Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Bánh su thiên nga

Bánh su hay chou à la crème rất thịnh hành. Bánh rất dễ ăn và phù hợp với khẩu vị nhiều người. Ngoài loại nhân kem vani ra người làm còn chế thêm ca cao, cà phê, dừa, sầu riêng. Còn hình thức của vỏ bên ngoài cơ bản nhìn giống như cái bắp cải nhỏ (chou- su), người ta còn dùng đui sao bắt cho có khía cho đẹp, rắc bông đường hay tạo dáng như những chú thiên nga mà mình gọi cho ngắn gọn là su ngỗng.



Nguyên liệu

Vỏ bánh :
125g nước
125g sữa
125g bơ lạt
5g muối
10g đường
150g bột mì
250g trứng gà (5 trái)
Đường mịn để rắc lên bánh

Nhân bánh
1 hộp kem bơ (8oz ) để ở nhiệt độ phòng
4 cup kem cứng
6 M đường cát mịn
1 trái vani hay 2 m vani bột

Cách làm

Làm nhân bánh:
Đánh kem bơ với đường và vani ở tốc độ trung bình.cho mịn đều. Kế cho kem cứng vào đánh tiếp khi kem đứng cứng không mềm nhão thì ngưng lại.

Làm vỏ bánh:

Nấu sữa + nước + bơ + đường sôi vài giây nhấc soong hỗn hợp ra khỏi bếp và tắt lửa. Rây  bột vào soong sữa rồi dùng vá gỗ khuấy lên cho thật đều. Bây giờ mở lửa vừa cho soong bột lên bếp, khuấy nhanh tay chừng 1 phút, khi bột không còn dính soong tắt bếp, nhắc soong ra. Khuấy tiếp cho để nguội 15 phút.

Trong lúc đó đánh trứng cho tan đều ( không cần nổi) rồi cho vào bột su làm 2 lần. Mỗi lần khuấy cho quyện đều với bột, rồi cho phần trứng còn lại vào trộn tiếp cho thật mịn, khi múc lên có thể kéo dài hỗn hợp này. 


Mở lò cho nóng trước khi nướng ở nhiệt độ : 450'F hay 230'C 
Cho bột vào túi và dùng đui tròn nhỏ bắt đầu ngỗng. Trước tiên là cái cổ hình dấu hỏi, sau đó là cái dấu phẩy ngay phía trên cổ dể tạo cái đầu. Cái lớn làm đầu ngỗng lớn, cái nhỏ làm đầu ngỗng con,



Dùng đui sò lớn bắt thân ngỗng lớn, và đui nhỏ làm thêm vài con ngỗng con.


Rắc lên thân ngỗng một ít bột khô, để cho "cánh ngỗng" sau này cứng hơn.


Nướng thân ngỗng ở 450'F hay 230"C trong 5' rồi sau đó hạ xuống 350'F và 180'C nướng tiếp thêm 25 phút nữa.
Cổ ngỗng nướng ở 350'F hay 180'C  trong 12 phút.
Cửa lò bảo đảm luôn luôn đóng trong suốt thời gian nướng và cái khay nướng đặt cách nóc lò 8 inch.

 Xẻ thân ngỗng ra làm 2, sau đó xẻ phần trên ra làm hai để làm cánh.

Rắc thêm đường mịn lên cánh thiên nga

 

Phần dưới dùng đui cho kem vào thật đầy.

Xếp 2 miếng cánh chéo lên nhau. Gắn đầu cổ vào ngay giữa. Thế là chúng ta có đàn "thiên nga" su rồi nhá!


Chúc các bạn thành công với đàn thiên nga ngon miệng này!

Bichnga








Cách búi tóc với trâm đơn giản nhất

Cách này rất giản tiện dù có đi tiệc hay ở nhà , chị em mình nhìn cũng rất xinh! lol


Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Canh cá lóc nấu bông thiên lý

Mùa này rau phát triển rất tốt, các món canh rau thật tuyệt vời! Hãy tận hưởng !


Nguyên liệu:

3 lát cá lóc
150g hoa thiên lý
muối, tiêu, ớt, đường, bột ngọt

Cách làm

Cá lóc rửa sạch để ráo, ướp với chút tiêu cho thơm. Hoa thiên lý ngắt cuống cứng, rửa sạch, để ráo.
 Nấu nước sôi, cho chút muối, cho cá vào. Chờ nước sôi lại, cá chín tới vớt ra. Cho hoa thiên lý vào, nêm nếm nước canh vừa miệng. Cho cá trở lại nồi, tắt bếp. Dằm ớt với nước mắm ngon!

Món canh thanh đạm, nhưng không kém phần bổ dưỡng! Mời các bạn nếm thử! 

Bichnga


Chữa bệnh bằng hoa thiên lý

 Thiên lý là loại cây nhỏ, mọc leo. Lá hình tim, thuôn. Hoa màu vàng xanh lục nhạt, được trồng ở nhiều nơi để lấy hoa, lá nấu canh ăn, mát và bổ. 


Thành phần dinh dưỡng có trong hoa thiên lý như chất xơ là 3%, chất đạm 2,8%, chất bột đường, các vitamin như C, B1, B2, PP, tiền vitamin A (caroten), cùng các khoáng chất cần cho cơ thể như calcium, phospho, sắt, đặc biệt là kẽm (Zn) có hàm lượng khá cao, vì vậy cây thiên lý cả lá non, ngọn và hoa đều có thể sử dụng làm thực phẩm. Hoa thiên lý giàu chất kẽm, rất tốt cho trẻ em đang lớn, không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng cửa cơ thể mà còn giúp người già giảm được chứng phì đại tuyến tiền liệt.

Các phương chữa bệnh từ cây hoa thiên lý qua các món ăn

-Phòng rôm sảy ngày hè:
Hằng ngày nấu canh hoa thiên lý ăn. Với trẻ có thể nghiền lá và hoa thiên lý ra nấu lẫn với bột khi cho trẻ ăn dặm.
-Trị giun kim:
Theo kinh nghiệm dân gian, lá thiên lý để trị giun kim rất hiệu quả bằng cách dùng 40g lá hoặc hoa nấu canh ăn hàng ngày (dùng 7 ngày trở lên là khỏi).
Hoặc có thể dùng bài thuốc sau:
Hoa thiên lý : 30 gam
Rau sam: 20 gam.
Lá đinh lăng: 25 gam
Ba thứ này sắc lấy nước trong ngày, mỗi ngày chia làm 3 lần, uống liên tiếp trong 3 ngày.
- Chữa bệnh lòi dom, sa dạ con:
Lấy 100g lá thiên lý non và bánh tẻ, rửa sạch, giã nhỏ với 5g muối ăn, thêm 30ml nước cất, lọc qua gạc sạch. Rửa sạch chỗ lòi dom bằng nước pha thuốc tím, lấy bông tẩm nước thiên lý đắp lên, băng lại.
Ngày làm 1-2 lần. Thường chỉ chữa 4-5 ngày như trên sẽ thấy tác dụng co dần phần dom hay dạ con bị lòi ra.
- Làm giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt:
Hàng ngày lấy hoa thiên lý xào với thịt bò hoặc chấm với muối vừng ăn sẽ tác dụng.
- Chữa mất ngủ:
Hoa thiên lý 30 gam. Hoa nhài 10 gam. Tâm sen 15 gam. Ba thứ sắc chung lấy nước uống trong ngày (dùng từ 3- 5 ngày).
Ngoài ra, canh hoa thiên lý còn có tác dụng mát, bổ và an thần, giúp dễ ngủ, ngủ ngon, bớt mệt mỏi, chữa sốt nhẹ, lao lực.
- Chữa đinh nhọt:
Lấy là cây thiên lý 30 – 50kg giã nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt, ngày thay 1 lần, vài ba ngày sẽ khỏi.
- Chữa đái buốt, đái ra máu, đái dắt, cặn trắng:
Lấy rễ cây thiên lý từ 10 – 20g, sắc lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày, uống từ 5- 7 ngày, sẽ thấy đỡ hẳn.
Không những vậy, chất kẽm trong hoa thiên lý còn có tác dụng đẩy chì ra khỏi tinh dịch, chữa chứng vô sinh ở nam do thường xuyên tiếp xúc với chì hoặc các chất có chì (động cơ chạy xăng pha chì, acca chì…).
Tuy nghiên khi sử dụng hoa thiên lý làm thức ăn, bạn nên chú ý tránh xào nấu chung (hoặc ăn cùng bữa) với các chất giàu sắt như tiết, gan, thịt nạc bò, lợn, rau muống… vì chất sắt sẽ đẩy chất kẽm ra khỏi cơ thể.

Theo afamily

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Sự tích chả cá Lã Vọng

Chả cá Lã Vọng là tên của một đặc sản Hà Nội. Đây là món cá tẩm ướp, nướng trên than rồi rán lại trong chảo mỡ, do gia đình họ Đoàn tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước đây là phố Hàng Sơn) trong khu phố cổ giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên cho nó như trên.


Vào những năm thời kỳ Pháp thuộc, ở số 14 Hàng Sơn có một gia đình họ Đoàn sinh sống, họ thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà hay làm một món chả cá rất ngon đãi khách, lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món ăn ấy, vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm nơi tụ họp. Lâu dần, hai tiếng 'Chả Cá' được gọi thành tên phố. Trong nhà hàng luôn bày một ông Lã Vọng - Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá - biểu tượng của người tài giỏi nhưng đang phải đợi thời. Vì thế khách ăn quen gọi là Chả cá Lã Vọng, ngày nay trở thành tên nhà hàng và cũng là của món ăn. Bí quyết làm chả cá chỉ truyền lại cho người con cả họ Đoàn

Cách làm

Cá làm chả thường là cá lăng tươi. Đây là loại cá ít xương, ngọt thịt và thơm. Đặc biệt nhất và cũng vô cùng hiếm hoi là chả làm từ cá Anh Vũ, bắt ở ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ). Không có cá lăng thì có thể dùng đến cá nheo, cá quả, nhưng cá nheo thì thịt bở hơn và cá quả thì nhiều xương dăm hơn nên không ngon bằng cá lăng. Thịt cá được lọc theo kiểu lạng từ hai bên sườn, thái mỏng, ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm theo một phương cách bí truyền đặc biệt ít nhất 2 giờ đồng hồ, rồi kẹp vào cặp tre (hoặc vỉ nướng chả có quết một lớp mỡ cho đỡ dính). Người nướng phải quạt lửa, lật giở đều tay sao cho hai mặt đều chín vàng như nhau. Chuẩn bị ăn, người ta mới mang những kẹp chả nướng đã chín trút vào chảo mỡ - loại mỡ chó (đây là tuyệt chiêu khiến chả cá Lã Vọng nổi tiếng) sôi đặt trên bếp than hoa đặt trên bàn ăn, cùng với rau thì là và hành hoa cắt khúc. Thường người ta không dùng dầu ăn vì nhiệt độ thấp hơn và cá kém thơm hơn.

Chả phải ăn nóng. Khi ăn, gắp từng miếng cá ra bát, rưới nước mỡ (đang sôi lên trên, ăn kèm với bánh đa nướng hay bún rối, lạc rang, rau mùi, húng Láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm. Mắm tôm phải được pha chế bằng cách vắt chanh tươi, thêm ớt, đánh sủi lên rồi tra thêm chút tinh dầu cà cuống, thêm vài giọt rượu trắng, một ít nước mỡ và đường. Một số khách nước ngoài không ăn được mắm tôm thì thay bằng nước mắm, nhưng nước mắm ít nhiều khiến món chả cá bị giảm hương vị.

Có hai cách ăn phổ biến

Cho cá đã nướng vào chảo mỡ, bỏ hành và rau thì là vào. Khi rau chín tái thì gắp ra ăn với bún, rau thơm, đậu phộng rang và mắm tôm đã pha chế theo cách cho một ít bún vào bát, cho rau và một vài miếng chả cá lên trên, rắc ít lạc rang, rưới chút mắm tôm rồi trộn ăn. Khi ăn mùi mắm tôm quyện với vị ngọt của cá, mùi rau và vị bùi của lạc rang. Do có nhiều mỡ nên khi ăn phải kèm theo cuống hành tươi chẻ nhỏ ngâm qua dấm pha loãng.

Cho chả cá, hành và rau vào bát, rưới nước mỡ đang sôi và dùng ngay, có thể ăn kèm với bánh đa nướng. Cách ăn này làm vừa đủ ăn nếu không cá sẽ nguội, mất ngon.

Ngoài hai cách trên, một số người có thể cho cả bún vào chảo và đảo nhanh với cá, thì là, hành hoa sau đó trút ra bát ăn. Ăn cách này rất nóng ngon nhưng hơi nhiều mỡ.

Món này có thể nhắm với rượu và hợp với tiết trời lạnh. Với trời nóng thì, để cho đỡ ngán, thực khách thường uống bia.

Theo Wiki

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Củ cải trắng xúc hột vịt

Món củ cải xào trứng đơn giản, rất dễ làm để thay đổi khẩu vị mà vẫn có thể dùng sâm trắng vào mùa đông này!



Nguyên liêu

1 củ cải trắng 200g
1 trái trứng vịt
chút muối
bột nêm
tiêu
hành ngò
nước mắm

Cách làm

Củ cải gọt vỏ, xắt sợi, ướp với chút muối, vắt bớt nước, xả nước muối, vắt ráo.
Đánh trứng với chút bột nêm + chút nước mắm + tiêu cho tan đều.
Đầu hành xắt nhỏ, phi thơm, cho củ cải vào xào cho nóng đều, và trắng trong. Nêm chút bột nêm + chút đường đảo đều cho thấm.
Đổ trứng ra phần trống của chảo rồi nhanh tay đảo củ cải vào chỗ trứng cho bám đều vào cải.
Cho 1/2 hành ngò vào, rắc chút tiêu đảo đều.

Múc ra dĩa trang trí ngò cho đẹp.

Bichnga

Cuộn tóc kiểu cánh bướm

Kiểu cuộn tóc Cánh Bướm này dành cho các cô nhu mỳ làm điệu! Chỉ vài cây kẹp tăm và 1 cọng dây thun là có được kiểu tóc thật xinh xắn!


Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Bánh bèo dân dã

 Làm bánh bèo khó nhất là phần pha bột bánh. làm sao bánh ráo không nhão mà lại mềm mại và khô ráo là cả một nghệ thuật. Mời các bạn hãy thử tự làm món ăn quen thuộc đã đi vào lòng người con miền Trung dù xa quê bao lâu.


Bánh bèo dân dã ăn mãi không chán
Nguyên liệu:

1 bát con bột gạo tẻ
1 thìa canh bột năng (nếu muốn ăn bột dai nhiều bạn tăng lượng bột năng và giảm lượng bột gạo)
1 thìa nhỏ muối
1 bát con nước lọc (dùng bát đong bột gạo đong nước)
1,5 bát con nước sôi nóng già.

