Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Cải trời

  Cải trời, Cải ma, Kim đầu tuyến, Cỏ hôi - Blumea lacera (Burm.f.) DC. (B. glandulosa DC.), thuộc họ Cúc - Asteraceae. 



                                                                                         
Mô tả: Cây thảo cao 0,40-1m, nhánh và lá có lông hơi dính (Trĩiu), thơm. Lá mọc so le, mép khía răng. Cụm hoa màu vàng ở ngọn, có nhánh dài, có lông dính; hoa đầu có bao chung gồm 5-6 hàng lá bắc, phía ngoài là hoa cái, phía trong là hoa lưỡng tính; hoa nhỏ 4-5mm. Quả bế dài 1mm, có 10 lằn và ở ngọn có lông mào trắng, dễ rụng.  
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Blumeae Lacerae. 

Nơi sống và thu hái: Loài của vùng Ấn Độ - Malaixia, mọc hoang, hoang thường ở vườn, ruộng, bãi trống, gặp nhiều từ Thừa Thiên - Huế trở vào đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khi dùng làm thuốc, nhổ cả cây vào mùa khô, đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô trong râm. 
 
Thành phần hóa học: Cây chứa 0,085% tinh dầu màu vàng mà trong thành phần có 66% cineol, 10% fenchon và khoảng 6% citral. 

Tính vị, tác dụng: Cải trời có vị đắng, mùi thơm, tính bình, có tác dụng thanh can hoả, giải độc tiêu viêm, tán uất, tiêu hòn cục, cầm máu, sát trùng. Ở Ấn Độ, người ta cho là cây đắng, hạ sốt; dịch lá trừ giun, thu liễm, hạ nhiệt, kích thích và lợi tiểu; rễ trừ tả. 
 
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá Cải trời có mùi thơm, thường được thu hái làm rau luộc ăn hoặc nấu canh với tép, với cá. Ở Java, người ta cũng dùng chồi non nấu canh ăn. Người ta dùng toàn cây làm thuốc trị tràng nhạc, nhọt lở, cầm máu vết thương, trị băng huyết, chảy máu cam. Cũng dùng trị tức ngực, yếu phổi, ho có đờm, táo bón, Mất ngủ, đái vàng và nóng. 

Ở Ấn Độ, người ta dùng lá để trị đau bụng và để lọc sạch nước uống. Ở Malaixia, người ta dùng cây để xua đuổi sâu bọ nhờ tinh dầu thơm. Còn ở Ấn Độ, người ta dùng cây để trục giun. Ở một số nơi, người ta dùng cây giã ra vứt xuống nước để làm thuốc duốc cá. 

Liều dùng : hàng ngày 10-30g, dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với Bồ công anh, Kim ngân hoa, lá Sen, cành Tầm duột, Ngũ gia bì, Cam thảo. Cũng có thể nấu thành cao sệt, uống lâu ngày, mỗi ngày độ 2 thìa canh pha với nước; dùng ngoài làm cao dán. 

Ghi chú: Một loài khác cũng được gọi là Cải trời, Cải ma, Cải dại, Bọ xít - Blumea subcapitata DC. cũng được dùng làm thuốc giải độc, chữa mụn nhọt và cầm máu vết thương.




Cải trời có mùi hăng hăng, cái mùi của lá thuốc nam, vị hơi đắng nhưng hậu lại ngọt. Bởi cái mùi đặc biệt, vị đặc biệt đó mà chắc chỉ những người quen ăn các thể loại rau mọc dại mới phải lòng được. Nói là luộc, nhưng với cải trời ta chỉ nên trụng sơ, để khi thưởng thức còn đủ giòn và thơm. Ngoài món luộc còn có thể nấu canh chua, nấu canh tép, nấu với cá trê… toàn những món nói tên đã nghe ngan ngát mùi rơm rạ quê nhà.

Phía Tây nắng vãn chiều rồi
Bậu không lo liệu vác nồi nấu cơm
Xuống ao mà xúc tép tôm
Ra vườn bứt đọt ngò om, cải trời

Những câu ca dao mà nội hay đọc như thấm vào tận da thịt thời tuổi nhỏ. Về quê vào mùa cải trời là một may mắn cho những ai muốn tìm lại ký ức xưa. Chái bếp ngày nào nấu bằng lá khô mù mịt khói, nên món rau cải trời xưa mẹ nấu hình như thơm hơn, vì trong hương vị rau nồng nồng còn có mùi khói bếp. Chén đá và đũa tre không làm cho bữa cơm trở nên nghèo nàn, vì món ăn bao giờ cũng tuyệt vời từ cọng rau tươi non mới hái….

Rau cải trời – thứ rau tưởng bình dị nhưng đủ sức gợi cho người xa quê đang dần quên hết chuyện mùa nào thức nấy một cảm xúc khác lạ. Thứ cảm xúc đầy tự hào vì biết mình còn có một miền quê.

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét