Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

Nên ăn cà chua chín hay sống?

Nên ăn cà chua chín hay sống?

Nhiều người cho rằng ăn cà chua sống giúp đẹp da còn nấu chín thì an toàn, không bị ngộ độc, vậy nên ăn chín hay sống?

 Trả lời: Cà chua giàu vitamin A, C, B6, rẻ, dễ tìm mua, có thể ăn sống hoặc nấu chín, tùy theo sở thích. Tuy nhiên, cà chua giàu lycopene giúp tăng miễn dịch, khi nấu chín sẽ hấp thụ tốt hơn khi ăn sống. 

Ngoài ra, việc ăn chín uống sôi sẽ giúp phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Cà chua sống nguy cơ nhiễm hóa chất cao, có thể gây ngộ độc do tồn dư hóa chất. Nhiều người ăn cà chua sống bị ợ chua, đau bụng, do tính axit mạnh. Hạt cà chua không có dinh dưỡng, ăn sống gây khó tiêu, đầy bụng đặc biệt là cà chua xanh. Trường hợp cà chua nhà trồng hoặc cà chua sạch, bạn có thể làm salad, nước ép hoặc ăn sống. 

Trẻ nhỏ, người bị bệnh tiêu hóa nên hạn chế. Để đảm bảo an toàn, bạn nên mua sản phẩm ở những nơi uy tín, rửa sạch, nấu chín trước khi ăn. Vỏ cà chua chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh. Do đó, bạn hoàn toàn có thể sử dụng phần vỏ mà không cần bỏ, sau khi rửa sạch. Trường hợp tiêu hóa kém thì nên bỏ hạt.

Theo Vietnam net

 

Theo tuoitre online

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Tôm Chiên Thì Là

 Món ăn chơi đơn, hay dùng làm khai vị cũng hay. Mời các bạn xem thử để thay đổi khẩu vị gia đình, và làm cho bữa tiệc thêm thú vị! 

Nguyên liệu

 300g tôm

1 trái trứng

1M rượu gạo

1 gói bột chiên giòn

2M nước

1M lá thì là

Cách làm

Tôm lột vỏ, bỏ đầu, lấy chỉ đen, để đuôi cho đẹp

Ướp chút muối và rượu 10 phút cho tôm săn cứng và mất mùi tanh.

Đánh 1 trái trứng với nước. Cho gói bột chiên giòn vào khuấy cho hòa đều cho bột không vón cục. Sau đó cho lá thì là đã cắt 1cm vào trộn đều.

Cho tôm vào tô bột trộn đều, rồi bốctôm bỏ vào chảo dầu đã nóng già từng con một.

Khi đã cho hết, dùng sạn đảo nhiều lần cho tôm vàng đều.

Vớt ra để ráo. Món này chấm với tương ớt hay pha thêm chút tương cà, chút tương xí muội đề hấp dẫn.

Các bạn sẽ thích thú với món Tôm này đấy! 

Chúc các bạn ngon miệng!


Bichnga soạn theo Pinterest



Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Vì sao nước đun sôi để nguội chỉ nên dùng trong ngày?

Thói quen "ăn chín uống sôi" rất tốt, nhưng có không ít gia đình lại sai lầm khi tích trữ nước đun sôi để nguội ở trong bình chứa lớn rồi dùng dần trong nhiều ngày, thậm chí cả tuần.
Các gia đình chỉ nên đun nước sôi để nguội rồi dùng trong ngày, không nên để qua đêm hay nhiều ngày sau đó - Ảnh: HOÀNG AN

 Ảnh: HOÀNG AN

Từ lâu, nhiều gia đình ở nước ta, nhất là các gia đình ở nông thôn vẫn thường có thói quen uống nước đun sôi để nguội.

Thói quen "ăn chín uống sôi" như vậy là rất tốt, nhưng có không ít gia đình lại sai lầm khi đun nước sôi để nguội sau đó tích trữ ở trong bình chứa lớn để sử dụng dần trong nhiều ngày, thậm chí cả tuần, bởi họ cho rằng làm như vậy sẽ tiện hơn việc ngày nào cũng phải đun nước rất mất thời gian...

