Đậu xanh là thức ăn rất quen thuộc đối với người Việt Nam. Đây không những là thức ăn ngon bổ dưỡng mà còn có thể xem như vị thuốc được ông bà ta sử dụng từ xa xưa.
Trong Nam Dược Thần Hiệu của danh y Tuệ Tĩnh có nhắc đến công dụng của hạt đậu xanh như sau: “Lục đậu còn gọi là đậu xanh, vị ngọt, tính mát không độc, bổ ích nguyên khí, thanh nhiệt giải độc, thanh tiểu tiện, chữa lở, làm sáng mắt”. Lĩnh Nam Bản Thảo của danh y Hải Thượng Lãn Ông cũng có đề cập đến đậu xanh:
“Lục đậu tên gọi hột đậu xanh
Ngọt lạnh, không độc, vị hơi tanh
Trừ nhiệt bổ hư kiêm giải độc
Lợi thủy, tiêu sang, mắt sáng tinh”.
Như vậy, đậu xanh có thể được xem là vị thuốc có tính hàn, công dụng thanh nhiệt, tiêu được nhiệt độc trong cơ thể. Theo Y học cổ truyền, rượu là thức uống có tính đại nhiệt, khi uống vào sẽ hun đốt Trung tiêu, từ đó gây ra nhiều bệnh khác nhau liên quan đến nhiệt tích ở tỳ vị.
Để giải được rượu, dân gian ta đã dựa vào khả năng thanh nhiệt của đậu xanh để giải trừ nhiệt độc tích tụ do rượu gây ra. Bài thuốc cháo đậu xanh sử dụng đậu xanh chung với cháo nấu nhừ vì cháo có khả năng kiện tỳ ích vị, hồi phục chức năng tỳ vị sau những lần tiệc tùng ăn nhiều đồ béo ngọt, cay nóng.
Ngoài công dụng giải rượu, đậu xanh được dân gian sử dụng làm thức ăn giảm tiêu viêm, trị mụn lở. Chè đậu xanh ngon, bổ dưỡng, làm mát cơ thể vào những ngày hè nóng nực. Đậu xanh có thể kết hợp với các thức ăn khác cũng có tính hàn tăng tác dụng thanh nhiệt tiêu độc như rau má, nước dừa.
Mặc dù đậu xanh có nhiều công dụng nhưng không nên lạm dụng. Những người tỳ vị hư hàn với biểu hiện như dễ bị lạnh bụng, khó tiêu khi ăn đồ sống lạnh không nên lạm dụng đậu xanh. Đặc biệt khi ăn các thực phẩm có tính hàn như tôm, cua, ốc, lươn, các loại dưa… kèm đậu xanh sẽ làm cho bữa ăn mất cân bằng âm dương, có thể gây khó tiêu, lạnh bụng, đầy bụng, đau bụng ở những người có tỳ vị hư nhược.
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng Tín - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét