Nhờ thói quen ăn ba lát gừng ngâm giấm mỗi ngày, bác sĩ Lu Zhizheng có sức khỏe dẻo dai như một người trung niên dù đã 99 tuổi.
Dù ở độ tuổi 99, bác sĩ y học cổ truyền Lu Zhizheng sở hữu cơ thể khỏe mạnh, với trí nhớ minh mẫn hơn những người từ 60 đến 70 tuổi. Khi được hỏi về bí quyết để có thể trạng qua năm tháng, bác sĩ Lu chia sẻ hai loại gia vị quen thuộc, giá rẻ, xuất hiện nhiều trong những bữa ăn gia đình, đó là gừng và giấm.
Bác sĩ Lu cho biết trong suốt 20 đến 30 năm qua, mỗi sáng, ông đều ăn ba lát gừng ngâm giấm. Theo ông, phương pháp này giúp giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu ở những người có công việc bận rộn và chế độ ăn uống không điều độ. Ngoài ra, gừng còn có tác dụng làm ấm dạ dày và giải cảm.
Chứng minh về độ hiệu quả của món gừng ngâm giấm, ông đã công khai kết quả khám sức khỏe định kỳ. Các chỉ số cho thấy ông có độ đàn hồi mạch máu tốt, tương đương với những người trung niên, "cơ thể 90 nhưng trái tim ở tuổi 40".
Để chế biến món gừng ngâm giấm, bác sĩ Lu sử dụng gừng non rửa sạch, để ráo nước, thái lát, rắc một ít muối và ướp 12 tiếng. Tiếp theo, ông cho các lát gừng đã ướp vào lọ, thêm giấm và đậy kín. Ông khuyên mọi người lựa chọn giấm có màu sáng, đơn giản nhất là giấm gạo pha với nước. Sau đó, ông dùng màng bọc thực phẩm đậy kín nắp lọ, bảo quản 4 hoặc 5 ngày trước khi ăn.
Bác sĩ Lu lưu ý món gừng ngâm giấm thích hợp với người sợ lạnh, thống kinh, dương hư nhưng không thích hợp với người âm hư, hỏa vượng. Theo ông, gừng và giấm là bài thuốc tốt. Gừng chứa chất ketone và gingerol, có thể chống đông máu, cải thiện lưu thông khí huyết, tăng cường miễn dịch và giảm cholesterol. Trong khi đó, giấm ăn có thể mở rộng mạch máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường và tim mạch.
Việc ăn gừng ngâm giấm còn giảm hàm lượng chất béo trong máu, giúp điều trị mỡ máu cao.
Bên cạnh việc sử dụng hai loại gia vị quen thuộc, bác sĩ Lu có thói quen đi dạo hàng ngày. Mỗi sáng, nếu ngoài trời không quá gió, ông sẽ đi bộ khoảng 300 bước. Sau đó, ông thực hiện Bát Đoạn Cẩm (một bài tập khí công) trong khoảng nửa giờ, huy động 4 cực bên ngoài, nuôi dưỡng khí nội tạng và duy trì năng lượng dồi dào.
"Tập thể dục nhiều giúp nhu động ruột trơn tru. Người già thường bị táo bón, việc tập luyện sẽ giảm thiểu tình trạng này", ông nói, thêm rằng ăn ngũ cốc thô hai lần một tuần, chủ yếu dùng bột ngô. Vào mỗi bữa, ông tuân thủ nguyên tắc chỉ ăn no đến khoảng 70%.
Trong cuộc phỏng vấn với Health Times vào năm 2011, bác sĩ Lu tiết lộ ông còn thích uống nhiều loại trà khác nhau tùy theo mùa. Ví dụ, vào mùa xuân, ông sử dụng trà nụ tầm xuân, giúp thúc đẩy mọc tóc và tăng cường năng lượng.
Theo ông, uống trà xanh buổi sáng giúp tăng cường dương khí, dùng trà ô long buổi chiều bổ tỳ, thúc đẩy tiêu hóa, uống trà Phổ Nhĩ (làm từ lá của cây trà Shan tuyết cổ) buổi tối bảo vệ dạ dày và không ảnh hưởng giấc ngủ. Bác sĩ Lu lưu ý trà không được ủ quá đậm. Sau ba lần ủ, nếu trà không còn mùi thơm phải bỏ đi và thay mới.
Theo VN Express
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét