Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Mẹo ngủ trưa khoa học

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh giấc ngủ trưa tuy ngắn nhưng giúp cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng và là giải pháp giúp giảm cân hiệu quả. 
 
Mẹo ngủ trưa khoa học

Nhưng đâu là thời điểm thích hợp trong ngày và lượng thời gian như thế nào là chuẩn để có một giấc thật ngon? Dưới đây là một số mẹo giúp chúng ta sở hữu "chiến thuật" ngủ trưa khoa học.

Thống nhất về thời gian
Ngủ trưa hiệu quả nhất là khi hệ thống sinh học của chúng ta bị chùng. Thời gian hợp lý được đề xuất là từ 12 - 13h. Việc ngủ sớm hoặc trễ hơn có thể gây mất ngủ vào ban đêm.
GS. Michael A. Grandner - chuyên gia về Giấc ngủ và Thần kinh Sinh lý học trường Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ chia sẻ: "Giấc ngủ trưa lý tưởng thường dao động từ 20 - 30 phút. Nếu ngủ nhiều hơn sẽ rơi vào trạng thái ngủ say và có ra cảm giác uể oải, không muốn tiếp tục làm việc sau đó”.
Nên tập cho bản thân và não bộ có thói quen ngủ trưa vào khung giờ cố định.

Tìm và tận hưởng giấc ngủ trưa Nếu là người không thích hay không thể ngủ trưa thì hãy nghĩ đến việc bảo vệ và duy trì sức khỏe bằng giấc ngủ trưa. Nghiên cứu của GS. Michael A. Grandner cũng đã chỉ ra một vài mẹo vặt để tạo cho bản thân cảm giác quen thuộc tại văn phòng:
- Có một chiếc mền hoặc gối êm ái, nhẹ nhàng.
- "Đầu tư” cho giấc ngủ trưa bằng chai xịt phòng hương hoa oải hương dùng để xịt vào gối hay không gian ngủ. Cho dù chúng ta đang ở một nơi khác ngoài phòng ngủ ở nhà, chẳng hạn như phòng làm việc, não bộ khi tiếp xúc với mùi hoa oải hương sẽ có cảm giác muốn "đánh một giấc". Nghiên cứu ở trường đại học Wesleyan, Hoa Kỳ đã chứng minh mùi hoa oải hương sẽ giúp chúng ta có một giấc ngủ ngon hơn.
Nếu đã thử nhiều cách, nhưng vẫn chưa có được giấc ngủ trưa như mong muốn thì nên bình tĩnh. Nếu chúng ta cứ nằm cựa quậy và không thể dừng mọi suy nghĩ, hãy nhẹ nhàng thư giãn thay vì ngồi dậy, tiếp tục mày mò với máy vi tính.
Lời khuyên dành cho lúc này là nên nhắm mắt lại khoảng 20 phút và thả lỏng cơ thể, như thế sẽ giúp cơ thể dễ dàng lấy lại năng lượng.

Hiệu quả của giấc ngủ ngắn

1. Cải thiện trí nhớ
Theo khảo sát từ trường Đại học Northwestern, Hoa Kỳ, những người chơi nhạc có thể chơi lại bài nhạc đã từng biểu diễn gần nhất chính xác hơn nếu họ chơi nhạc sau một giấc ngủ trưa sâu.
Theo nghiên cứu khác từ trường Đại học San Diego bang California, Hoa Kỳ, trí nhớ của người thường dùng thức ăn hay thức uống có chất caffeine sẽ kém hơn nhiều so với những người có giấc ngủ trưa.

2. Giảm stress
Một nghiên cứu ở Nhật Bản kết luận: tạm gác những áp lực trong công việc để tìm đến giấc ngủ ngắn giúp con người trở nên minh mẫn và làm chủ trước áp lực công việc hơn.
Ví dụ thực tế được nêu trong nghiên cứu này: những y tá trực đêm thay phiên nhau để có 2 giấc ngủ ngắn khoảng 15 phút trong ca trực kéo dài 9 tiếng sẽ giảm bớt căng thẳng và áp lực so với những y tá không có chế độ này.

3. Ngủ ít sẽ thấy đói hơn
ThS. Michael J. Breus - tác giả quyển sách Kế hoạch giảm cân chia sẻ: "Nếu chúng ta thường xuyên mất ngủ hoặc thiếu ngủ, nên cố gắng có những giấc ngủ ngắn và sâu để hoàn thiện chu trình ngủ giúp giảm cân".
Nghiên cứu của trường Đại học Chicago và Stanford đã chứng minh, khi con người ngủ ít, lượng leptin giảm (leptin nói cho chúng biết bộ não đã quá đầy) trong khi lượng ghretin tăng (ghrelin mang đến sự thèm ăn). Điều đó nghĩa là con người sẽ cảm thấy đói và nghĩ nhiều đến thức ăn hơn so với người ngủ nhiều.

Theo doanhnhanSaigon

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Bò xào khoai tây

Mình rất thích món này, vì ngon miệng và rất bổ dưỡng. Năm nay khoai và hành tây quá rẻ, nên mình mua nhiều về bỏ dưới gầm... tủ để dành xơi. Mời các bạn xem cách làm món này nhé! 



Nguyên liệu
200g thịt bò philê mềm
300g khoai tây vàng
20g tương cà
50g rau cần tàu
1 trái cà chua
Tỏi băm
Muối, nước mắm, đường, tiêu, dầu ăn
Hạt nêm
Bột ngọt
Xốt mayonnaise

Cách làm
 
Thịt bò philê cắt nhỏ, ướp với 1/2m hạt nêm, 1/2m đường, 1m tỏi băm, 1/4m tiêu và 2M xốt mayonnaise.
Khoai tây cắt làm 6 múi, cho vào tô, rắc vào 1/4m muối, 1/4m bột ngọt, trộn đều, cho thêm 1m nước, bọc vải mùng bên ngoài tô, bỏ vào nồi hấp chín (hoặc cho khoai tây vào lò vi sóng).
Cà chua cắt làm 6 múi giống khoai tây. Rau cần tàu cắt khúc khoảng 4cm.
Lấy khoai tây khỏi nồi hấp (hoặc lò vi sóng). Cho một ít dầu vào chảo, đun nóng, áp chảo nhanh cho phần khoai tây có màu vàng nâu, cho khoai tây ra dĩa.Cho một ít tỏi băm vào chảo, phi vàng; sau đó cho thịt bò vào, đảo đều; rồi cho tiếp cà chua và khoai tây vào, nêm thêm 3M nước, 1M tương cà, 1M xốt mayonnaise, 1m nước mắm, và cho phần rau cần tàu vào cuối cùng. Tắt lửa.
Xếp khoai tây và cà chua quanh dĩa, cho thịt bò vào giữa, trang trí thêm với vài nhánh ngò, dùng nóng.

Theo monngonmoingay

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Cách thắt chiếc ấm ủ bằng giấy


Chiếc ấm ủ ngày xưa dùng để giữ ấm cho bình tích nước trà, chúng được làm bằng vỏ trái dừa, dây nylon , thanh tre, ... Bây giờ chúng ta hãy tận dụng những tờ giấy báo  để làm những chiếc bình này nhé. Dù cho bạn có "ủ" nước hay không thì chiếc bình này cũng có nhiều công dụng lắm đấy!


Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Vịt kho rau củ

Nhà mình ít khi ăn vịt, nhưng thấy món này khá hấp dẫn nên "vác" về giới thiệu. Bạn nào thích xin làm thử! Chúc các bạn ngon miệng với món này!


Nguyên liệu
 
500g đùi vịt (góc tư con)
1M gừng giã nhỏ
100g đậu que 
1/2 củ cà rốt 
100g bắp non 
1 chén dừa tươi 
Ngò rí
Muối, nước mắm, rượu, caramel, dầu điều
Bột ngọt 

Cách làm

Vịt chặt miếng vừa ăn ướp 1m bột ngọt, 1/2m muối, 2M nước mắm, gừng giã, 1M caramel và 1M dầu điều, để thấm.
Đậu que lặt sạch, cắt khúc 3cm, Cà rốt cắt miếng 1.5cm. Bắp non cắt đôi.
Cho vịt lên bếp, xào sơ cho vịt săn lại, sau đó cho nước dừa vào kho lửa nhỏ cho vịt mềm, kho khoảng 15' cho thêm nước và cà rốt vào, sau đó cho đậu que và bắp non. 
Tiếp tục kho đến khi thịt và rau củ mềm, tắt lửa.
Cho ra đĩa, trang trí ít ngò, dùng nóng với cơm.





Theo monngonmoingay

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Đường giả và đường ruột

Những thứ đường giả, đường nhân tạo, đường hóa học mà bạn tiêu thụ hằng ngày trong các loại thực phẩm, thức uống gọi là “diet” không an toàn như bạn nghĩ.
image

Nghiên cứu mới nhất đăng trên báo khoa học Nature hôm tháng rồi cho biết các thứ đường saccharin, aspartame, và sucralose được bán dưới các tương hiệu như “Sweet and Low”, Splenda, Equal, NutraSweet… có thể làm thay đổi cách cơ thể hấp thụ đường thật, tinh bột, đồ ăn dinh dưỡng, qua tác động trên những con vi khuẩn sống trong đường ruột và có thể gây ra hay làm bệnh tiểu đường nặng thêm.
image

Như ta đã biết trong đường ruột con người có hàng tỉ “sinh linh” các con vi khuẩn chung sống hòa bình với chúng ta. Những sinh vật li ti nầy vừa giúp ta tăng cường sức đề kháng, miễn nhiễm mà còn giúp hệ thống ruột hấp thụ được chất dinh dưỡng từ đồ ăn, trong đó có đường hay đa đường có trong tinh bột như cơm, bánh mì, phở hoặc… mì gói.

Bác Sĩ Eran Segal và các cộng sự từ Viện nghiên cứu Weizmann Institute of Science, Israel cho biết khi cho các chú chuột uống nước có pha đường giả, sau 11 tuần, chúng có triệu chứng bệnh tiểu đường so với những con chuột chỉ uống nước lạnh. Các chất đường giả hiệu nầy làm thay đổi DNA của những vi khuẩn tạo ra ảnh nhưởng tai hại cho việc hấp thụ đường thật. Một nhóm nhỏ người tình nguyện cũng được cho uống nước đường giả và kết quả cũng gần y… chang như chuột.

Xuất xứ của các loại đường giả:

image
Đường saccharin được khám phá năm 1879 khi các nhà hóa học làm việc với khói than đá. Một cách tình cờ, một người liếm phải bồ hóng dính trên ngón tay, và thấy ngọt. Chất benzoic sulfimide có trong bồ hóng dính trên ống khói được tinh chế và đặt tên là saccharin. Thật ra đường saccharin đã được sử dụng trong các loại thực phẩm từ 100 năm trước. Lý luận của những thương hiệu có chứa đường saccharin để biện minh cho sự an toàn của loại đường này là sau 100 năm, có thấy ai chết chóc gì đâu? Ở đây nên biết, cấu trúc hóa học của đường saccharin có nguồn gốc giống hệt như chất toluene có trong các sản phẩm làm móng tay.
image
Đường sucralose (Splenda) được khám phá khi các nhà hóa học đi tìm thuốc trị sâu rầy hoành hành trong nông nhiệp, cấu trúc của đường sucralose xuất phát từ đường thật nhưng lại giống như thuốc chuột DDT, là hóa chất hiện nay bị ngăn cấm dùng vì những nguy hại trên môi trường sinh thái.
image

Đường aspartame được khám phá ra năm 1965 khi dược phòng đang tìm thuốc trị loét bao tử. Một người nghiên cứu tò mò liếm thử và thấy ngọt vì thế đường aspartame được thương mại hóa. Có thể so với hai loại đường kể trên, nguồn gốc hóa học của đường aspartame có vẻ hiền nhất vì biến chế từ amino acid có cùng chung nhóm với bột ngọt. Đó là tại sao, bột ngọt lại… ngọt. Tuy nhiên, khi vào trong cơ thể các sản phẩm phụ từ đường aspartame nầy, một phần biến thành formaldehyde (formol, thuốc ướp xác chết, và một số công ty thực phẩm Trung Cộng dùng để giữ đồ ăn cho… lâu hư). Đường aspartame ngoài ra còn làm rối loạn một số hoạt động của hệ thần kinh. So với bột ngọt, đường aspartame độc hại hơn nhiều.
image

Đường stevia là loại đường mới nhất được cho bán trên thương trường. So ra, có thể đây là loại đường an toàn nhất vì đã được sử dụng ở Nam Mỹ trong nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, về cấu trúc hóa học thì loại đường nầy trông giống như các loại hormone. Ngoài ra các thương hiệu chỉ có một phần rất nhỏ đường setvia… thật mà thôi. Sự an toàn về lâu chưa được biết cặn kẽ.

Phản ứng phụ và triệu chứng lâm sàng của các loại đường giả:
image
Tựu trung, các loại đường nầy đều… ngọt hơn đường thật. Vì ngọt nên có thể lừa được con người từ đầu lưỡi đến hệ thần kinh não bộ. Vấn đề ở đây là, cơ thể tưởng lầm là đường thật nên phản ứng như đường thật, khi đụng phải đồ giả, lại sanh ra tai hại. Một vài thí dụ:
1. Khi đường giả vào trong cơ thể, chất insulin bị kích thích tiết ra từ pancreas để đưa “đường” vào trong cơ phận như bắp thịt và não bộ. Hệ quả là lượng đường thật lại bị tụt giảm gây ra tình trạng thiếu đường…thật (hypoglycemia).

2. Đường giả làm cho chất cortisol, hormone tăng trong khi cơ thể bị stress. Như thế cơ thể bị stress vô cớ, làm cho cơ thể chứa mỡ nhiều hơn.

3. Não bộ cần đường thật để sinh hoạt, vì có đường giả cạnh tranh nên lượng đường thật bị ít đi làm cho người ta lờ mờ kém tỉnh táo, nhức đầu, chóng mặt.

4. Đường giả làm thay đổi khả năng dự trữ năng lượng của cơ thể qua việc chứa đa đường glycogen và chất béo.

5. Đường giả làm cho người ta thèm ăn hơn, và mau mập hơn.

Tác dụng về lâu về dài của các loại đường giả
image

Mặc dù có nhiều nghiên cứu hay phàn nàn về sự độc hại của đường giả, cơ quan FDA của Hoa Kỳ vẫn cho sử dụng các loại đường giả nầy trong khi nhiều nước Âu Châu đã tẩy chay vì FDA cho rằng không có đủ bằng chứng để chứng minh sự tác hại của chúng vì các nghiên cứu quá nhỏ. Tuy nhiên, xin lưu ý ở đây là, muốn có những nghiên cứu lớn, đại quy mô thì vấn đề đầu tiên là… tiền đâu? Chỉ những công ty tầm cỡ như Coca Cola hay Mc Donald mới có tiền mà tài trợ cho các nghiên cứu, mà nếu có cho tiền, thì chỉ khi nào nghiên cứu ấy có kết quả… xuôi tai thì mới có tiền mà thôi.

