1/2 chén nước

2m bột nêm, 1/4 m phèn chua (không có cũng được)

Cách làm

Chọn giò heo chân trước, rút xương, cạo rửa sạch, cột lại cho chặt.

 Nấu nước nóng, cho thịt giò vào cùng 2m bột nêm, luộc chín ( lấy que xâm không ra nước hồng).

Vớt ra thố nước đá pha chút phèn chua khoảng, ngâm15 phút, vớt ra, thấm khô ráo.

Cho nước mắm + đường + nước nấu sôi, để nguội.

Cho thịt giò vào lọ, gài chặt, đổ nước mắm vào để bên ngoài chừng 1 tuần là có thể ăn được.

Theo Món Ngon Mỗi Ngày



Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Nước chấm sốt đậu phộng

 Với nguyên liệu chính là bơ đậu phộng, món nước chấm này làm cho nguồn nước chấm chúng ta càng thêm phong phú. Ngoài ngon miệng nước chấm này còn bổ dưỡng nữa. Nước chấm bơ đậu thích hợp với nhiều món ăn như salad, gỏi cuốn mặn cũng như chay, há cảo, sườn bò gà nướng, ... tàu hũ. Cách làm thật đơn giản! Nhớ thử nha các bạn!

Nguyên liệu

1/2 cup bơ đậu phộng

3M nước tương hay tamarin

2M mật ong

1m dầu mè

1/4m tương ớt

1M nước cốt chanh

1m sốt hoisin (nếu có)

Cách làm

Cho tất cả vào một cái tô, khuấy cho hòa quyện vào nhau. Nếu nước chấm qua đặc bạn có thể thêm chút nước cho sánh lỏng. Hoặt thêm mật ong, tương ớt cho vừa khẩu vị. 

Rưới lên các loại mì trộn hay chấm gỏi cuốn rất tuyệt vời. 

Bichnga biên soạn theo The cabin diary


Giải trí cuối tuần : Bâng Khuâng

Mời các ACE cùng thưởng thức một nhạc phẩm cây nhà lá vườn của trường ĐH SPKT Thủ Đức, được sáng tác từ năm 1992 tới giờ mới phát hành.


Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

Ba loại nước detox

1. Thực đơn giảm cân cùng trà chanh gừng

Nếu chanh giúp giảm sung và kháng viêm thì gừng sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đào thải độc tố qua tuyến mồ hôi. Bên cạnh đó, trà chanh gừng cũng giúp ngăn chặn mụn trứng cá và hạn chế say xe trong những chuyến đi xa.

Nguyên liệu:

  • 1 nhúm trà xanh
  • 1 quả chanh
  • 3 lát gừng
  • 1 muỗng mật ong

Thực hiện:

  • Trụng sơ lá trà trong nước sôi, sau đó ngâm trà và gừng trong nước sôi từ 5 – 10 phút.
  • Lấy phần nước đã đun, pha them nước cốt chanh và mật ong.

2. Thực đơn giảm béo cùng trà chanh ớt

Chanh kết hợp với ớt giúp cải thiện hệ tiêu hóa, hỗ trợ hệ thống miễn dịch cũng như giúp giảm cân. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy uống 1 tách trà chanh ớt để tăng cường sức để kháng cho cơ thể nhé!

Nguyên liệu:

  • 1 nhúm trà chanh
  • 1 quả chanh
  • 1 nhúm ớt tiêu đỏ

Thực hiện:

  • Trụng lá trà xanh trong nước sôi, sau đó ngâm trà và ớt trong nước sôi khoảng 5 – 10 phút.
  • Chắt lấy nước, pha thêm nước cốt chanh, có thể cho them mật ong để hương vị dễ uống hơn.

3. Thực đơn giảm cân cùng trà nghệ mật ong

Nếu bạn thường xuyên bị đau dạ dày thì hãy uống 1 tách trà nghệ mật ong vào mỗi buổi sáng. Bên cạnh đó, loại trà này còn giúp tăng cường chuyển hóa glucose, nhờ đó bổ sung năng lượng cho cả ngày làm việc.

Nguyên liệu:

  • 1 muỗng bột nghệ
  • 1 muỗng hạt tiêu đen
  • 1 muỗng bột gừng
  • 1 muỗng mật ong
  • 1 ly nước cốt dừa

Thực hiện:

  • Pha bột nghệ và gừng với nước sôi, đậy nắp kín trong 5 – 10 phút.
  • Chắt lấy nước, thêm hạt tiêu, mật ong và nước cốt dừa.

Lợi ích:

Giảm cân có chủ ý hay còn gọi là giảm béo tức làm giảm đi tổng khối lượng cơ thể, giảm các mô mỡ, cải thiện tình trạng béo phì thừa nhằm cải thiện sức khỏe thể chất, tăng cường thể lực và ngăn chặn sự phát triển của các loại bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, đau viêm xương khớp, huyết áp,… Giảm cân 1kg trọng lượng cơ thể có liên quan đến việc giảm huyết áp khoảng 1 mm Hg. Nhiều người khác mong muốn đạt mục tiêu giảm béo để dạt được ngoại hình hấp dẫn hơn.

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Nộm - gỏi su hào

 Mùa này su hào vừa rẻ vừa ngon. Dù trời lạnh nhưng món nộm su hào cũng vẫn hấp dẫn các bạn ạ! Chỉ cần một củ su hào và 1 khúc cà rốt, nhúm rau thơm là có ngay dĩa nộm chay. Còn thích mặn thì cho tôm thịt luộc tùy thích nha các bạn.

 

Nguyên liệu

1 củ su hào khoảng 250g

1 khúc cá rốt 50g

1M mè rang

2M đậu phộng rang

ít rau thơm

Nước mắm (chay) chua ngọt

100g tôm 100g thịt luộc

Cách làm

Su hào và cà rốt gọt , rửa sạch, xắt sợi nhỏ, trộn 1M muối để 15 phút. 

Xả nước vài lần cho hết mặn, vắt cho ráo, rồi gỡ tơi su hào, cà rốt ra.

Rưới 1/2 chén nước có pha : 1 giấm + nước cốt chanh + 1 đường + 1/2 muối, để 15 phút cho thấm, vắt ráo.

Trộn su hào + rau thơm xắt. Cho ra dĩa, rắc đậu phộng, mè lên trên. Rưới một phần nước mắm.

Mời các bạn nếm thử món nộm này nhé!

Bichnga


Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Hiện Tượng Mất Trí Nhớ Và Bệnh Alzheimer

 

Hiện Tượng Mất Trí Nhớ Và Bệnh Alzheimer
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

                         

Tình trạng mất trí nhớ (dementia) thường xảy ra cho người già, nhưng không phải mọi người khi già đều mất trí nhớ.


Nhiều người tưởng lầm là sự mất trí nhớ và bệnh Alzheimer cùng là một thứ bệnh, nhưng thật ra không phải như vậy.
Trung bình chỉ có 10% số người trên 65 tuổi bị bệnh Alzheimer, nhưng cho những cụ trên 85, tỷ số là 1/3.

Hiện nay, theo ước tính, có khoảng năm triệu người Mỹ trên 65 tuổi bị bệnh Alzheimer và trên toàn thế giới có khoảng 35.6 triệu người bị mất trí nhớ.
Nói đúng ra, trí nhớ của tất cả mọi người đều không hoàn hảo. Có những dữ kiện chúng ta tưởng là nhớ đúng 100% nhưng trên thực tế theo thời gian, trí nhớ bị phai mờ với những “lỗ hổng”.

Bộ não chúng ta sẽ tìm cách điền vào những “chỗ trống” đó bằng những hư cấu không có thực hay không chính xác.
Vì thế khi chúng ta lớn tuổi, chuyện giảm trí nhớ xảy ra cho tất cả mọi người, nhưng mức độ và tốc độ suy sụp tùy theo bản chất của mỗi cá nhân.
Riêng những người bị Alzheimer, tốc độ suy sụp rất nhanh, có khi trong vòng vài tháng đã thấy sự khác biệt.
Thế thì, những dấu hiệu khác biệt đó là gì?

Hầu hết các sách y khoa đều nói rằng dấu hiệu sớm nhất của bệnh Alzheimer là mất trí nhớ.
Khổ nỗi là sự mất trí nhớ không xảy ra qua đêm trong thời gian đầu nên rất khó mà nhận biết.
Mà nếu có chút lãng trí xảy ra thì thường bị bỏ qua, hay bị người thân phán cho những chữ như “già rồi, lẩm cẩm” là xong câu chuyện.
Một khi sự mất trí nhớ xảy ra có thể nhận thấy được thì thường là quá trễ.

Người có triệu chứng Alzheimer thường bắt đầu lặp lại những câu chuyện hay câu hỏi nhiều lần và bất chợt. Ví dụ, có khi họ đang nói chuyện thời năm 1975, đùng một cái nhảy qua nói chuyện đánh football năm 2015, rồi quay lại thời cụ Diệm bị đảo chánh và vài ngày sau lại nhắc lại những chuyện đó.
Hoặc, họ có vấn đề theo dõi câu chuyện của người khác. Ví dụ người ta đang bàn chuyện đám cưới, người có vấn đề lại “đóng góp” chuyện lính Mỹ đổ bộ ở Normandy!
Nghĩa là, nhớ đâu nói đó, không có thứ tự. Không nên nhầm lẫn với thói quen suy nghĩ của người bệnh. Đa số, thường bị bỏ qua là “lâu nay tánh vẫn thế!”.

Cùng lúc với chuyện lãngtrí, quên chỗ này, chỗ kia, dấu hiệu sớm nhất của bệnh Alzheimer là việc đi đứng không vững và hay té ngã.
Dĩ nhiên là khi người lớn tuổi, hay bị té ngã có thể do nhiều nguyên do khác nhau đưa đến, nhưng không nên bỏ qua mà phán cho câu “già yếu nên như vậy”.
Có người đang ngồi trên ghế vẫn bị té lăn quay xuống đất vì không giữ được thăng bằng, như vậy không phải hoàn toàn là yếu!
Người bị Alzheimer thường có dáng đi như lê lết trên mặt đất như chim cánh cụt.
Họ không nhấc được bàn chân khỏi mặt đất và hai chân thường hay bị quíu, như không biết chân nào phải bước trước và chân nào theo sau.
Có khi họ như lúng túng muốn bước hai chân tới trước cùng một lúc. Đó là lý do tại sao họ dễ bị té.

Ngoài ra, lý do dễ mất thăng bằng, và hay bị té là khả năng nhìn vật thể chung quanh theo định thức không gian 3 chiều không còn chính xác nữa.
Thí dụ cái bàn, cái ghế có thể bị nhìn méo đi, hay khoảng cách ước lượng từ điểm A đến điểm B không còn đúng nữa.

Khoa học vẫn chưa tìm ra gene di truyền gây ra bệnh Alzheimer. Người ta đã tìm khắp bộ DNA của con người và ghi nhận được 33 điểm khả nghi.
Tuy nhiên những người có gene apolipoprotein E (APOE) ở trên nhiễm sắc thể số 19 sẽ có nguy cơ tăng cao. Ngoài ra nguy cơ có thể thay đổi qua sự tương tác giữa gene và môi trường.

Căn nguyên của bệnh Alzheimer là do những vẩy(plaques) chung quanh tế bào não, tương tự như vẩyđóng trong mạch máu.
Khác với vẩy cholesterol trong máu, những vẩy trong não này được tạo thành bởi chất protein.
Những vẩy protein như những chất cách điện, hệ quả là những tín hiệu được truyền đi từ một tế bào thần kinh nầy đến tế bào khác bị ngăn chặn.

Hiện tượng cách ly này không chỉ xảy ra giữa tế bào này với tế bào khác mà còn ở ngay trong tế bào thần kinh, như những chùm tơ nhện, gọi là “tangles of Tau protein”.
Ngoài việc cách ly sóng điện, những vẩy protein còn tiết ra chất độc để hủy diệt tế bào thần kinh, vì thế não bộ dần dần teo nhỏ lại.

Hiện tượng đóng vẩy không xảy ra qua đêm mà kéo dài có khi cả chục năm trước khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Nói cho dễ hiểu, “người thường” không có bệnh Alzheimer cũng bị đóng vẩy trong não chút đỉnh khi… già yếu.
Nhưng đối với người có bệnh, tốc độ suy sụp, đổ dốc sẽ rất nhanh.

Dĩ nhiên, triệu chứng mấu chốt của bệnh mất trí nhớ phải là sự mất khả năng tư duy, khả năng nhớ, nhưng những triệu chứng khác do sự suy yếu của não bộ đưa đến, ví dụ như khả năng nói và vệ sinh cá nhân sẽ xảy ra cùng lúc, chứ không theo thứ tự.
Như thế, sự suy yếu xảy ra một cách toàn bộ, từ trí nhớ, đến suy yếu thị giác và khả năng giữ thăng bằng.

Khi bệnh càng nặng, người bệnh sẽ mất khả năng tư duy, không còn nhận biết người quen, không nhớ những chuyện mới xảy ra gần như tức thì.
Họ sẽ có vấn đề hiểu câu hỏi, sử dụng từ ngữ để diễn tả hay tốn nhiều thì giờ để trả lời một câu hỏi có khi rất đơn giản.
Khuôn mặt như khờ đi, không biểu lộ được cảm xúc.
Họ mất khái niệm về thời gian và không gian.
Tâm tính của người bị mất trí nhớ cũng thay đổi, có khi họ trở nên trầm cảm, cô đơn nhưng có lúc hung dữ, bướng bĩnh vì trong tư duy hạn hẹp, không ai hiểu được họ.

Cuối cùng là mất luôn khả năng vệ sinh cá nhân như tiểu tiện và đại tiện. Người bệnh chỉ nhận biết được một vài người thân săn sóc cho họ.
Khi thiếu những người này, hay khi phải rời xa những môi trường quen thuộc, thường sẽ bị kích động những cơn sợ khủng hoảng tinh thần, gọi là panic attacks, làm cho họ cứng người đi, càng dễ bị té ngã thêm.

Trong phạm vi bài viết này, tôi không đi sâu vào việc chẩn bệnh và thuốc chữa trị. Tuy nhiên, dựa trên những kiến thức cơ bản ở trên, tôi hy vọng bạn đọc có thể phát hiện ra bệnh tình của người thân và đưa họ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nên nhớ tất cả các loại “thuốc chữa” hiện nay không có khả năng chữa dứt bệnh mà chỉ làm cho tốc độ phát triển của bệnh chậm đi.
Và nếu thuốc chữa càng sớm thì phẩm chất đời sống của bệnh nhân cũng như của người thân săn sóc cho bệnh nhân sẽ đỡ khổ hơn nhiều.
Nói chung, mọi người khi lớn tuổi đều có nguy cơ bị mất trí nhớ. Để giảm bớt nguy cơ bị mất trí nhớ, một số biện pháp cần thực thi ngay từ bây giờ:

Trước hết, bạn phải có một chế độ ăn uống cân bằng, điều độ, nhiều rau trái, tập thể dục đều đặn, như đi bộ ba tới năm giờ mỗi tuần, và ngủ đủ tám tiếng mỗi ngày.
Ngủ đêm không đủ thì tranh thủ ngủ ngày! Những người ngủ đầy đủ và có ngủ trưa thường sống lâu và ít bị mất trí nhớ.

1. Học khiêu vũ:

Ta nói nôm na là tập… “nhảy đầm”. Nghiên cứu đăng trên tờ New England Journal of Medicine năm 2003 cho biết khiêu vũ vừa là một môn thể dục thể thao, vừa là một trò chơi đòi hỏi suy nghĩ, tiến thoái trong mỗi bước.
Khi khiêu vũ, lượng máu không những chỉ dồn về bắp thịt mà còn đổ về phía não bộ nhiều hơn vì khiêu vũ đòi hỏi cả thể lực lẫn trí tuệ.

2. Học chơi một thứ nhạc cụ hoặc nghe nhạc:

Nhiều nghiên cứu cho thấy người chơi nhạc cụ trên 10 năm sẽ có trí nhớ tốt hơn một người không chơi nhạc.
Trong trường hợp bạn không có đủ thời giờ hay năng khiếu âm nhạc, nên tập nghe và thưởng thức âm nhạc.

3. Học một ngôn ngữ khác:

Một nghiên cứu đăng trên tờ Neurology năm 2013 cho biết những người nói thông thạo hai thứ tiếng, khả năng bị mất trí nhớ chậm đi bốn năm rưỡi so với người chỉ biết một thứ tiếng.

4. Học đánh cờ hay chơi video game:


Một nghiên cứu của Pháp năm 2013 cho thấy những ai chơi cờ, hay chơi các loại game như bingo, xì lát, poker… (nhưng đừng ghiền quá, và cũng tránh “ngồi computer” hay TV nhiều nhé), khả năng bị mất trí nhớ giảm đi 15%.

5. Đọc sách: 
Đọc sách có hình ảnh "giản dị" càng giúp cho trí óc tưởng tượng nhiu thêm.


Không cần phải đọc nhiều, nhưng khi đọc sách nên bỏ thì giờ suy nghĩ, nghiền ngẫm nội dung của sách, truyện.
Đọc truyện mới lạ có lợi hơn là đọc chuyện cũ đã biết.
Đừng đọc Thiên Long Bát Bộ hay Tam Quốc Chí đến lần thứ 10!

6. Chú tâm làm một việc cho xong, đừng ôm đồm nhiều thứ vô một:

Người chú tâm làm xong một việc ít bị lãng trí hay mất trí nhớ hơn người làm hai ba việc cùng một lúc.
Ví dụ khi ăn thì đừng xem TV! Ngoài ra nên biết dùng thời giờ một cách hữu hiệu.

7. Học đan, may vá, hay làm vườn:

Khảo sát thống kê năm 2013 cho biết những người có những thú vui kể trên, trí óc minh mẫn hơn những người không có “thú vui ” để tiêu khiển.

8. Sống có mục đích:

Sống lạc quan, yêu đời và có giao thiệp với bạn bè người thân làm bớt tình trạng cô độc, sầu muộn.

9. Tập viết (email gi bn bè 😘, ch
ng hạn.)


Viết văn, viết truyện, viết thơ cho bạn bè, viết nhật ký, viết hồi ký… làm giảm khả năng mất trí nhớ về sau.

10. Cuối cùng, tập làm việc nhà:

Những người làm lụng chân tay, làm việc trong nhà ít bị mất trí nhớ hơn người ngồi một chỗ xem TV hay nhìn “bóng câu qua khung cửa sổ”.
Nói chung là phải tích cực “động não”. Tất cả các hoạt động trên đây nên bắt đầu từ hôm nay, bất kỳ ở lứa tuổi nào. Không nên đợi tới 60, 70 mới lo ngăn ngừa mất trí nhớ!