Vẫn biết rằng bản chất của việc đun sôi nước là dùng nhiệt tiêu diệt các vi sinh vật, ký sinh trùng (nếu có) trong nước. Quá trình đun sôi không gây ra chất có hại cho cơ thể, cũng như không tạo các chất gây ung thư.

Vậy nhưng, theo lời khuyên của các chuyên gia về dinh dưỡng, mỗi gia đình cần phải bỏ thói quen lưu trữ và sử dụng nước đun sôi để nguội trong thời gian quá lâu, vì càng để lâu nước càng bẩn.

Về nguyên lý, quá trình đun sôi sẽ tiêu diệt các vi sinh vật, phân rã chúng thành chất hữu cơ trong nước - là nguồn thức ăn cho những vi sinh vật ở ngoài xâm nhập vào.

Do vậy, nguy cơ tái nhiễm vi sinh vật là rất lớn, khiến nước nhanh bị thiu và lượng vi sinh vật nhân lên gấp bội, gây hại cho sức khỏe.

Chuyên gia hóa học Trần Hồng Côn cũng cho hay khi lưu giữ nước đun sôi để nguội càng lâu sẽ là điều kiện tốt để vi khuẩn trong môi trường sống xâm nhập và phát triển. Hơn nữa, thói quen đổ nước sôi mới hòa lẫn nước cũ còn lại trong bình sẽ càng làm vi khuẩn phát triển.

Để đảm bảo sức khỏe cho mọi thành viên, các bác sĩ và chuyên gia khuyến cáo tốt nhất các gia đình chỉ nên đun nước sôi để nguội rồi dùng trong ngày, không nên để qua đêm hay nhiều ngày sau đó.

Tránh việc đổ nước mới đun vào bình nước cũ vẫn còn, mà nếu hôm nay số nước đun sôi để nguội chưa sử dụng hết thì nên đổ đi, sau đó đun một ấm nước mới đổ vào.

Ngoài ra, dụng cụ trữ nước đun sôi để nguội tốt nhất và sạch sẽ nhất là bình thủy tinh có nắp đậy kín. Trong quá trình sử dụng, bình trữ đựng nước đun sôi để nguội cần thi thoảng được vệ sinh, cọ rửa thường xuyên để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, làm nhiễm khuẩn nguồn nước uống…

 

Theo VNnet

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

Bánh Xèo Miền Trung

 Những chiếc bánh xèo nho nhỏ, ăn đỡ ngán nhưng cũng đầy  đủ chất lượng lắm các bạn. Khi nào muốn ăn bánh xèo nhớ thử kiểu này nhé các bạn! 


 Nguyên liệu

Phần vỏ: 200g bột gạo, - 250ml nước, - 100ml bia, -1/2m muối, - 1/2m bột nghệ, - 2M hành lá xắt nhỏ, - 1M dầu ăn

Nhân bánh: - 200g thịt bò hay thịt ba chỉ - 200g tép hay mực, - 1 củ hành tây vừa, - 100g giá

Nước chấm: tỏi, ớt băm, nước mắm, nước me hay nước cốt chanh

Rau ăn kèm: xà lách, cải bẹ xanh non, húng lũi, dấp cá, húng quế, dưa leo ...

Cách làm

Pha bột gạo + nước + bia + muối khuấy sơ qua. Múc 1 ít nước bột cho bột nghệ vào khuấy cho hòa tan rồi cho vào thau nước bột hòa tiếp cho dễ. Để qua một bên cho bột nghỉ. Khi nào tráng bánh sẽ cho hành vào.

 Xắt lát nhỏ thịt bò, thịt heo; rửa sạch tép, mực để ráo ướp với chút muối + gừng tỏi băm + hạt tiêu + chút dầu ăn. Củ hành xắt múi cau mỏng 0,3ml.