Khi tôi còn là bác sĩ thực tập nội trú, có một bác sĩ đàn anh mà tôi cho là khùng, khi mỗi lần nhập bệnh bị ung thư gan, ruột, hay pancreas, ông nhắc tôi: “Tao chắc với mày họ có uống diet soda kinh niên”. Dĩ nhiên khi lập hồ sơ bệnh lý cho những bệnh nhân ung thư nầy gần như 100% đều thú nhận có uống diet soda, nhưng lúc ấy tôi cho là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Sau hơn 30 năm, tôi nghi là người bác sĩ đàn anh có thể đúng, và, đã từ lâu, lâu lắm tôi chỉ uống nước… lạnh!

ST

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Tác hại của dùng nhiều đường ngọt

Nhiều bác sĩ đã từ lâu cảnh báo về tình trạng “ghiền đường” mà vị ngọt của đường là một loại ma túy nguy hiểm có thể giết người trong thầm lặng.
image
Trong một bài viết trước đây về hội chứng “Mỡ, Đường, Máu”, BS. Minh có cho độc giả một câu hỏi để suy gẫm: “Giữa một lon Coke và một quả trứng gà, cái nào nguy hiểm cho tim mạch hơn?” Hôm nay chúng ta đã có một câu trả lời xác đáng dựa trên nghiên cứu mới nhất đăng trên báo Y Khoa của Hội Y Sĩ Hoa Kỳ (JAMA) tháng 2/2014, sau quá trình theo dõi 40,000 bệnh nhân: “Trứng gà không gây ra đột quỵ tim mà thủ phạm chính là đường”!
 
image

Sự “ghiền đường” dường như đã được in đậm vào trong DNA của loài người chúng ta từ hằng chục ngàn năm qua, cộng thêm với những ảnh hưởng của xã hội làm cho ta khó thấy sự tác hại của bệnh ghiền này, vì lẽ, mọi người, không ít thì nhiều đều bị…nghiện đường.

Có bao nhiêu loại đường?
image

Đường là danh từ chung để chỉ một loại nhu yếu phẩm cần cho con người. Trên thực tế, tất cả loại cây cỏ, thảo mộc đều có chứa đường dưới nhiều thể loại khác nhau. Thí dụ như cây lúa chẳng hạn, từ hột lúa, rễ cây lúa, lá lúa đến thân cây lúa, đều có đường trong đó. Tuy nhiên những loại đường có trong thân cây, lá cây v.v… so với các loài như trâu, bò ngựa…có thể hấp thụ được, cơ thể chúng ta lại chịu thua. Để đơn giản hóa vấn đề, đối với con người, có 3 loại đơn đường chính có thể hấp thụ được: Glucose, Fructose (có nhiều trong trái cây), và Galactose (có nhiều trong sữa). Đường cát đa phần được kết tinh từ nước mía chứa một loại đường đôi gọi là saccharose, được kết hợp từ đường glucose và fructose.

Đường phèn, đường cát, đường đen, đường nâu, đường bông gòn, …tất cả đều được biến chế từ đường mía mà ra.

Cần bao nhiêu đường thì đủ?
image

Cơ thể con người chỉ cần khoảng 5% đến 7% tổng số lượng calories trung bình đến từ đường mỗi ngày, tức là khoảng 2 hay 3 muỗng cà phê đường. Trên thực tế chúng ta tiêu thụ đến mức 25% calories do đường cung cấp mỗi ngày. Nghiên cứu trên đây cho biết, khả năng bị đột quỵ tim tăng gấp đôi nếu chúng ta tiêu thụ 20% tổng số calories đến từ đường, nhưng tăng gấp 4 lần nếu dùng trên 25% năng lượng đến từ bất kể loại đường nào!

Từ khoảng năm 1970, để cạnh tranh kinh tế và duy trì lợi nhuận cho ngành nông nghiệp Mỹ, chính phủ Mỹ đã tăng thuế nhập cảng đường mía từ các nước khác, và tăng cường sản xuất một loại đường đặc chế từ hạt bắp gọi là “đường sy-rô nồng độ cao từ bắp” (High Fructose Corn Syrup, HFCS). Loại đường HFCS nầy về thành phần hóa học thì hơi giống như đường mía, nhưng ngọt hơn và dễ thấm nhanh vào máu hơn. Có người cho là vì hai tính chất này mà HFCS độc hơn đường mía, vì dễ ghiền và mau “phê” hơn là đường mía. Trên thực tế cả hai thứ đều là “bad guys” (kẻ xấu) hết.
image
Chỉ vì chính phủ Mỹ cố tình làm cho đường HFCS rẻ hơn nên kỹ nghệ biến chế thức ăn tha hồ tưới, nhét, trộn đường HFCS vào đồ ăn. Bạn có để ý là nước ngọt Coca Cola ở Mỹ mùi vị hơi khác hơn ở các nước khác không? Sự khác biệt là do mùi vị khác nhau của đường HFCS và đường mía. Nói đến Coca Cola, chỉ ½ lon soda có thể làm tăng tỉ số bị đột quỵ tim lên đến 30%. Bạn có biết là một muỗng tương cà chua Heinz có nhiều đường hơn là một cái bánh quy Oreo không? Hoặc, một hũ da-ua (fruit yogurt) có nhiều đường hơn là một lon Coke? Hay trong một tô cereal buổi sáng, 75% calories đến từ đường? Ngay cả nước trái cây “bổ dưỡng” fruit juice, nước uống “tăng cường năng lực”, nước uống antioxidant, cà phê Starbucks v.v… hãy thử đoán có bao nhiêu đường trong đó?

Tại sao đường gây ra tai hại?

Khi bạn mới uống hay ăn thức ăn có đường vào cơ thể đa phần bạn sẽ có cảm giác thoải mái, dễ chịu. Thứ nhất vì trên thực tế cơ thể chúng ta cần một số ít đường để sống. Lượng đường nầy thấm vào các tế bào, cung cấp năng lượng cấp thời làm cho ta… thấy khỏe.

Thứ nhì có thể vì yếu tố tâm lý của đa số bệnh ghiền, vì từ thuở nhỏ chúng ta đã quen với vị ngọt của đường, nhất là những khi bé khóc là bố mẹ dúi cho một cục kẹo hay một cây cà rem. Vì thế bây giờ khi bị “stress” chúng ta dễ đi tìm niềm an ủi với vị ngọt của đường.
image

Sau khi cảm giác “phê” qua đi, chúng ta sẽ thấy cơ thể nặng nề vì những lượng đường dư thừa sẽ tạo gánh nặng cho cơ thể. Lá gan và pancreas cần phải “giải độc” khối lượng đường phụ trội này bằng cách chế biến và chứa vào mỡ đặc (triglycerides) làm cho ta béo phì ra, hay làm tăng mỡ lỏng (cholesterol, LDL) làm cho tim, mạch máu bị nghẽn. Ngoài ra, các tế bào bị ngâm trong đường sẽ biến thành… mứt quất (mứt tắc), để cân bằng nồng độ hai bên, nước từ bên trong tế bào sẽ rút ra máu, làm khô nước bên trong và dễ chết (Bạn dã đọc bài “Yêu Nước” chưa?). Càng ngâm trong đường càng lâu các tế bào sẽ có hiệu ứng giống như bị “thắng đường” khi các bà làm nước màu kho cá!. Màng tế bào của bạn sẽ giống như con tôm kho khô vậy đó. Cuối cùng lá gan cũng đầu hàng, sanh ra bệnh tiểu đường. Vòng tròn tử vong tiếp tục xoáy tròn kéo mình vào vực sâu của đáy huyệt một cách nhanh chóng.

Làm thế nào để bớt ghiền đường?
image
1. Không nên ăn đường giả (sugar substitute, diet gugar)! Đường thật mà còn có hại huống chi đường giả! Đường giả đa phần có cấu trúc giống như đường có trong... lá cây, rễ cây v.v…để lừa cơ thể chúng ta mà thôi. Tuy không làm tăng calorie vì không tiêu được nhưng vẫn có những tác hại tương tự như đường thật.
image
2. Nên để ý hàm lượng đường trong tất cả các loại thức ăn. Tốt hơn hết là không ăn đồ ăn đã chế biến mà chỉ ăn đồ ăn tươi do chính mình nấu nướng lấy.

3. Ăn ít , ăn cân bằng và biết lựa chọn. Thí dụ không ai cấm bạn ăn một quả chuối mỗi ngày, miễn đừng ăn luôn cả nải chuối. Giữa một quả cam và một ly nước cam thì nên chọn…?

4. Ăn chậm, nhai chậm lại để tận hưởng vị ngọt của thức ăn. Tôi bảo đảm với bạn sau khi bạn nhai một miếng dưa chuột thật kỹ, thật lâu bạn sẽ thấy vị ngọt của nó không thua gì một múi cam. Mà có nhai một múi cam, thì cũng nên bỏ thì giờ mà tận hưởng hương vị của nó. Nên nhớ ngoài vị ngọt còn có những vị khác nữa.

5. Tập thể dục, thể thao mỗi ngày. Đi bộ tối thiểu 15 phút trước hay ngay sau khi ăn, hoặc cả hai càng tốt. Đi bộ sẽ làm cho các tế bào mở rộng cửa để cho đường thấm nhanh vào bên trong, giảm bớt nồng độ đường ngoài mạch máu.
image
Hôm nay nên là bắt đầu mới cho mọi người. Chúc bạn đọc khỏe, vui vẻ vì bớt… “nghiện đường”.
ST

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Hương vị Viêt 30: Xôi vò - Chè bà cốt

Món ăn thanh tao của người Hà Nội phải kể đến món chè bà cốt với xôi vò. Cách nấu cũng dung dị đậm chất chân quê bởi những hạt nếp hạt đậu quê hương Việt.


Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Hủ tiếu mực


Mùa này tuy biển động nhưng mực nhiều mà rẻ. Nấu hủ tiếu mực vừa giảm bớt thịt đỏ, mà vẫn bổ dưỡng sẽ đem lại bữa sáng hoàn hảo cho cả nhà. 





Ảnh minh họa

Nguyên liệu
400g hủ tiếu
300g mực tươi
100g thịt băm
50g tôm khô
2 củ cà rốt; 50g nấm đông cô; 1 củ hành tây vừa.
1 củ tỏi, 2 củ hành tím
Hành, ngò, rau xà lách, cần tây, giá
Muối, tiêu, đường, bột nêm, nước mắm, bột ngọt

Cách làm:

 Hành lá, rau mùi rửa sạch, thái nhỏ. Rau xà lách, cần tây, giá rửa sạch.
Ướp thịt băm với chút bột nêm + tiêu
Cà rốt bào vỏ, rửa sạch, thái khoanh. Nấm cắt chân, chẻ đôi, ngâm nước muối loãng 10 phút rồi rửa lại bằng nước sạch, vớt ra để ráo.
Tỏi, hành tím bóc vỏ, rửa sạch, băm nhỏ, phi thơm múc bớt ra.  Cho tôm khô vào rang sơ cho thơm. 
Cho tôm khô, hành tây,1/2 thìa cà phê muối cùng 2 lít nước vào nồi nấu nước dùng.
Cho cà rốt, nấm vào nồi nước dùng 10 phút trước khi ăn.
Múc 1 vá nước dùng đổ vào thịt băm khuấy cho tơi. Khi nước sôi hạ lửa riu riu.
Nêm nước dùng vừa ăn với bột nêm+ đường và nước mắm.

Hủ tiếu chần qua nước sôi, đến khi đạt độ mềm vừa ăn thì đổ ra rổ, xóc qua bằng nước lọc rồi cho 1 thìa dầu ăn lên trên, dùng đũa xóc đều đến khi hủ tiếu ráo nước. Sắp hủ tiếu vào 4 tô.
Mực làm sạch, cắt miếng vừa ăn. Khi ăn chần mực khoảng 1-2 phút trong nồi nước dùng, mực chín tới thì vớt ra xếp trên hủ tiếu.
Rắc hành mùi, tỏi phi, mì chính và tiêu xay trên cùng rồi chan nước dùng là có thể thưởng thức.
Sợi hủ tiếu dai mềm, những khoanh mực tươi trắng như hoa bưởi, nước dùng ngon ngọt tự nhiên từ tôm khô và rau củ cùng hương thơm không thể cưỡng từ...Chúc gia đình bạn có một bữa sáng thật đầm ấm!


Theo XL

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

4 cách giảm cân không cần ăn kiêng

Có nhiều người để giảm cân phải ăn kiêng khắc khổ, tập luyện quá mức dẫn đến suy nhược cơ thể, tiền mất tật mang. Dưới đây là một số mẹo để bạn duy trì chế độ ăn uống lành mạnh như bình thường mà không lo tăng cân, theo trang tin Health.

Phát hiện mới về giảm cân bằng thực phẩmChế độ ăn nhiều rau củ tốt cho sức khỏe - Ảnh: Shutterstock
1. Trình bày món rau thật đẹp mắt 
Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) đã làm thử nghiệm lên ba nhóm người: nhóm thứ nhất sẽ ăn những món rau trộn được trang trí bắt mắt, nhóm thứ hai thì rau trộn được xếp thành từng hàng và nhóm thứ ba rau trộn được chất đống. Tất cả các món đều có thành phần, cách làm và gia vị như nhau nhưng món rau trộn trình bày bắt mắt được nhiều người ưa thích hơn cả. Nhiều người thừa nhận rằng họ sẵn sàng bỏ ra gấp đôi tiền để mua món rau trộn được trang trí đẹp và cuốn hút. Chúng ta không chỉ thưởng thức đồ ăn bằng dạ dày mà còn bằng mắt, vậy nên ngoài việc lựa chọn những món ăn tốt cho sức khỏe thì hãy cố gắng trình bày chúng thật hấp dẫn nữa!
2. Ăn nhẹ trước khi đi mua sắm
Theo một nghiên cứu hồi năm 2013 của Đại học Cornell (Mỹ), việc nhịn đói trước khi đi mua sắm sẽ ảnh hưởng chế độ ăn uống giảm cân của bạn. Những người tham gia thử nghiệm được yêu cầu nhịn ăn trong vòng 5 giờ và sau đó được vào siêu thị để mua đồ ăn. Những người này mua lượng thức ăn nhiều hơn bình thường 18,6%, trong đó những món nhiều calo như khoai tây chiên, kem… nhiều hơn đến 44,8% . Một nghiên cứu tương tự được tiến hành trên những người vừa mới ăn trưa xong. So với những người nhịn đói trước khi mua sắm, những người này mua lượng thức ăn ít hơn 25% và mua những món ít calo như rau. Do vậy trước khi đi mua sắm, để tốt cho chế độ ăn giảm cân, bạn nên ăn nhẹ.
3. Tắm nắng
Thời điểm, cường độ và thời gian tiếp xúc với ánh nắng trong một ngày sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cân nặng của bạn. Một nghiên cứu của Đại học Northwestern cho thấy những người tiếp xúc ánh nắng mặt trời với mức độ vừa phải vào buổi sáng sẽ có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) thấp hơn. Trên thực tế, thời điểm tiếp xúc ánh nắng càng trễ thì chỉ số BMI sẽ càng cao và ngược lại. Những con số này không liên quan đến chế độ luyện tập cá nhân, lượng calo hấp thụ, thời gian ngủ và tuổi tác. Các nhà nghiên cứu cho rằng ánh nắng có ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể, quá trình trao đổi chất và trọng lượng. Vì vậy nên dành từ 20 đến 30 phút mỗi ngày tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng 8 sáng. 
4. Tập trung khi ăn uống
Nếu bạn vừa ăn vừa lướt web, bạn sẽ tiêu thụ lượng calo nhiều hơn so với khi chỉ tập trung ngồi ăn. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí dinh dưỡng lâm sàng của Mỹ, những người vừa ăn vừa chơi game sẽ lâu cảm thấy no và nhanh đói hơn những người bình thường. Vì vậy, để giữ một vóc dáng cân đối, trong khi ăn hãy cố gắng chỉ tập trung vào việc ăn và đừng làm việc khác.
Theo TNO

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Quả bơ có thể giúp trị bệnh bạch cầu

Các nhà khoa học tại Đại học Waterloo (Canada) phát hiện quả bơ có thể giúp đánh bại bệnh bạch cầu gây chết người.

Quả bơ có thể giúp trị bệnh bạch cầu
Quả bơ chứa hợp chất có thể giúp chống bệnh ung thư bạch cầu - Ảnh: Shutterstock
Giáo sư Paul Spagnuolo thuộc Đại học Waterloo nhận ra rằng một loại lipid trong quả bơ có thể giúp chống bệnh bạch cầu nguyên bào tủy cấp (AML) bằng cách nhắm vào gốc rễ của bệnh, tức tế bào gốc ung thư bạch cầu.
Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia điều chế một loại thuốc từ hợp chất có trong quả bơ gọi là avocatin B có thể tấn công bệnh bạch cầu nguyên bào tủy cấp ngay từ gốc rễ của bệnh.
Sau nhiều lần thí nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng avocatin B nhắm tiêu diệt các tế bào gốc gây bệnh AML song không gây hại các tế bào khỏe mạnh.
AML là một dạng của ung thư bạch cầu cấp tính, được chứng minh gây tử vong trong vòng 5 năm đối với 90% người có tuổi trên 65 tuổi. Trên thế giới hiện có rất ít thuốc điều trị có sẵn cho bệnh nhân có tác dụng nhắm thẳng vào các tế bào gốc ung thư bạch cầu, theo hãng tin ANI.
Công trình nghiên cứu này được công bố trên chuyên san Cancer Research.

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Cuộn tóc cao sang trọng

Mẫu tóc đẹp mắt và khá sang trọng này lại được thực hiện vô cùng dễ dàng:
buộc tóc đuôi ngựa, tách đôi và cuộn 1 vòng tóc ra phía sau.
 

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Lịch sử ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau là một trong những ngày Tết truyền thống tại Việt Nam, Triều Tiên, Trung Quốc.

Tết Đoan Ngọ, ngày của sự tri ân
Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng Năm là một trong những ngày lễ tưởng nhớ tới tổ tiên do đó trong số các vật phẩm dâng cúng không thể thiếu bánh tổ (tổ tiên). Đặc biệt, đây còn là ngày lễ thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam, đó là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ.
nguon-goc-tet-doan-ngo

Ăn rượu nếp và các loại quả có vị chua, chát để cho bệnh tật tiêu trừ, trùng độc, sâu bọ sẽ chết…
Nếu như mồng 7 tháng Giêng là ngày tế mẫu với câu ca: “Mồng Bảy trong tiết tháng Giêng/Dân hiền tế lễ trống chiêng vang trời/ Anh em Bách Việt ta ơi/ Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường/ Ấy ngày hội tế Mẫu Vương/ Người sinh nòi giống Nam phương đó mà” thì cứ đến gần ngày mồng 5 tháng Năm dân gian lại nhắc nhau bằng câu ca dao: “Tháng Năm nhớ Tết Đoan Dương/ Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”. Tết Đoan Ngọ còn là ngày lễ thể hiện tính nhân văn giữa người với người, sự biết ơn của con cháu với ông bà, cha mẹ, người bệnh với thày thuốc, học trò với thày giáo nên có tục học trò đi tết thày, con rể đi tết bố mẹ vợ… Trong dân gian có câu ca dao rằng: “Mồng 5 ngày Tết không đáo đến cửa nhà thờ/ Còn hiếu trung chi nữa mà chờ rể, con”.
Dân gian còn cho rằng vào ngày này, các loài rắn đều lẩn trốn đi hết nên mới có câu thành ngữ “len lét như rắn mồng 5”.
 
Vì sao Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết giết sâu bọ?
Với người Việt, Tết Đoan Ngọ là thời điểm giữa năm, thời tiết chuyển mùa nên dễ sinh bệnh dịch, do đó có các nghi thức trừ tà, tránh bệnh như tắm nước lá mùi, treo cây ngải cứu trừ ma quỷ, đeo “bùa tui bùa túi”, nhuộm móng tay, móng chân rồi uống các nước giải độc (nấu từ lá ích mẫu, vối, cối xay, gừng…), uống rượu xương bồ, ăn rượu nếp và các loại quả có vị chua, chát để cho bệnh tật tiêu trừ, trùng độc, sâu bọ sẽ chết… Cho nên tết này còn gọi là Tết giết sâu bọ, là một nghi thức nhằm cân bằng âm dương.
Một số nghi thức trong Tết Đoan Ngọ của người Việt cũng mang dấu ấn của văn hóa nông nghiệp, có thể thấy qua một số tục lệ như tục khảo cây lấy quả được tiến hành đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa). Một người leo lên cây, một người đứng dưới gốc cầm dao tra hỏi tại sao cây ra ít quả (hoặc không ra quả), nếu cứ như vậy sẽ bị chặt hạ. Người trên cây giả giọng van xin, hứa trong mùa tới sẽ ra thật nhiều quả. Sau đó người ở dưới hỏi số lượng quả mà cây sẽ sinh trưởng, người phía trên đại diện cho cây trả lời nhiều hay ít tùy theo loại cây và ước vọng của người trồng…


Đoan Ngọ là tết Ta hay Trung Quốc? Cho đến nay nhiều người vẫn nhầm lẫn Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Quốc và xuất phát từ việc tưởng nhớ đến cái chết của Khuất Nguyên – một vị quan của nước Sở cách đây hơn 2.000 năm. Chính vì thế mà nhà thơ trào phúng Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ) từng viết rằng: “Cái cụ Khuất bên Tàu/ Chết từ hồi tam tổ/ Có quan hệ gì ta/ Mà sao phải ăn giỗ/ Mồng 5 khỏe ăn càn/ Mồng 6 ốm nhăn nhó/ Có lỡ chết bỏ đời/ Thì lại cho tại số”.
Ngay người Trung Quốc đến nay vẫn chưa thống nhất trong việc giải thích nguồn gốc của ngày tết này, có người cho rằng một số lễ tết của Trung Quốc như mồng 2/2 âm lịch (Lễ Đầu Rồng), mồng 5/5 (Tết Đoan Ngọ)… liên quan đến sự sùng bái thiên văn thời nguyên thủy. Cụ thể là chòm sao Thương long, vào ngày hạ chí mọc ở chính nam (thuộc dương vị) nên có tục tế Thương long, đây là phát khởi của Tết Đoan Ngọ.
Theo sách Các ngày lễ tết và sự bắt nguồn của các ngày lễ tết ở Trung Quốc cho biết, trước thời Tần, Hán thì ngày Tết Đoan Ngọ không cố định vào ngày mồng 5/5 mà vào ngày hạ chí, ngày dương khí cực thịnh nên còn được gọi là Tết Đoan Dương…
Thực ra Tết Đoan Ngọ có từ trước khi xảy ra câu chuyện của Khuất Nguyên, và xuất phát từ văn hóa của cộng đồng người Bách Việt cổ mà người Lạc Việt, tổ tiên của chúng ta là một bộ phận cấu thành của cộng đồng đó.


Chúng ta có thể thấy được điều này từ chính tên gọi của Tết Đoan Ngọ. “Đoan” nghĩa là “nhất”, “Ngọ” được hiểu giữa trưa vì thế Tết Đoan Ngọ thường được cử hành vào giữa trưa. Nếu theo thuyết âm dương ngũ hành thì nước ta nằm ở phương Nam, vùng đất nóng nên “Ngọ” được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa và trong một ngày thì dương khí cao nhất là giờ Ngọ (thời điểm giữa ngày); trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). Trong một năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng giữa năm, tức tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ, đây chính là thời điểm giữa năm vì thế trong dân gian nó còn được gọi là Tết giữa năm.
Điều thú vị là nếu xét theo âm lịch mà Việt Nam, Trung Quốc… vẫn đang sử dụng như hiện nay thì giữa năm phải là một ngày của tháng 6 âm lịch chứ không thể ngày là ngày mồng 5 tháng 5 được. Vì vậy nguồn gốc của ngày giữa năm mồng 5 tháng Năm chính là theo một loại lịch cổ của người Bách Việt được xây dựng trên cơ sở văn hóa nông nghiệp.


Điều này hiện vẫn để lại một số dấu tích như qua cách gọi tên tháng (Một, Chạp, Giêng, Hai…), hay những từ chỉ ngày đầu tháng là “mồng” (mồng một, mồng hai…), ngày giữa tháng là “rằm” (gần âm với ngôn ngữ một số dân tộc như “ranam” (tiếng Chăm), “sạc klam” (Khmer), “Klam” (Bana)… đều chỉ ngày có đêm trăng sáng nhất).
Lịch cổ của người Bách Việt còn thể hiện qua cách gọi bằng hệ đếm can chi. Trái với những suy nghĩ quen thuộc cho rằng hệ can chi có nguồn gốc từ Trung Quốc, nó lại có nguồn gốc từ phương nam nông nghiệp. Tên gọi các con vật (hệ chi) trong tiếng Hán chỉ là từ phiên âm của những từ trong nền văn hóa phương nam.
Ví dụ trong tiếng Chứt, tiếng Mường (những ngôn ngữ gần với tiếng Việt nhất) “sửu” được gọi là “klưu”, “tlưu”… Nếu một ngày được bắt đầu từ giờ Tý (từ 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng) là thời điểm lạnh nhất và đến giờ Ngọ (giữa ngày) là thời điểm nóng nhất thì theo lịch cổ của người Bách Việt một năm bắt đầu từ tháng Tý (tháng lạnh nhất) và đến giữa năm là tháng Ngọ (tháng nóng nhất). Nóng là thuộc về dương nên Tết Đoan Ngọ được gọi là Đoan Dương (tết cực nóng). Tháng Tý được nhắc đến ở trên là ứng vào tháng 11 theo âm lịch mà chúng ta hiện nay đang sử dụng. Nhưng nếu theo cách tính loại lịch của người Bách Việt thì tháng này gọi là tháng Một, tháng 12 âm lịch gọi là tháng Chạp, tháng 1 âm lịch gọi là tháng Giêng… Cách gọi này của người Việt cổ vẫn còn được sử dụng trong dân gian và theo cách tính của loại lịch này thì ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5/5 mới đúng là ngày giữa năm, ngày nóng nhất trong năm.


Nếu theo cách tính của âm lịch mà chúng ta và một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… đang dùng hiện nay thì tháng đầu năm là tháng Dần (tháng 1 âm lịch). Như vậy đến giữa năm phải là tháng Mùi (tháng 6 âm lịch) chứ không phải là tháng Ngọ như lịch của người Bách Việt. Do đó nói Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ văn minh Bách Việt mới chính xác.
Cách tính năm theo lịch cổ của người Bách Việt còn lưu lại dấu vết ít nhiều cho đến thời kỳ sau này. Ví dụ theo sách Đại Nam nhất thống chí thì đến đầu thế kỷ XIX người dân ở Bất Bạt (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội), Mỹ Lương (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội) “hàng năm lấy tháng 11 làm tháng đầu năm, hằng tháng lấy ngày mồng 2 làm ngày đầu tháng, gọi là tháng lui, ngày tiến”.
Một số dân tộc ít người cũng theo cách tích lịch cổ xưa, như theo lịch của đồng bào Khơ Mú, năm mới bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, sớm hơn năm mới của người Việt 2 tháng… Đó chính là những dấu vết còn lại của hệ thống lịch của cộng đồng người Bách Việt.
Có theo cách tính này thì mới có thể thấy rõ được nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ, Tết giữa năm, Tết nóng nhất…

Nguồn: Internet

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Gà rô ti với rau củ



Hôm nay mình giới thiệu với các bạn một cách rôti gà cùng rau củ quả. Vẫn cách cơ bản là xát muối tiêu, quay cùng với một số rau củ khác làm cho món ăn thêm hấp dẫn và mùi vị cũng  khác biệt hơn. 
Nguyên liệu

1con gà mổ moi, bỏ lòng và chân khoảng 2kg
1,5 m muối tiêu
3 củ khoai tây lớn, bỏ vỏ, cắt miếng 2cm
1 củ hành tây lớn cắt 2cm
1 cây boarô cắt khúc 2cm
250g cà chua baby
1M dầu olive

Cách làm
Bật lò nóng 425'F hay 220'C
Gà làm sạch, dùng khăn giấy thấm cho thật ráo nước. Xát muối tiêu khắp con gà cả trong lẫn ngoài.
Trộn các loại rau củ chung với nhau cùng với gia vị muối tiêu và dầu olive cho đều.
Bỏ rau củ xuống dưới khay nướng dàn đều. Sau đó bỏ con gà lên trên, ngay chính giữa.
Roti cho đến khi chính giữa của con gà rám vàng, và nước rau vừa cạn là xong.
Thời gian khoảng 75 phút (con gà 2kg).

 Theo allrecipes

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Cách đan giỏ bằng giấy báo

Giấy báo nhiều màu sắc ngày nay rất nhiều. Hãy tận dụng những tờ báo này một cách hữu ích bằng cách đan thành những dụng cụ gia đình. Bắt đầu bằng chiếc rổ be bé, xinh xinh các bạn nhá! 


Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Hương vị Việt 29 : Mèn mén - bắp xay hấp Lào Cai

Món Mèn mén được ăn thay cơm gạo ngày xưa của người dân tộc vùng cao phía bắc vào thời kỳ thóc cao gạo kém. Ngày nay lúa gạo đầy bồ, món này đã trở thành món quà vặt vùng quê mà thôi. Mời các bạn cùng xem cách chế biến món này nhé! 


Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Canh khổ qua cá lóc

"Đi lòng vòng" tìm gì nấu ăn cho mát, thấy tô canh này hợp nhãn nên mình giời thiệu với các bạn đây! 


Nguyên liệu

1 con cá lóc 350g
2 trái khổ qua vừa phải
Một nhúm hành ngò
muối, tiêu, đường, hạt nêm, dầu, tỏi băm, ớt


Cách làm

Lựa khổ qua nở gai, bỏ hột, rửa sạch, bào mỏng theo bề ngang trái.
Cá lóc làm sạch, móc bỏ máu tanh ở dưới họng cá và sống lưng. Rọc nhẹ hai bên sống lưng cá cho mau chín và dễ gỡ xương.
Nấu sôi 1,5 lít nước với 2 củ hành đập dập + 1m bột nêm, cho cá vào luộc chín . 
Vớt cá ra gỡ lấy thịt, xóc với 1m dầu phi tỏi và 1m hạt nêm, 1/4m tiêu. 
Phần xương cá đập dập, cho vào nấu tiếp 10 phút trên lửa riu riu cho ra nước ngọt.
Lọc lại nước dùng cá, bỏ xương. Nêm 1/2 m muối, 1/2 m đường, 1 m nước mắm vào nước dùng, nấu sôi lại.
Cho khổ qua vào, hớt bọt, cho tiếp cá vào, nêm lại vừa ăn. 
Múc canh ra tô, rắc hành ngò, tiêu lên mặt Thích thì cho thêm vài lát ớt.
Thế là ta có tô canh khổ qua cá lóc mát lòng rồi nha!

Theo XL

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Kiểu tóc xoắn cao mùa hè

Kiểu tóc búi xoắn đơn giản, chỉ bằng cách buộc 2 phần tóc lại với nhau và cố định bằng ghim cài.
 



ST

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Tỉa hoa bằng cải thìa

Nếu chẳng may không tìm được cà rốt, của cải, củ dền tỉa hoa, sẵn có mấy cây cải thìa bạn hãy nhanh chóng biến chúng thành những bông hoa xinh xinh cho bàn tiệc của mình nhé!

Chỉ cần một nhát dao thật bén, cắt ngang thân cải (từ gốc lên 3 - 3,5cm). Thế là xong!


Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Nem nướng - Nem lụi

Món nem này rất quen thuộc với hầu hết mọi người hay ... ăn hàng quán và các bà nội trợ đảm đang. Tuy nhiên sau nhiều năm học hỏi mình thấy công thức này khá hoàn chỉnh nên mang về đây. Cùng xem nhé các bạn


Nguyên liệu

1 kg thịt nạc đùi
300g tôm thẻ
200g mỡ miếng
500g bánh hỏi
50g tương bắc
50g bơ đậu phộng
bánh tráng
đồ chua 
đậu phọng
nước dừa tươi
rau sống các loại, dưa leo, giá, ớt, hành tím, hành lá
tiêu, đường, bột ngọt, nước mắm, bột bắp, mỡ nước / dầu ăn

Cách làm

Ngâm que xiên vào nước trước 2 giờ (nếu xài que tre).
Mỡ heo, luộc chín, xắt hạt lựu nhỏ, ướp 1m đường + 1/4m muối đem phơi nắng cho trong.
Nấu 3M dầu cho sôi, đổ vào chén hành lá xắt nhỏ. 
Ớt băm nhỏ. Đậu phọng ran, bóc vỏ giã sơ sơ.
Thịt nạc rửa sạch bằng nước dừa, xắt lát mỏng đem quết với 1m muối + 1m đường +1 m bột nêm + 1 m nước mắm + 1/3 m tiêu + 1/2 m bột ngọt + 3 m rượu trắng + 2M hành băm (ướp 15 phút). 
Trong quá trình quết cho thêm 2 m mỡ nước. Chỉ quết cho hỗn hợp dẻo quánh, không giã nát như làm giò sống.
Tôm lột vỏ, bỏ đầu và gạch, chà muối cho tôm trắng, rửa lại bằng nuớc dừa, lau khô tôm, đem quết tôm cho nhuyễn, cho vài tép tỏi vào quết cho tôm được thơm, nêm 1/4 m tiêu + 1/2m muối  (+ bột ngọt vừa ăn)
Sau khi quết xong, trộn mỡ hột lựu + tôm quết vào cho đều, vo viên cỡ trái tắc. Dùng que xiên nướng vàng.
Pha tương: phi tỏi thơm cho tương bắc vào +  1/2 chén nước (dừa) nấu sôi, cho tương đậu phọng vào, nêm đường cho vừa ăn (nếu muốn sánh thêm bột bắp).
Món nem nướng có thể ăn với bún hay cuốn bánh tráng với bánh hỏi đều ngon.
Nước chấm có thể dùng mắm chua ngọt hay tương pha theo cách trên cũng đều ngon. 

Bichnga ST

*Một vài nơi muốn nem có vị chua thanh, sau khi xiên que xon dùng bao nylon cuộn lại để 3 ngày mới nướng.
* Nếu không có nước dừa, dùng rượu trắng khử mùi oi của thịt và mùi tanh của tôm cũng được.

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Hương vị Việt 27: Bánh vắt vai của người Dao

Quay trở lại vùng cao phía Bắc, chúng ta làm quen với món bánh có cái tên thật lạ lùng " Bánh vắt vai" của người Cao Lan. Mời các bạn cùng xem!


Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

10 món ăn quyến rũ của Thụy Sĩ

Mình "đang mơ" đi châu Âu, nên gặp bài này mang về ngâm cứu và chia sẻ cùng các bạn!
Các món ăn đặc trưng của Thụy Sĩ hầu hết bị ảnh hưởng bởi ẩm thực Pháp, Đức và Italy, nhưng tùy vào mỗi vùng và khu vực mà chúng có những nét riêng. Khám phá ẩm thực Thụy Sĩ bằng 10 món ăn sau đây để hiểu hơn về từng vùng của đất nước xinh đẹp này. 
1. Cheese fondue – Lẩu phô mai
image001-2782-1405594086.jpg
Lẩu phô mai Thụy Sĩ. Ảnh: stjulian
Lẩu phô mai là một món ăn lý tưởng để chia sẻ cùng bạn bè, được làm từ pho mát đun chảy với các thành phần khác, như tỏi, rượu vang trắng, một chút bột bắp hoặc tinh bột ngô cùng Kirsch. Sau đó, món ăn được phục vụ tại bàn trong một nồi gốm đặc biệt gọi là caquelon, và luôn luôn đun trên một chiếc bếp nhỏ để giữ không cho phô mai bị vón cục. Cách ăn cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần dùng một chiếc dĩa dài để xiên vào khối bánh mì nhỏ đã được cắt sẵn, sau đó nhúng chúng vào nồi phô mai trên bếp và thưởng thức. 
2. Rösti – Bánh khoai tây bào chiên
image002-6018-1405594086.jpg
Rösti – Bánh khoai tây bào chiên Thụy Sĩ. Ảnh: chefpatate
Rosti là món ăn được làm từ khoai tây bào đem chiên hoặc nướng để tạo lớp vỏ giòn nhưng tan chảy bên trong. Đôi khi người dân Thụy Sĩ bỏ thêm một chút thịt xông khói, hành tây, pho mát và thậm chí táo xắt nhỏ vào hỗn hợp. Trước đây, người dân Thụy Sĩ luôn sử dụng Rösti như một món ăn kèm với trứng chiên, rau chân vịt hoặc xúc xích fleischkäse. Những người nông dân ở Bern luôn coi Rösti như một món ăn không thể thiếu trong các bữa sáng, nhưng ngày nay, bạn có thể tìm thấy nó ở bất cứ đâu thế giới.

3. Bircherműesli – Ngũ cốc trộn hoa quả
image003-9776-1405594087.jpg
Ngũ cốc Bircherműesli rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: almondsandavocados
Bạn có thể đã ăn muesli cho bữa sáng nhưng liệu bạn có biết rằng nó được phát minh ở Thụy Sĩ vào khoảng năm 1900, bởi tiến sĩ Maximilian Bircher-enner? Luôn tin rằng chế độ ăn uống với các loại ngũ cốc, trái cây và rau quả là tốt cho con ngườ hơn việc ăn thịt hàng ngày, ông đã tạo ra birchműesli - một sự kết hợp tuyệt vời của yến mạch cán, trái cây, các loại hạt, nước cốt chanh và sữa đặc (hoặc sữa chua) cho các bệnh nhân trong viện điều dưỡng Zurich của mình. Và ngày nay, món ăn này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người tiêu dùng trên thế giới, không chỉ cho bữa sáng mà đôi khi là cả bữa tối nữa. 
4. Raclette – Phô mai chảy
image004-4420-1405594087.jpg
Phô mai chảy Raclette Ảnh: mixtemagazine
Raclette là tên của một loại phô mai Thụy Sĩ, được làm từ sữa bò rất phổ biến. Món ăn này được nấu chảy bằng một chiếc máy chuyên dụng sau đó được phủ lên trên một đĩa hỗn hợp gồm khoai tây bi nướng chín (để nguyên vỏ), các loại rau củ, charcuterie (thịt lên men), dưa chuột bao tử muối và hành muối. 
5. Bűndnernusstorte -  Bánh truyền thống
image005-2122-1405594087.jpg
Bánh Bűndnernusstorte. Ảnh: expatica
Bűndnernusstorte hay engadinernusstorte là một loại bánh ngọt có nguồn gốc từ Graubünden, Thụy Sĩ. Công thức cơ bản của loại bánh này bao gồm bột mì, đường, trứng, bơ, muối, thêm một chút đường caramel, kem và các loại hạt nhỏ, thường là hạt óc chó. Đây được coi như một món tráng miệng, vì thế hãy dùng kèm một tách trà hoặc cà phê để cảm nhận đầy đủ hương vị của bánh.

6. Saffron risotto – Cơm Italy nấu nghệ
image006-5267-1405594087.jpg
Cơm Italy nấu nghệ tây Saffron risotto. Ảnh: foodlve
Nghệ tây được trồng ở Valais là một thành phần thiết yếu của các món ăn truyền thống ở vùng Ticino (gần biên giới với Italy). Saffron risotto là một món ăn được nấu chín một cách từ từ bằng gạo Italy cùng hành tây, nghệ tây, rượu vang và pho mát. Đây là một món ăn rất dễ làm nên bạn có thể học cách nấu và tự chế biến ở nhà.
7. Zurchergeschnetzeltes – Thịt bê nấu kiểu Zurich
image007-1682-1405594087.jpg
Thịt bê nấu kiểu Zurich ăn kèm Rosti. Ảnh: epicuriousgenerations
Món ăn này tuy có tên gọi khá phức tạp, nhưng cách nấu thì không hề khó. Thịt bê, đôi khi là gan bê được nấu với nấm, hành tây, rượu vang và kem, sau đó thường được ăn kèm với rosti, mì hoặc cơm. Bạn có thể thay thế thịt bê bằng thịt gà hoặc thịt lợn nếu muốn.
8. Zopf – Bánh mì tết
image008-2843-1405594087.jpg
Bánh mì Zopf trông giống hệt những bím tóc được tết gọn gang. Ảnh: wildespoulet
Có rất nhiều loại bánh mì ở Thụy Sĩ nhưng loại phổ biến và ngon nhất vẫn là một ổ bánh mì trắng và mềm, có tên zopf. Bạn có thể dễ dàng nhận ra nó vì đó là một ổ bánh mì được tết vào với nhau (từ zopf có nghĩa là "bện"), với một lớp vỏ màu vàng, và rất giống với bánh mì của người Do Thái - Challah.
Một số người cho rằng nó có nguồn gốc từ một phong tục cổ xưa, những góa phụ cắt bím tóc của họ và chôn cùng với người chồng. Bột được làm từ bột mì trắng, sữa, trứng, bơ và men, sau đó được tết thành một bím tóc và phết lòng đỏ trứng lên trên trước khi nướng. Người dân Thụy Sĩ thường ăn món này vào các buổi sáng chủ nhật. 
9. Berner platte – Đĩa thịt hỗn hợp
image009-9688-1405594087.jpg
Berner platte – một đĩa hỗn hợp các loại thịt ăn kèm bắp cải muối. Ảnh: panebisteccacom
Nếu thích ăn thịt và đang cảm thấy rất đói, thì chắc chắn bạn sẽ yêu thích Berner platte. Đây là một đĩa ăn hỗn hợp bao gồm các loại thịt và xúc xích, có thể bao gồm thịt bò, thịt nguội, thịt lợn xông khói, thịt bò hun khói, thịt lưỡi lợn, xương sườn, giò heo, thịt lợn thăn, vai, xương tủy…
Ngoài ra trên đĩa còn bày thêm bắp cải muối sauerkraut, khoai tây và các loại hạt đậu khô. Món ăn này được tạo ra sau khi Bernese đánh bại quân đội Pháp tại Neuenegg. Để chào mừng những chiến binh chiến thắng, họ đã tổ chức một bữa tiệc lớn, cùng mọi người và mang theo bất cứ thứ gì họ có trong tay. Do đó sự đa dạng và chất lượng của các loại thịt là điều đặc biệt trong món ăn này.
10. Älplermagronen – Mì ống nấu phô mai
image010-2280-1405594087.jpg
Mì ống Älplermagronen. Ảnh: eatsmarter
Món ăn này sử dụng tất cả các thành phần có sẵn ở một trang trại chăn nuôi gia súc như: pho mát, khoai tây, hành tây, mì ống, sữa hoặc kem và táo. Phiên bản cổ điển được thực hiện bằng cách nấu chín khoai tây và mì ống với kem, phô mai, nướng trong lò, rồi ăn kèm với hành tây chiên và nước sốt táo hầm. Đôi khi bạn có thể sử dụng thêm thịt xông khói. 

Theo VNN

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Móc "áo" cho xà bông cục

Khi xử dụng xà bông cục, chúng ta thường hay bị dính tay, hay xà bông chảy ra ngoài làm dơ cả hộp xà bông. Vì vậy xà bông thì hao, mà nước rửa cũng chẳng ít. Nào, hãy móc cho cục xà bông thơm của chúng ta một chiếc "áo" đẹp, vừa giữ xà bông thơm lâu, vừa sạch tay cầm và cũng có thể dùng "chiếc áo" đó làm "bông tắm" chà cũng rất tiện lợi.


Theo dõi cách móc nhé các bạn!

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

13 loại thực phẩm giết chết ký sinh trùng đường ruột

Ký sinh trùng đường ruột gây nhiễm trùng đường tiêu hoá hoặc cơ thể. Chúng có thể sống ở bất cứ nơi nào trong cơ thể đặc biệt ở thành ruột. Sau đây là 13 loại thực phẩm thông thường có thể đẩy chúng ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng.
















Theo PL