Cách chế biến

Hòa tan bột năng và bột gạo, thêm muối vào, trộn đều. Chế từ từ bát con nước lọc, vừa chế vừa dùng muôi khuấy đều. Đổ từ từ nước sôi nóng già, dùng muôi khuấy đều, dùng màng thực phẩm, đậy kín, để qua đêm hoặc để từ 10 đến 13 tiếng.

Hôm sau bạn sẽ thấy phía trên bề mặt bột có lớp bột chua màu trắng trong, bạn lọc đổ bỏ nước bột chua, đổ bao nhiêu nước bột chua thì bạn thay thế vào bấy nhiêu nước ấm. Khuấy nhẹ tay, để khoảng 15 phút trước khi đổ bánh.

Khuôn thoa dầu ăn, xếp khuôn vào xửng hấp, nước ở xửng sôi già bạn mới châm bột vào khuôn, đậy kín nắp, thỉnh thoảng dùng khăn sạch lau nước đọng trên thành nắp. Hấp từ 6 đến 8 phút, bánh nổi trong là chín. Bạn có thể dùng bát nhỏ hay khuôn chuyên dụng để đổ bánh bèo.

Nhấc khuôn ra khỏi nồi, để nguội, dùng dao nhọn tách bánh, xếp vào đĩa. Lúc xếp bánh bạn nhớ dùng cọ quét ít hành và dầu ăn lên bề mặt bánh để bánh bèo không bị dính.

Phần bánh bèo đã xong, bạn có thể chọn một trong hai cách biến tấu dưới đây để làm cho món bánh bèo thêm hấp dẫn:

1. Bánh bèo chay

banh-beo-chen-8-910959-1368396-5851-8882
Nguyên liệu:

1/2 bát con đỗ xanh đã xát vỏ, muối, dầu điều để tạo màu
Bánh mỳ
Hành barô, dầu ăn
Nước mắm chay, đường, nước lọc, ớt quả.

Cách chế biến

Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm đậu vào âu nước có pha một ít muối, ngâm khoảng từ 1-2 tiếng. Cho đỗ xanh vào chõ hấp chín, để nguội, cho vào cối giã mịn.

Đun nóng một ít dầu điều, cho đỗ xanh vào đảo đều, lửa nhỏ. Đến khi đỗ xanh tơi mịn, bạn nêm vào một ít muối cho vừa ăn.

Bánh mỳ cắt hạt lựu lớn. Đem bánh mỳ ra phơi nắng khoảng 3-4 tiếng sau đó rán bánh mỳ vàng đều hoặc có thể cho vào lò nướng, nướng ở nhiệt độ 160 độ C 5-10 phút đến khi bánh mỳ vàng đều. Bạn cất vào lọ sạch, để giữ độ dòn cho bánh mỳ.

Hành barô lấy phần hành xanh trộn vào một ít dầu ăn, cho vào lò vi sóng quay 30 giây cho hành chín sơ.
Phần nước chấm: bạn có thể dùng nước mắm chay pha với đường, nước lọc theo tỷ lệ 1 nước mắm chay, 1 đường, 2 nước lọc, nước chấm dùng với bánh bèo thường có vị ngọt, và bạn pha nhiều cất vào tủ lạnh dùng dần.
Bánh bèo sau khi chín, có thể xếp ra đĩa hay để nguyên trong bát nhỏ, dùng thìa phết một ít dầu ăn và hành barô ở bước 11 lên bề mặt bánh bèo, rắc một ít đỗ xanh và bánh mỳ, dùng kèm với nước chấm ớt đã pha.

2. Bánh bèo đĩa đất Cố đô

Nguyên liệu

300g tôm tươi
Nước mắm, đường, ớt quả, tiêu và muối
Hành lá, hành khô, dầu ăn, khuôn đổ bánh bèo (bạn có thể mua tại các siêu thị)
Bì lợn chiên giòn hoặc bánh mỳ chiên ăn kèm.

Cách chế biến

Tôm rửa sạch, dùng tăm nhọn rút chỉ đen trên lưng tôm cho sạch, đổ tôm vào nồi, đậy kín nắp để tôm chín, không thêm nước. Đến khi tôm chín hồng, đợi nguội, bóc vỏ tôm, giữ lại vỏ tôm để nấu với nước mắm, còn thân tôm bạn dùng cối giã nhuyễn.

Đun nóng dầu ăn, phi hành khô thơm, đổ tôm vào đảo đều, thêm gia vị muối, nước mắm, đường, tiêu, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn. Xào đến khi tôm khô, tơi ra, nhấc chảo ra khỏi bếp, để nguội.

Hành lá thái nhỏ, rửa sạch, thêm vào bát hành ít dầu ăn, cho vào lò vi sóng quay 30 giây cho hành chín.
Phần nước mắm: vỏ tôm băm nhuyễn, đổ nước xâm xấp với mặt vỏ tôm, đun sôi, lọc lấy nước luộc vỏ tôm, bỏ xác. Pha nước mắm, đường, nước lọc theo tỷ lệ 1:1:1, nấu sôi đường và nước mắm, để nguội, chế từ từ nước mắm và nước luộc vỏ tôm vào, nêm hơi ngọt. Nước mắm dùng với bánh bèo không có tỏi và không thêm giấm, hay chanh. Ớt quả dùng thìa xắn hay kéo cắt chứ không giã.

Khi dùng, rắc ít tôm chấy lên bề mặt bánh bèo, thêm da heo chiên, chan nước mắm có pha ớt là bạn đã có đĩa bánh bèo dân dã nhưng rất ngon.

Theo XL

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Cánh gà nướng vỏ chanh

Nhâm nhi cánh gà nướng vỏ chanh không sợ béo ngậy và lạ miệng! Món này rất thích hợp cho những bữa tiệc ngoài trời hay party nho nhỏ, vừa làm vừa ăn thật là vui!


Nguyên liệu

6 cái cánh gà
1 M vỏ chanh vàng băm nhuyễn
2 M bột tỏi
100ml dầu olive
1/2M rượu vang đỏ
1/2 M giấm
1 hũ yaourt không đường
 tiêu, muối

Cách làm

Cánh gà rửa sạch, trụng qua nước sôi, để khô ráo. Trộn dầu olive + vỏ chanh + bột tỏi + 1/2 m tiêu + 1m muối thành một hỗn hợp cho đều, rồi cho cánh gà vào ướp 30 phút.

Nướng trên lửa than hay lò nướng. Thỉnh thoảng phết hỗn hợp ướp lên cánh gà để cánh gà thấm gia vị và không bị khô.

Cho yaourt ra một cái chén trộn rượu + giấm + 1/8 m tiêu + 1/4 m muối khuấy lên cho đều.

Cánh gà dùng với nước sốt này rất hấp dẫn.

Bichnga


Bới tóc kiểu Pháp 3

Hay kiểu này! Bới thật nhanh gọn với chỉ một cây trâm nhé các bạn! Hôm nay mua được trâm nên mình post bài này liền. lol



Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Sườn Kho Củ Sen

 Trời lạnh thì món mặn ăn với cơm nóng lên ngôi. Món Sườn kho củ sen vừa bổ vừa ngon miệng đây các bạn!


 

Nguyên liệu:

400g sườn non
300g củ sen
1m hành tím băm
1/2 m tỏi băm
1M đường vàng hay thốt nốt
1,5M nước mắm
1/4m muối 
2m dầu ăn
tiêu, ớt

Cách làm

Sườn non, chặt miếng vừa ăn, rửa sạch với nước muối, để ráo. Ướp 1/2 hành tỏi với sườn. Cho thêm chút tiêu với 1/2 đường khoảng 15 phút. Cho 1/2 nước mắm trộn đều, để thêm 10 phút.

Củ sen chọn loại trắng, không bầm dập. Bào vỏ, cắt lát 1cm, ngâm với chút nước chanh hay nước pha giấm cho khỏi bị thâm chừng 15 phút, xả lại nước lạnh, vớt lên để ráo.

Bắc soong lên bếp lửa vừa, cho dầu vào cùng với đường, chờ cho đường bắt đầu chuyển màu vàng cho hành + tỏi còn lại vào. Khi hành tỏi thơm và đường thành màu vàng cho phần mắm còn lại vào. Khuấy đều rồi cho sườn vào trộn đều, kế là củ sen, thêm 1/2 muối. Xóc mạnh cho tất cả các loại gia vị áo đều sườn và củ sen. Đổ nước vừa vượt qua mặt sườn, đậy nắp nấu cho sôi. 

Khi nước sôi, hớt bọt, bớt lửa hầm cho sườn và củ sen mềm. Khi nước cạn còn 1/3, củ sen và sườn đã mềm, nêm nếm lại cho vừa ăn, tắt bếp, rắc thêm tiêu và ớt (nếu ăn cay) băm cho thơm.

Thế là chúng ta có món mặn ngon miệng cho bữa cơm chiều nay rồi!

Bichnga

11 công dụng kỳ diệu của củ sen

Ở Việt Nam, đa số người trồng sen chỉ lấy hạt và hoa, ít dùng củ sen. Trên thế giới, củ sen được xem là thực phẩm mang lại may mắn và có nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe.


Theo quan điểm y học Trung Quốc, củ sen là một biện pháp tốt nhất để thanh lọc chất độc trong cơ thể. Đầu năm mới, người Trung Quốc cũng thường ăn món canh thịt heo hầm củ sen và rong biển biểu thị sự hòa hợp gia đình. Ở vùng Iwakuni của Nhật Bản, người ta thường xuyên mở các lớp dạy nấu ăn từ củ sen cho phụ nữ. Củ sen được người Nhật xem như một vật may mắn, họ cho rằng thông qua các lỗ rỗng của nó, chúng ta có thể tìm thấy ánh sáng và triển vọng tương lai. Món sushi thập cẩm có các lát củ sen là món ăn truyền thống cho bữa tiệc ngày đầu năm. 

Người Hàn Quốc xem củ sen như một biểu tượng của sự sinh sản, phát triển nên củ sen thường xuyên có mặt trong các bữa ăn. Ngoài món kim chi củ sen nổi tiếng, củ sen khô dùng làm trà uống tốt cho đường hô hấp, giúp lọc máu, dễ ngủ. Người Hàn ngâm củ sen uống giống như một loại nhân sâm của đất trời để tăng cường sức khỏe cơ thể. Đối với người Ấn Độ củ sen là một món ăn thiêng liêng vì nó tựu lại 3 yếu tố đất, nước và không khí.
 
Với phong cách ẩm thực thiên về tươi sống để giữ cho vitamin không bị giảm đi trong quá trình nấu, người phương Tây thường chế biến củ sen thành các món ăn tươi như: salad củ sen, sandwich củ sen, nước ép củ sen. 

1. Cải thiện chức năng miễn dịch
Củ sen chứa nhiều khoáng chất quan trọng như kẽm, mangan, magiê, sắt và đồng. Các khoáng chất này có vai trò quan trọng trong hoạt động của enzim. Ngoài ra sắt giúp tái sinh các tế bào máu.

2. Hỗ trợ tiêu hóa
Củ sen là nguồn cung chất xơ tự nhiên làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate phức tạp, giúp giảm lượng cholesterol trong máu cũng như giảm cân.

3. Kiểm soát thần kinh
Ngoài vai trò tích cực của nó trong tiêu hóa thức ăn, củ sen còn chứa nhiều vitamin. Vitamin B6 là một coenzym quan trọng trong tổng hợp hóa học tác động đến tâm trạng. Lượng pyridoxine đầy đủ giúp ta kiểm soát đau đầu, căng thẳng, lo lắng và thất vọng.

4. Điều hòa huyết áp
Sự cân bằng natri và kali ở tỷ lệ hợp lý tạo nên vị ngọt giòn của sen. Natri kiểm soát sự tiết mồ hôi của cơ thể còn kali có vai trò điều hòa nhịp tim và huyết áp ở mức ổn định.

5. Thiếu máu do rong kinh
Nước ép củ sen hay canh củ sen là phương pháp tuyệt vời để tái tạo máu ở phụ nữ khi bị rong kinh hoặc ra máu nhiều khi hành kinh. Phụ nữ nên dùng nước ép hoặc canh củ sen 3 ngày liên tục sau khi hành kinh.

6. Cầm máu
Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng nước ép củ sen để ngăn chặn chảy máu trong thực quản, ruột, dạ dày, đại tràng và chảy máu mũi.
Món Á-Âu kết hợp sandwich củ sen. Ảnh: senta
Món Á-Âu kết hợp sandwich củ sen. Ảnh: senta.
 
7. Táo bón hoặc tiêu chảy
Nước ép củ sen điều hòa hoạt động của dạ dày và ruột non, giúp giảm các vấn đề về đường ruột cũng như để ngăn chặn táo bón và tiêu chảy. Ăn củ sen giúp ngăn ngừa các bệnh, sự tổn thương đại tràng và ruột. Mỗi ngày uống một cốc nước ép củ sen với gừng sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

8. Cung cấp năng lượng cho cơ thể
Củ sen mọc dưới bùn hấp thụ chất dinh dưỡng trong đất và nước rồi chuyển hóa thành năng lượng dưới dạng tinh bột. Y học phương Đông cho rằng củ sen là nguồn cung cấp năng lượng sạch cho cơ thể.

9 Bảo vệ tim
Củ sen cung cấp các vitamin nhóm B như vitamin B6, niacin, acid pantothenic, riboflavin và thiamin... Nó bảo vệ tim tránh các cơn đau chỉ đơn giản bằng cách kiểm soát cường độ homocysteine ​​trong máu – nguyên nhân dẫn đến đau tim.

10. Loại bỏ chất nhầy
Lượng vitamin C cao trong củ sen có tác dụng hòa tan chất nhầy tiết ra trong đường hô hấp và loại bỏ chất nhầy bằng cách bài tiết ra khỏi cơ thể. Do đó, củ sen thường được dùng để điều trị bệnh hen suyễn, viêm phế quản, cảm lạnh, ho và bệnh lao. Muốn có kết quả chữa bệnh tốt hơn và thức uống ngon hơn, nên ép củ sen cùng cà rốt để uống.

11. Điều hòa nhiệt độ cơ thể
Uống nước ép củ sen với cam để hạ sốt. Trà củ sen điều trị cảm lạnh hoặc ăn củ sen hầm thịt gà khi còn ấm là bài thuốc vừa ngon vừa hữu hiệu để chữa bệnh cảm lạnh, sốt.

Theo Vnexpress

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Làm những cây thông trang trí cho bánh Buche Noel, hay trên khay bánh hay góc bàn cũng  rất cần thiết để bữa tiệc giáng sinh thêm phần sinh động ha các bạn.

 

Nguyên liệu cần có:
- Vỏ ốc quế
- Kem (kem sô cô la), kem tươi
- Sô cô la chip, kẹo m&m
- Ống hút
- Mứt dừa
Cùng làm nhé:
1-577708-1372585922_500x0.jpg
Bước 1:
Chúng mình chuẩn bị vỏ ốc quế có vỏ dày và cứng một chút.
2-889275-1372585922_500x0.jpg
Bước 2:
Cho kem sô-cô-la hoặc vị kem mình thích vào ốc quế gần đầy thì dừng lại.
3-862208-1372585922_500x0.jpg
Bước 3:
Chèn từng cái riêng biệt cho khỏi đổ, rùi sau đó bạn cho sô-cô-la chip vào đầy ốc quế.
4-941810-1372585923_500x0.jpg
Bước 4:
Cắm chặt 1 cái ống hút ở giữa. Các bạn cố nén sô cô la thật chặt để khi dốc ngược chúng không rơi ra nhé.
5-438673-1372585923_500x0.jpg
Bước 5:
Phết đầy kem tươi phủ lên vỏ ngoài của ốc quế.
6-181852-1372585923_500x0.jpg
Bước 6:
Rắc mứt dừa lên trên kem tươi roi bạn có thể trang trí tùy sở thích nha.

Trang trí các kiểu mà mình thích nè!
7-466849-1372585923_500x0.jpg
8-896121-1372585923_500x0.jpg
9-220722-1372585924_500x0.jpg

Trông ngon và rực rỡ quá đúng không các ban?
10-651602-1372585924_500x0.jpg
11-621917-1372585924_500x0.jpg

Đêm giáng sinh mà có món này thì thật là tuyệt vời.
12-251294-1372585924_500x0.jpg
13-972524-1372585924_500x0.jpg
Chúc các bạn thành công, ngon miệng và một mùa Giáng Sinh An Lành!

Theo VNE

Vì sao phải ăn bánh khúc cây vào mùa Giáng Sinh?

Bánh khúc cây (hay còn gọi là Bûche de Noël, Christmas Log hay Yule Log) là một trong những loại bánh ăn vào dịp Giáng Sinh khởi nguồn từ dân tộc Pháp, có nguồn gốc liên quan đến tục lệ đốt khúc cây để chào đón mặt trời của người cổ đại.

 

 Bánh khúc cây là món ăn không thể thiếu trong đêm Giáng Sinh - Ảnh: alohahowdy.com

Có khá nhiều giả thuyết về nguồn gốc của món ăn này. Một trong những giả thuyết cho rằng món bánh này bắt nguồn từ tục lệ của người Celtic cổ đại đốt những cây gỗ to thâu đêm vào ngày cuối năm để mừng sự trở lại của mặt trời sau những ngày mùa đông lạnh giá. Tro của khúc gỗ này được giữ lại để chữa bệnh và bảo vệ ngôi nhà khỏi bão, sét và quỷ dữ.

  Nhiều người nghiêng về giả thuyết bánh khúc cây bắt nguồn từ tục lệ đốt khúc cây của người cổ đại
để chào đón thần mặt trời và may mắn. Ảnh: Foodie One
 
Truyền thống đốt những cây gỗ to dần biến mất khi xuất hiện những lò lửa nhỏ trong nhà. Người ta thay súc gỗ lớn bằng những cành cây nhỏ đặt lên bàn và treo lên đó nhiều kẹo, vật trang trí để đón khách. Về sau, cành cây này dần biến đổi thành bánh khúc cây quen thuộc trong mùa Giáng Sinh như ta thấy ngày nay.
Công thức bánh khúc cây đầu tiên có lẽ là của tác giả Joseph Fabre vào năm 1905 trong cuốn Từ điển thực hành nấu nướng (Dictionnaire universel de cuisine pratique).
Hiện giờ, bánh khúc cây phổ biến ở châu Âu và Mỹ, rồi dần lan tỏa đến các nước châu Á... Người ta coi việc ăn bánh khúc cây sẽ đem lại may mắn trong năm mới và tránh khỏi điềm dữ.


 Người ta coi việc ăn bánh khúc cây sẽ đem lại may mắn và tránh khỏi điềm dữ. Ảnh: The Word
 
Để làm bánh khúc cây, sử dụng bánh xốp cuộn lại thành hình trụ, phủ bằng sô cô la hoặc kem bơ, dùng chiếc nĩa vạch lên sao cho giống vỏ thân cây. Càng ngày việc trang trí bánh khúc cây càng trở nên vô vàn sáng tạo, có nhiều trái cây, nhiều hình dạng và màu sắc hơn.
Cho dù là kiểu dáng nào đi chăng nữa, bánh khúc cây - Bûche de Noël là món ăn không thể thiếu được trong dịp Giáng Sinh, thời điểm đoàn tụ gia đình thiêng liêng đã trở thành truyền thống của nhiều dân tộc trên thế giới. 

Theo amthucsaigon

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Lần đầu họp mặt Cựu Học Sinh Trung Học Thủ Đức - Hoàng Đạo - Nguyễn Hữu Huân

Từ khi bắt được liên lạc với các "cụ" học sinh THTĐ -HĐ - NHH tới hôm nay mình mới có thể tham gia cuộc họp lớn này. Bởi từ khóa 1 tới khóa 8 toàn gương mặt lạ nên mình ái ngại . Còn khóa 9 tụi mình đã nhóm họp hơn 10 năm nay rồi, thật gần gũi thân thương làm sao. Lần này có sự hối thúc của Lệ Thu và lá thư của anh Châu làm mình can đảm hơn, quyết định gửi mail đăng ký dự cuộc họp ngày 22/12/2013 này.

Gần 10g mình đã đến trước nhà hàng Emi Palace. Người đông lố nhố, đang thay nhau chụp hình với thày Đăng. Hết tốp này tới tốp kia. Hết kiểu này tới kiểu nọ. Ngó tới ngó lui toàn những gương mặt lạ hoắc. Mình bèn đánh liều, kẻo lỡ mất cơ hội.  Không cần ai quen ai biết, mình lấy can đảm xông vô đám đông chụp một tấm làm kỷ niệm. Chắc chắn tấm hình này sẽ không bao giờ có lần hai.


Có chị Bích Liên và thày Đăng "bảo kê" nên không sợ ai đuổi ra. lol

Tiếp tục thừa thắng xông dzô nhà hàng, mở cửa, ngó tới ngó lui cũng không thấy phe ta đâu. Hít một hơi dài đi thẳng vào bên trong. May quá gặp chị Lan nhỏ! Chị bèn dẫn mình tới chỗ anh Chiểu. Lần này anh Chiểu có phần thân mật hơn lần trước, nên mình cũng cảm thấy đỡ "lo". Quay lại là chị Ngọc Anh. Rồi Kim Dung cùng khóa 9. Thế là thở phào nhẹ nhõm. Kim Dung giao liền một nhiệm vụ "cao cả" là vào ban hợp ca bài "Mừng chúa Giáng sinh" mà không cần thử giọng. 

Hai đứa kéo nhau xuống bàn dành cho "khách lẻ" tám chút cho mai mốt ra đường khỏi đánh nhau "u đầu". 

Hai em đại biểu K9 : Bich Nga và Kim Dung

Hỏi ra mới biết hai đứa vừa cùng học chung trường Trung học vừa chung cả Đại họcSPKT nữa: Một em 77KNC còn  em kia là 77 Điện. Và cả hai đứa có chung một người bạn thân là Kim Hà. Ôi trời ! Thế có chết không???
Mặc dù có mê tám nhưng Nga vẫn không thể quên được nhiệm vụ mà Thu đã nhờ, mà mình cũng thấy là cần thiết! Đó là ghi lại những hình ảnh đáng nhớ trong đời vào máy ảnh vì bộ nhớ tự nhiên ngày càng mau hết "đát".

Mở đầu chị Bích Liên, đại diện ban tổ chức tuyên bố lý do cuộc họp

Hai MC : Anh Chiểu và chị Ngọc Anh trang nghiêm nhưng cũng không kém phần dí dỏm.

Thầy Luyện Quang Đăng  nói lời cảm tạ và nhận quà của cựu học sinh trao tặng.


Đại diện cựu học sinh tặng quà cho thày






 
 
Đại diện cựu học sinh nói lời tri ân cùng thày cô
Ngoài các cựu học sinh các khóa còn có sự hiện diện của một số thầy cô khác như : 

Cô Chi, thày Dưỡng, thày Trai, thầy Đức và cô Lan. 
Các thày cô cũng phát biểu cảm nghĩ của mình sau lời đáp từ của đại diện cựu học sinh

 Thày Hiền
 Thày Thụy và cô Thu


Cô Cúc
Bữa tiệc liên hoan được khai tiệc với món Súp cua. Chương trình văn nghệ cũng được khai ... với tiếng hát trong trẻo và tiếng đàn ấm áp của cha con anh Nguyễn tấn Phát K6 .

Cháu gái đang thay mặt các bác, cô, chú hát bài Bụi Phấn tặng quý thầy cô


Thầy Dưỡng và cô Chi trình bày bài "Nắng Chiều" .


Một chị khóa 3 giúp vui trong thời gian mọi người "nhâm nhi" với bài "Trường em". 
Chị có giọng hát rất dài hơi mà anh Chiểu cũng phải ngước nhìn mà thán phục!

 Súp cua nấm đông cô rất chất lượng!


Gỏi bắp bò cần tây rất "hoành tráng" và hấp dẫn!


Cà ri tôm ăn với bánh mì tròn. Món này rất vừa miệng!


Lẩu cá bớp . Nhà hàng trang trí dĩa nguyên liệu này rất đẹp mắt! 

 Món tráng miệng : rau câu cà phê nhân "tim" pho mai. rất lạ miệng!


Trong bữa tiệc liên hoan này, thày Đăng đi hết 16 bàn để nghe từng học sinh (gần 200 người) giới thiệu về mình và ghi nhớ những gương mặt học trò đáng yêu ấy!


Con là Bichnga K9 nè thầy! ( Cám ơn cháu gái đã chộp đúng khoảnh khắc này!)




Hơn 12g trưa Nga phải về (kẻo xe biến thành trái bí) dù chưa được tham gia góp vui văn nghệ cùng mọi người được (Nhưng dù sao cũng đã ăn hết những gì ghi trong thực đơn rồi!). Cám ơn thầy đã giúp anh chị em bạn bè chúng con tìm lại nhau! Chúc thày cùng gia đình và các ACE một mùa Giáng Sinh An Lành!

Saigon, ngày 23/12/2013
Bichnga