Làm nóng chảo với dầu và hành tây + một chút bột nêm. Xào tôm trước cho vừa săn, rồi cho thịt vào xào săn tới thì múc ra một bên.

Nếu có khuôn gang càng tốt, còn không chúng ta dùng chảo nhỏ cũng được.

Để chảo trên lửa vừa, cho chút dầu ăn tráng đều lòng chảo. Chờ cho dầu thật sôi, mới múc một vá bột, láng đều khắp chảo. Đậy nắp.

 Chờ 30 giây, cho nhân vào trước, rồi nhúm giá cho lên trên. Tiếp tục đậy nắp để 2 phút nữa.

Mở nắp, gấp đôi cái bánh lại. Chờ cho bánh vàng giòn cả 2 mặt mới lấy ra.

Pha nước mắm : 5 nước + 2 đường + 1,5 nước mắm rồi nấu chung cho tan đường. Dằm ít me ra lấy chất chua nêm vào mắm cho vừa ăn. 

* Có nơi xay ớt sừng + cà chua đã luộc cho vào nước chấm kèm tỏi bằm. Cũng thú vị !

* Hay pha nước mắm chua ngọt bình thường với ít đồ chua. Tùy ý!

* Tùy theo ý thích ăn nhân ít hay nhiều, tôm thịt, nói chung khoảng 300g cho 200g bột là vừa ( theo ý mình).


Chúc các bạn thành công với món Bánh Xèo Miền Trung này

Bíchnga tổng hợp theo nhiều nguồn trên net


 


Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

Mùa Mận nói chuyện Mận


Trái mận chữa nhiều bệnh độc đáo ít người biết cách dùng

Không chỉ Đông y dùng trái mận (người dân phía Nam hay gọi là mận Hà Nội) chữa nhiều bệnh, mà các nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy ăn mận sẽ giúp phòng chữa nhiều bệnh cả tiểu đường, tim mạch, ung thư...
Trái mận có nhiều tác dụng chữa bệnh - Ảnh minh họa

Trái mận có nhiều tác dụng chữa bệnh - Ảnh minh họa

Nhiều dưỡng chất quý tốt cho sức khỏe

Mận đang vào mùa và đã bắt đầu chín ngọt. Giá mận cũng đã giảm từ giá 180.000 đồng/kg vài tuần trước xuống còn khoảng 1/3, thậm chí rẻ hơn với mận loại ngon.

ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết mận tuy là loại quả hết sức thông dụng trong đời sống người Việt, không thể thiếu trong Tết Đoan ngọ nhưng lại là một vị thuốc rất độc đáo trong y học cổ truyền.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy ngoài chất xơ và các chất có giá trị dinh dưỡng cao như protein, vitamin C, canxi và sắt, mận chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học: anthocyanins, axit chlorogenic, các dẫn xuất của quercetin và catechin, giúp ngăn ngừa các bệnh tiểu đường và tim mạch có liên quan đến béo phì.

Các hợp chất trên có thể lần lượt đối phó với tế bào mỡ, đại thực bào và tế bào nội mô mạch máu, do đó có thể phát huy công dụng đặc biệt chống béo phì, chống viêm và chống bệnh tiểu đường.

Hơn nữa, những chất này còn có thể giảm mức độ của LDL hay còn gọi là cholesterol xấu, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Bác si Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM, phân tích trong trái mận có chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là có chứa chất chống oxy hóa và chất xơ. Bên cạnh đó, khi mận chín còn mang lại các chất như kali, vitamin A, B, C, K, magie nên có tác dụng với nhiều bệnh:

- Giảm sự hấp thụ cholesterol: Hàm lượng vitamin C trong mận giúp ngăn ngừa cholesterol bị oxy hóa trong động mạch, đào thải những cholesterol xấu ra ngoài cơ thể. Nhờ vậy, ăn mận có thể ngăn ngừa bệnh xơ vữa động mạch, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và hen suyễn...

- Chống ung thư: Trong trái mận có chứa nhiều anthocyanins là chất chống oxy hóa có khả năng trung hòa các gốc oxy gây ung thư và phá hủy tế bào. Vitamin C và chất xơ trong mận giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh ung thư ruột kết cực hiệu quả.

- Tốt cho tim mạch: Mận rất giàu kali, có thể điều chỉnh huyết áp và làm giảm đáng kể nguy cơ bị đột quỵ

- Tăng cường sự hấp thụ chất sắt: Vitamin C khá cao trong mận là cơ sở để loại quả này giúp hấp thu chất sắt rất hiệu quả, đồng thời tăng khả năng chống chọi lại bệnh tật và nhiễm trùng của cơ thể.

- Tốt cho tiêu hóa: Trong mận chứa nhiều chất xơ và isatin, sorbitol là những chất cực tốt cho hệ tiêu hóa, điều chỉnh chức năng của cơ quan nội tạng này. Ăn mận nhiều giúp điều hòa nhu động ruột, giảm nguy cơ táo bón. Nhiều người chữa trị bệnh táo bón bằng cách ăn mận khô hoặc mận tươi cho thấy hiệu quả rất cao.

- Tốt cho mắt: Ngoài vitamin C, mận còn chứa beta carotene là những dưỡng chất đặc biệt có lợi cho mắt. Ăn mận có thể giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng, một căn bệnh về mắt có thể dẫn tới mù lòa.

Biết cách chế biến, mận là một vị thuốc độc đáo - Ảnh minh họa

Biết cách chế biến, mận là một vị thuốc độc đáo - Ảnh minh họa

Kinh nghiệm chữa bệnh của cổ nhân

ThS Toàn nhấn mạnh y học cổ truyền có nhiều bài thuốc dùng mận chữa bệnh độc đáo. Theo Đông y, trái mận vị chua ngọt, tính bình, có công dụng thanh can, điều nhiệt, sinh tân lợi thủy, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như hư lao, âm hư nội nhiệt, môi khô họng khát, thủy thũng, tiêu khát, tiểu tiện bất lợi...

Mận có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, giải khát, giúp dễ tiêu hóa thức ăn, lợi thủy, tiêu thũng, dùng điều trị nóng trong, ăn khó tiêu, viêm gan phúc thủy (bụng có báng nước), khó tiểu tiện. Thường được dùng dưới dạng ăn sống hoặc giã nát rồi ép lấy nước uống.

Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, vỏ, nhựa, lá, nhân, hạt... đều có tác dụng chữa bệnh. Đặc biệt là các bệnh lý sau:

- Tiểu đường: Trái mận tươi, rửa sạch, bỏ hạt, ép lấy nước, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa canh. Hoặc vỏ rễ mận 10g sắc uống hằng ngày.

- Chứng hay khô miệng: Mận tươi lượng vừa đủ, rửa sạch, bỏ hạt, ngâm với đường trắng trong hai tuần, ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 5 quả.

- Cổ trướng do xơ gan: Hằng ngày nên ăn một lượng mận thích hợp. Hoặc vỏ rễ mận 30g, rễ khế 30g, phật thủ 6g, thanh bì 9g, xuyên luyện tử 6g, sắc uống.

- Táo bón: Quả mận khô 400g, mật ong 100ml đem ngâm với 1,8 lít rượu trắng, sau 2 tháng thì dùng được, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml. Hoặc nhân hạt mận 10g, đào nhân 10g, hạnh nhân 10g, sắc uống.

- Thiếu máu: Nên ăn mận khô hoặc tươi.

- Thanh nhiệt giải nóng: Nước mận, nước dưa hồng, nước nho mỗi loại 10g, trộn đều uống.

- Kém ăn: Mận tươi vài quả, nho khô 6g, nhai ăn trước mỗi bữa cơm.

- Làm đẹp da mặt: Quả mận tươi 250g rửa sạch, bỏ hạt, giã nát ép lấy nước rồi hòa với 250ml rượu gạo, đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 20ml.

Theo kinh nghiệm của cổ nhân, mận hậu ăn vừa phải sẽ tốt cho cơ thể, bổ sung vô số dưỡng chất cần thiết, thanh mát. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều mận có thể sinh đàm trợ thấp, gây thương tổn tỳ vị, gây ra tình trạng nóng trong người, bồn chồn, nổi mụn, do đó nên chỉ ăn chừng 3 - 4 quả là tốt nhất.

Sau khi ăn mận không nên uống nhiều nước vì dễ bị tiêu chảy. Không dùng mận với thịt chim sẻ, thịt hoãng, trứng vịt và mật ong vì có thể làm tổn thương ngũ tạng.

Những người nên hạn chế ăn mận

Người đang đói: Nên tránh ăn mận khi đói. Ăn mận khi đói có thể gây ra những triệu chứng cồn cào, khó chịu. Hơn nữa thói quen ăn mận khi đói có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Bởi chất oxalate trong mận có thể cản trở quá trình hấp thu canxi trong cơ thể và kết quả là dẫn đến sỏi…

Phụ nữ có thai: Bà bầu có thân nhiệt nóng hơn bình thường không nên ăn nhiều mận vì có thể sinh phát ban, gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Người bị bệnh thận, sỏi tiết niệu: Trong mận có chứa nhiều chất oxalate. Khi ăn nhiều mận, chất này có thể gây cản trở hấp thụ canxi trong cơ thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận. Đây chính là nguyên nhân gây sỏi thận và sỏi bàng quang.

Người có cơ địa nhiệt, nóng: Mận có tính nóng, nên ăn nhiều mận có thể gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt…

Người bị bệnh dạ dày: Mận có tính axit cao nên có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày và men răng, nhất là men răng trẻ em còn yếu, dễ bị ảnh hưởng. Nếu bạn bị bệnh dạ dày mà ăn nhiều mận sẽ gây đau.


Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2024

Sốt xào không cần nấu

 Không cần nấu, nhưng sốt vẫn thơm ngon, và nhanh gọn. Các bạn xem nhé! 

Nguyên liệu

220g nước tương

100g tương ớt

20g đường

15g bột ngọt

1M dầu hào

1M hắc xì dầu

2m dầu mè

Cách làm

Cho tất cả vào một cái tô, dùng phới nhỏ xoay qua, xoay lại giữa 2 bàn tay, chà nhanh cho tất cả hòa quyện vào nhau.

Rắc thêm ít tiêu xay  là xong.

Cho vào chai thủy tinh, bỏ tủ lạnh, xài từ từ nhé các bạn.

Bíchnga biên soạn theo Hoishi


Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

Bí quyết ăn để ngủ ngon mà không béo Ăn tối sớm, cố gắng không dùng gì ít nhất 2-3 giờ trước đi ngủ, ăn theo chế độ Địa Trung Hải giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ. 

 


Chrononutrition, còn gọi dinh dưỡng theo thời gian, đang là lĩnh vực nghiên cứu đầy hứa hẹn, mở ra khả năng cải thiện giấc ngủ thông qua lựa chọn thực phẩm và thời gian ăn uống phù hợp. Những khám phá được xem là đột phá bao gồm việc ăn tối sớm hơn, duy trì lịch trình ăn uống nhất quán và thêm sữa vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Các loại thực phẩm như trái cây, rau củ và protein nạc không chỉ có lợi cho sức khỏe tổng thể mà còn được chứng minh là có thể tăng cường chất lượng giấc ngủ. Đặc biệt, chế độ ăn Địa Trung Hải giàu những thực phẩm này, đã được nghiên cứu và cho thấy có khả năng cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ, giảm các vấn đề liên quan và tăng hiệu quả giấc ngủ - nghĩa là tối ưu hóa thời gian bạn thực sự ngủ khi nằm trên giường. 

Một bài đánh giá gần đây, tổng hợp kết quả từ 37 nghiên cứu với sự tham gia của gần 600.000 người, chỉ ra tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc các chế độ ăn lành mạnh khác, có liên quan trực tiếp đến việc giảm bớt các triệu chứng của chứng mất ngủ. Ngược lại, chế độ ăn không lành mạnh, chứa nhiều carbohydrate đơn giản và thực phẩm chế biến sẵn, lại có xu hướng làm tăng các triệu chứng này. 

Thời gian ăn uống có ảnh hưởng sâu rộng đến đồng hồ sinh học, còn gọi là hệ thống circadian, điều chỉnh các chức năng sinh lý và hành vi, bao gồm cả giấc ngủ. Đồng hồ sinh học nằm trong não, nhưng thực tế mỗi cơ quan trong cơ thể đều có đồng hồ sinh học riêng biệt. Ăn uống không đúng giờ có thể làm rối loạn những đồng hồ này, dẫn đến việc "đánh thức" dạ dày khi đang cố gắng chìm vào giấc ngủ. 

Kelly Baron, giám đốc chương trình y học giấc ngủ hành vi tại ĐH Utah, giải thích: "Hệ tiêu hóa của chúng ta hoạt động theo một nhịp độ riêng biệt. Ăn uống không đúng thời điểm có thể gây ra hiện tượng 'jet lag nội bộ', làm xáo trộn chu kỳ sinh học". 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, khoảng một phần ba người lớn ở nước này không ngủ đủ giấc từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm như khuyến nghị. Sarah Linderman, 46 tuổi, đã trải qua những đêm trằn trọc, quay qua quay lại không ngủ được và thức giấc lúc 3h sáng. Một bác sĩ đã khuyên cô nên xem xét lại chế độ ăn uống của mình. Bác sĩ đã đề xuất cô tăng cường lượng calo tiêu thụ vào ban ngày, bổ sung protein và rau củ, hạn chế cocktail vào buổi tối và không ăn gì ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ. 

Những thay đổi này giúp Linderman dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn và ngủ liên tục từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm, thức dậy vào buổi sáng với cảm giác tươi tỉnh. Linderman, chủ nhân của một công ty tiếp thị tại San Pedro, California, bày tỏ: "Chế độ ăn uống cân đối đã giúp tôi khôi phục lại những giấc ngủ yên bình". Vậy làm thế nào điều chỉnh chế độ ăn uống để cải thiện giấc ngủ? Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích, được hỗ trợ bởi nhiều nghiên cứu đang phát triển trong lĩnh vực này. 

Thực hiện chế độ ăn Địa Trung Hải 

Chế độ ăn Địa Trung Hải phong phú với rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, cá và thịt nạc chưa qua chế biến, được biết đến với khả năng cải thiện giấc ngủ. Nhờ giảm viêm, cung cấp các dưỡng chất cần thiết để tăng cường serotonin (hormone hạnh phúc) và melatonin (hormone gây buồn ngủ), chế độ ăn này giúp duy trì sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột, từ đó hỗ trợ điều chỉnh nhịp sinh học. 

Đây là nhận định của Uma Naidoo, bác sĩ tâm thần dinh dưỡng và là giám đốc chương trình dinh dưỡng, lối sống và tâm thần chuyển hóa tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston. Các dưỡng chất quan trọng cho giấc ngủ bao gồm: Tryptophan: Đây là acid amin thiết yếu cho việc sản xuất melatonin, không thể tự được cơ thể tổng hợp mà phải nạp vào qua thực phẩm như gà tây, đậu garbanzo, sữa, ngũ cốc, hạt và hạt giống. 

Serotonin: Là tiền chất của melatonin, có thể được tăng cường thông qua việc tiêu thụ trái cây, rau củ và hạt. Melatonin: Hormone này không chỉ thúc đẩy giấc ngủ mà còn điều chỉnh chu kỳ circadian. Các thực phẩm như trứng, cá béo (ví dụ cá hồi), nấm, chuối và anh đào chua là nguồn cung cấp melatonin tốt. Bữa tối hoàn hảo để cải thiện giấc ngủ theo gợi ý của Naidoo là bữa ăn nhẹ nhàng với omelet nấm, kèm salad trộn hạt lanh và óc chó, đảm bảo bạn sẽ có một đêm ngon giấc. Chế độ ăn uống liên quan đến chất lượng giấc ngủ. Ảnh: sleepyhead Chế độ ăn uống liên quan đến chất lượng giấc ngủ. Ảnh: sleepyhead 

Ăn tối sớm hơn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ 

Dùng bữa tối sớm hơn không chỉ là một thói quen tốt mà còn có thể nâng cao chất lượng giấc ngủ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ăn uống quá gần thời gian lên giường thường dẫn đến giấc ngủ không sâu. Điều này có thể do ảnh hưởng của nhiệt độ cơ thể, vốn cần giảm xuống như một phần của chu kỳ sinh học circadian để chuẩn bị cho giấc ngủ. Tiêu hóa thức ăn có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và làm gián đoạn quá trình này. Theo Marie-Pierre St-Onge, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giấc ngủ và Nhịp sinh học Circadian tại ĐH Columbia, dạ dày cần "nghỉ ngơi" trong khi chúng ta đang cố gắng thư giãn và chuẩn bị cho giấc ngủ. Ngoài ra, việc ăn muộn còn có thể gây ra hiện tượng trào ngược acid, làm gián đoạn giấc ngủ. Một lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia: Hãy cố gắng dùng bữa tối ít nhất 2-3 giờ trước khi đi ngủ. Điều này sẽ cho cơ thể đủ thời gian để tiêu hóa thức ăn, giúp có một giấc ngủ ngon và sâu hơn. 

Ăn uống đều đặn 

Duy trì thói quen ăn uống đều đặn giúp não bộ nhận diện rõ ràng thời gian cần tỉnh táo và thời gian cần chuẩn bị ngủ, theo lời khuyên của Baron từ ĐH Utah. Hãy cố gắng dùng bữa đầu tiên và bữa cuối cùng vào khoảng thời gian nhất định mỗi ngày. Baron nói: "Việc này giống như đặt dấu mở đầu và kết thúc cho ngày của bạn, giúp phân biệt giữa các hoạt động ban ngày và thời gian nghỉ ngơi về đêm". 

Ăn sáng 

Chế độ ăn uống ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ. Bỏ qua bữa sáng có thể khiến cảm giác đói tăng lên vào buổi tối, dẫn đến việc lựa chọn thức ăn không lành mạnh trước khi đi ngủ. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc không ăn sáng liên quan đến giấc ngủ kém hơn, có thể do những người ăn sáng thường duy trì lối sống khỏe mạnh hơn. 

Giảm lượng rượu 

Rượu có thể giúp thư giãn và dễ ngủ hơn, nhưng lại gây hại cho chất lượng giấc ngủ, làm giảm giấc ngủ REM và gây rối loạn giấc ngủ. Điều này được xác nhận bởi tiến sĩ Naidoo từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. 

Có thể ăn nhẹ vào buổi tối 

Ăn nhẹ vào buổi tối là một lựa chọn tốt nếu cảm thấy đói, nhưng nên chọn thức ăn nhẹ và ăn ít nhất một giờ trước khi đi ngủ. Kết hợp protein và carbohydrate lành mạnh như hummus và bánh pita hoặc trái cây và sữa chua sẽ giúp cải thiện giấc ngủ, vì protein giúp no lâu và carbohydrate hỗ trợ cảm giác buồn ngủ. Cuối cùng, một ly sữa cũng là một lựa chọn tuyệt vời trước khi đi ngủ, đặc biệt khi kết hợp với mật ong. Nghiên cứu cho thấy những người uống sữa trước khi đi ngủ có giấc ngủ tốt hơn và sữa là nguồn cung cấp tryptophan hiệu quả. 

Theo VNExpress